Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinAfghanistan – Lại tiếp tục bị xâu xé với các nước lớn

Afghanistan – Lại tiếp tục bị xâu xé với các nước lớn

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một điều bất ngờ đối với toàn thế giới, và với cả các đồng minh NATO ở châu Âu của Mỹ. Đặc biệt là hành động rút quân không kèm theo một lời giải thích rõ ràng.

Việc Mỹ rút quân đã tạo nên một mớ bòng bong ở Afghanistan

Một điểm thu hút sự chú ý của dư luận nữa là, đồng thời với việc rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ cũng cam kết rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq. Dường như, Mỹ đang dồn hết nguồn lực vào khu vực “có nguy cơ cao” mới, như giới chính trị gia nước này vẫn thường rêu rao trong khoảng thời gian gần đây.

Các nước Đức, Pháp, Bỉ cũng gửi quân tham chiến ở chiến trường Afghanistan. Mỹ quyết định rút quân về, không hề nói một lời với các nước này, khiến họ rất ngỡ ngàng và tha thiết đề nghị Mỹ hãy tạm hoãn lại kế hoạch. Lời đề nghị này đã bị Mỹ phớt lờ. Mỹ vội vã rút quân tới nỗi để lại ở Afghanistan cả một núi vũ khí, khí tài. Qua đây, cả thế giới lại một lần nữa thấy rõ cách hành xử của Washinton là thích gì làm nấy.

“Nguy cơ” mà Mỹ nói tới có thực hay không?

Điều gì là nguyên nhân đích thực ẩn nấp đằng sau quyết định của các nhà hoạch định chiến lược ở bên kia đại dương? Có lẽ bài học “Afghanistan” đã làm cho Washinton ngẫm ra một điều: “Việc áp đặt các nguyên tắc xây dựng nhà nước của mình cho các nước có trình độ phát triển khác, có truyền thống tư tưởng và tôn giáo khác là một việc làm vô vọng”.

Cách đây 32 năm, Liên Xô cũng rút quân khỏi Afghanistan. Chỉ huy cuộc rút quân, Tướng Boris Gromov nhận xét: “Đây là cuộc chiến không có chiến thắng và không có chiến bại”. Mỹ đã không lấy đó làm bài học. Về mức độ thiệt hại, thiệt hại của Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan chỉ bằng 1/7 thiệt hại mà Liên Xô phải gánh chịu.

Rất có thể, nguyên nhân chủ yếu trong sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của Mỹ là tốc độ tăng trưởng quá nhanh của tiềm lực kinh tế và chính trị của Trung Quốc, kéo theo đó là những tham vọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Hiện nay, Mỹ vẫn chưa xác định dứt khoát: giữa Nga và Trung quốc, ai là kẻ thù số 1. Nhưng nếu xét về tốc độ phát triển vượt Nga của Trung Quốc, đặc biệt là việc tiềm lực quân sự của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng, thì có lẽ Trung Quốc sẽ là “kẻ thù số 1”của Mỹ trong tương lai gần.

Trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã rộ lên những thông tin (tuy là chưa công khai) rằng cần phải tìm ra điểm chung với Moscow trong cuộc chiến trống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng tuyên bố: “Thế kỷ sau sẽ không phải là thế kỷ của Trung quốc”.

Trên thực tế, Mỹ chưa xây dựng liên minh chống Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Nhưng những cần câu có gài mồi “chống Trung” thì Mỹ đã vung ra một cách rất tế nhị, không chỉ ở châu Âu mà cả ở Nga. Trong quan hệ với Mỹ và với Trung quốc, Nga đang duy trì chính sách trung lập. Còn các nước châu Âu thì trả lời Mỹ rằng: “Chúng ta là đồng minh NATO với nhau, còn vấn đề với Trung Quốc, cứ để đó, chúng tôi tự biết phải làm gì”.

Mỹ muốn đưa các nước châu Âu vào liên minh chống Trung Quốc, còn các nước châu Âu đáp lại rất kiềm chế. Đây không chỉ là cách hành xử khôn ngoan của châu Âu, mà còn có lý do nữa, đó là quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu ngày càng gia tăng.

Có những tín hiệu đã được đưa ra

Quan điểm của Moscow trong vấn đề này ra sao? Bộ Ngoại giao Nga hiểu rất rõ, “cái nháy mắt của Washinton” về phía mình chỉ mang tính cơ hội.

Thời đại ngắn ngủi của Donald Trump đã cho thấy đường lối của Washington là khó lường đến mức nào. Thêm nữa, tuy bên trong “hậu trường”, Mỹ đã có những động tác đánh tín hiệu với Nga, nhưng trước thanh thiên bạch nhật, trước bàn dân thiên hạ, Mỹ vẫn thiên về tư tưởng và thực tiễn của thời chiến tranh lạnh, vẫn là đối đầu và các lệnh trừng phạt. Vậy nên, Nga vẫn giữ một thái độ thận trọng.

Việc Mỹ bất ngờ rút quân khỏi Afghanistan khiến Moscow vừa ngạc nhiên vừa lo âu.

Đại diện báo chí của Bộ ngoại giao Nga Maria Zhakharova mỉa mai rằng: “Chắc là, phải cần đến 20 năm thì Mỹ mới có thể suy nghĩ một cách chín chắn”.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov giải thích thêm rằng: “Mỹ đã giúp làm ổn định tình hình khu vực trong một thời gian dài”.

Để làm yên lòng người dân Nga, vốn không muốn có thêm một cuộc chiến tranh mới, Điện Kremlin đã tuyên bố ngay rằng: “Moscow sẽ không can thiệp vào tình hình Afghanistan”.

Điều khiến chính quyền Nga lo ngại là: Afghanistan có đường biên giới chung với các nước cộng hòa của Liên Xô trước kia, sau năm 1991, là các quốc gia độc lập, có quan hệ hữu nghị với Nga. Các nước bao gồm Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan. Quân đội của các nước này đang trong giai đoạn phát triển, bởi vậy nguồn lực để bảo vệ biên giới trước dòng người tị nạn là rất hạn chế.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp các nhóm Hồi giáo mở rộng địa bàn hoạt động. Mỹ vừa rút khỏi được 2 tuần, Taliban đã tuyên bố rằng lực lượng của họ đã chiếm được 80% lãnh thổ của Afghanistan. Hiện nay, những thế lực đã hợp tác với Mỹ ở Afghanistan đang di tản khỏi mảnh đất này, nhưng đã có nhiều đồn đoán rằng rất có thể sẽ xảy ra cuộc nội chiến mới tại Afghanistan. Nếu chính quyền Kabul hiện nay sụp đổ, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á sẽ là điểm đến của hàng trăm nghìn người tị nạn. Dòng người tị nạn này muốn sang châu Âu, chắc chắn sẽ đi qua lãnh thổ Nga.

Nhiều nước trong khu vực đã đề nghị Nga giúp đỡ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm tới Uzbekistan và Tajikistan. Nga đã tăng cường Su-25 tới để tổ chức tập trận chung.

Nga luôn có cách tiếp cận thận trọng trong vấn đề Afghanistan. Chẳng thế mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Nga sẽ không đưa thêm quân tới khu vực này”.

Nga cũng đang theo dõi sát sao mọi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara có những việc làm rất mâu thuẫn nhau, và cũng rất khó đoán định. Thổ Nhĩ Kỹ thường tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ duy trì ổn định tình hình trong khu vực, kiểm soát dòng người tị nạn.

Mỹ tuyên bố rằng đã đạt thỏa thuận với Ankara về những vấn đề trên. Thổ Nhĩ Kỳ lại không thể diễn giải cho thế giới biết được thỏa thuận đó là gì. Họ cũng không nói lên ý kiến của mình về việc Mỹ muốn giao cho mình một vai trò mới trong khu vực (ám chỉ để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện giấc mơ hồi sinh Đế chế Ottoman).

Như vậy hiện nay, xung quanh các vấn đề về Afghanistan, các câu hỏi đặt ra vẫn nhiều hơn là lời giải.

RELATED ARTICLES

Tin mới