Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao nông sản Việt sang Nga hạn chế

Vì sao nông sản Việt sang Nga hạn chế

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, thị trường Nga có những đặc thù mà doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu, nắm bắt và linh hoạt mới tiếp cận được.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Nga trong thời gian gần đây tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, như: rau quả tăng 50,8%, hạt điều tăng 47,6%, hạt tiêu tăng 61,9%, cao su tăng 266,6%.

Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, chè và gạo (giảm đến 75%). Đáng lưu ý, đối với cà phê, hiện cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga.

 PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, từ trước đến nay, hàng nông sản Việt Nam sang Nga vẫn thấp và vẫn chưa bám vào được vào thị hiếu của người tiêu dùng.

Đây là vấn đề không chỉ đối với thị trường Nga. Ông dẫn ví dụ, đối với cà phê, có thị trường mua cà phê hạt về tự rang xay, chế biến, lại có thị trường có nhu cầu sử dụng cà phê chế biến sẵn, dạng hòa tan… Với thị trường Nga, cà phê rang xay của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1%.

Đối với mặt hàng gạo, trước hết, thói quen của người tiêu dùng Nga là ưa dùng gạo đồ nhiều hơn. Giá gạo Việt Nam cũng cao hơn gạo của các thị trường khác, làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam.   

“Các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bám sát thị trường, thiếu linh hoạt, chỉ bán ra ào ào mà chưa tìm hiểu kỹ thị hiếu của người tiêu dùng thế nào”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Không chỉ gạo, chè, cà phê, ông Nam cho biết, nhiều mặt hàng khác như trái cây của Việt Nam (xoài, bưởi, thanh long…) cũng xuất hiện rất hạn chế trên kệ hàng ở Nga. Lý do dễ thấy nhất là trái cây Việt Nam muốn sang Nga phải đi đường vòng nên không bảo đảm được độ tươi ngon, không cạnh tranh được với trái cây của các quốc gia khác.

Vị chuyên gia cho biết, về kinh tế, thương mại, doanh nghiệp Việt vẫn chưa sát sao với thị trường này, chưa tận dụng được quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Nga, chưa  tận dụng được hiệu quả từ những ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN – EAEU FTA) mang lại.

Nguyên nhân trước hết được nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ rõ, đó là Việt Nam vẫn chưa có một đội ngũ kinh doanh am hiểu thị trường Nga.

Thứ hai, Việt Nam thiếu các kho hàng dự trữ tại Nga. Điều này khác hoàn toàn với Trung Quốc, họ lập rất nhiều kho ngoại quan trên đất Nga nên ở đâu thiếu hàng Trung Quốc có thể đáp ứng ngay.

Thứ ba, các nhà kinh doanh Việt Nam vẫn làm theo kiểu cũ, thiếu sự nhanh nhạy, bám sát thị trường, mà một phần xuất phát từ việc cán bộ thương vụ thiếu tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp cho rõ ràng.

Nhiều hội thảo, giao thương doanh nghiệp, triển lãm, hội chợ chuyên ngành đã được tổ chức, tuy nhiên, sự tham gia của doanh nghiệp Việt còn hạn chế và bản thân các triển lãm, hội chợ này còn mang nhiều hình thức.

Theo ông Nam, mục tiêu chính của các hội chợ, triển lãm là để đẩy mạnh tiếp xúc, giao dịch các mặt hàng, ký ghi nhớ rồi kết hợp đồng. Những việc đó đánh giá sự thành công của hội chợ, triển lãm, nhưng Việt Nam chưa đạt được.

“Thị trường Nga rất lớn, nhưng có đặc thù riêng mà nếu doanh nghiệp không sâu sát, không tìm hiểu và gỡ vướng mắc thì rất khó tiếp cận. Hệ thống buôn bán ở Nga cũng khác các nước phát triển ở thị trường châu Âu, Mỹ. Đó không phải hệ thống tư nhân mạnh, kinh doanh theo cơ chế thị trường 100% như của các nước châu Âu, Mỹ…

Một cái khó nữa khiến nông sản Việt khó thâm nhập thị trường Nga, đó là vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga rất phức tạp, không có đường thẳng mà phải đi đường biển rồi vòng lên”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Ông kể, thời bao cấp, Việt Nam mua xăng dầu của Nga, họ giao ở Leningrad, tàu nhận ở đó rồi đi vòng mãi mới về đến Hải Phòng. Sau này có sự thay đổi trong cách làm: chúng ta nhận hàng được thì bán luôn, về Singapore mua xăng dầu rồi vận chuyển về, vừa giảm được rất nhiều công vận chuyển lại nhanh hơn.

Tháng 7 vừa qua, Việt Nam có chuyến tàu container đầu tiên chở các hàng hóa như dệt may, da giày, điện tử xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội) sang Bỉ. Nhưng đường sắt Việt Nam với đường sắt quốc tế khổ khác nhau, tàu từ ga Yên Viên chạy sang Trung Quốc trên khổ đường 1.435mm, sang ga biên giới Kazakhstan thì phải chuyển đổi khổ đường sang khổ 1.520mm. Khi đó, container phải chuyển sang toa xe khổ 1.520mm để lập tàu đi tiếp.

Cho nên, mặc dù có đường sắt từ Việt Nam chạy sang châu Âu  nhưng ông Nam cho rằng vẫn còn không ít khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí.

“Dịch Covid-19 giúp Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, do nghiệp vụ buôn bán, vận tải còn kém, phụ thuộc vào nước ngoài khiến chi phí cao. Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhưng rõ ràng chúng ta vẫn chưa tận dụng được các cơ hội để xâm nhập thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Nga”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới