Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhán quyết “nằm ngăn kéo”?

Phán quyết “nằm ngăn kéo”?

“Nằm ngăn kéo” là cách nói của không ít người khi chứng kiến những gì diễn ra sau 5 năm Tòa trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Nếu thật thế, hóa ra, 3 năm nghị án của PCA thành công cốc?

Phán quyết của PCA bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Nhìn vào bề nổi, không phải dư luận vô lý khi có những đánh giá hàm ý tiêu cực, bi quan như vậy về kết quả làm việc ròng rã suốt 3 năm trời của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển 1982 (Unclos).

Thứ nhất, đó là phản ứng của Trung Quốc. Không tham gia phiên tòa, nhưng chắc chắn, Bắc Kinh không thể không quan tâm diễn tiến và kết quả của vụ kiện với thái độ trịch thượng, ngông nghênh của một cường quốc: “ Để xem các vị xét xử, làm ăn ra sao”. Chính theo dõi chặt chẽ nên ngay khi PCA ra phán quyết vào ngày 12/7/2016, cơ bản “xử” Philippines thắng kiện, Bắc Kinh lập tức làm cú “phẩy tay”, khẳng định rõ không công nhận, không liên quan. Không những thế, các hoạt động bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa các đá, đảo cưỡng chiếm trái phép được Trung Quốc tăng cường triển khai dồn dập hơn bao giờ hết. Trung Quốc cũng thông qua Luật Cảnh sát biển, trong đó cho phép Lực lượng cảnh sát biển của họ được phép nổ súng vào các tàu của các quốc gia khác nếu xâm phạm “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”, mà không giải thích rõ ràng “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc” là vùng nào?

Cái phẩy tay của Bắc Kinh không làm Manila cũng như cộng động quốc tế bất ngờ. Bởi Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là như thế nào, ai cũng biết. Trong khi người dân Philippines mở cờ trong bụng, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông, bị Trung Quốc o ép, bắt nạt lâu nay, như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, không ra mặt, nhưng chắc chắn là âm ỉ phấn khởi, vì suy cho cùng, thắng lợi này nào của riêng Philippines, mà chính họ cũng được lợi, thì người vừa ngồi vào ghế tổng thống mươi lăm ngày, là ông Rodrigo Duterte, lại lờ tịt, gần như chẳng buồn nhắc tới, chứ đừng nói tới việc tận dụng thắng lợi này để đấu tranh mạnh hơn nữa với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Không khó hiểu, bởi ông Duterte ngồi vào ghế tổng thống, là đã định hình chủ trương đối ngoại có thể gói trong 4 từ “xa Mỹ, gần Trung”, khác với người tiền nhiệm. Làm thế, ông Duterte hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ đền đáp lại bằng những khoản viện trợ đáng kể về kinh tế và không thực hiện các hành vi thô bạo…

Kiên trì chủ trương đó, Manila nhẫn nhục, cắn răng chịu đựng nhiều vụ gây hấn của Trung Quốc, trong đó có cả vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Philippines trong khu vực bãi Cỏ Rong. Mãi tới thời gian cuối của nhiệm kỳ, ông Duterte như mới choàng tỉnh, vội vã khắc phục những sai lầm, trong đó, việc khôi phục hoàn toàn thoả thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ – thoả thuận quy định về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines ngày 30/7 vừa qua có thể coi như thí dụ điển hình của bước ngoặt ngoại giao trở lại với Mỹ – người bạn đồng minh truyền thống một cách tin cậy. Thế cũng có nghĩa là “xa dần” cái ông bạn lớn phương Bắc đã cố công đeo đuổi và chăm bẵm bấy nay.

Trở lại chuyện Phán quyết của PCA. Cứ bằng vào vào hành xử của hai bên “nguyên” và “bị” (tạm gọi thế), vẻ như Phán quyết chỉ là đồ bỏ ngăn kéo, không hơn mấy các luận án tiến sĩ “ấp lò”?

Nhưng không. Nhìn rộng hơn, thì phải phủ nhận đánh giá đó. Là bởi, Philippines kiện. Các nước khác, kể cả các nước liên quan trực tiếp, im lặng/hay giả vờ im lặng là để toan tính nước cờ riêng. Ngay cả khi Phán quyết được tuyên ngày 12/7/2016, sự hào hứng của các quốc gia này cũng chừng mực, chung chung, chẳng mấy rõ ràng.

Dù vậy, ẩn sau sự ý tứ đầy tính toán đó, ai cũng thấy, dù không có giá trị thực thi cưỡng bức như bản án của tòa tuyên trong phạm vi quốc gia, mà chỉ trên cơ sở giải thích Unclos, bác bỏ cái gọi là bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý ngang ngược, đơn phương, vô lý của Trung Quốc…thì Phán quyết vẫn là một văn bản có giá trị chung, “nặng đồng cân”, nói cách khác, là tài sản chung của cộng đồng quốc tế mỗi khi đụng đến các vấn đề liên quan Biển Đông.

Bằng chứng là, từ khi ban hành, trên các diễn đàn ngoại giao đa phương hoặc song phương, Phán quyết được Anh, Australia, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Philippines (tất nvhiên), Mỹ viện dẫn trực tiếp; và Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam viện dẫn gián tiếp.

Biển Đông rồi còn lâu mới lặng sóng. Thậm chí, ngoài các bên tranh chấp trực tiếp, khu vực này đang ngày càng chứng kiến sự can dự của Mỹ và các cường quốc đồng minh phương Tây. Thế nên, mặc cho Philippines, tới nay cơ bản vẫn giữ trong ngăn kéo, Phán quyết của PCA sẽ vẫn được cộng đồng quốc tế lôi ra, “dí” vào mặt Bắc Kinh như một bằng chứng chứng pháp lý cho thấy: Trung Quốc có thật sự là “cường quốc trỗi dậy hòa bình” như tự nhận hay không?

Và như thế, 3 năm nghị án của PCA không thể coi là phí phạm.

RELATED ARTICLES

Tin mới