Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021

19 thứ 4 ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành dịch vụ và thị trường lao động. Do đó, VNDIRECT điều chỉnh dự báo và đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm 2021.

Theo Báo cáo cập nhật vĩ mô của VNDIRECT dự báo, lạm phát cả năm 2021 có thể chỉ 2,4% do nhu cầu tiêu dùng trong nước và giá các dịch vụ thiết yếu giảm. Mới đây, Chính phủ đã thông báo giảm giá, phí các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, viễn thông cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, là một trong những yếu tố kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 ảnh hưởng lớn đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong ngành dịch vụ và thị trường lao động. Do đó, VNDIRECT điều chỉnh lại dự báo và đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm 2021 dựa trên tình hình dịch bệnh.

Theo đó ở kịch bản cơ sở, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5,5% so với dự báo trước đó là 6,5%. Dự báo của VNDIRECT dựa trên các giả định:

Thứ nhất, Việt Nam cơ bản kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư trong tháng 8/2021 và đẩy lùi hoàn toàn vào cuối Quý 3/2021.

Thứ hai, Việt Nam có thể ngăn chặn hiệu quả lây nhiễm trong các khu công nghiệp và duy trì chuỗi cung ứng sản xuất không bị gián đoạn bởi đại dịch.

Thứ ba, Việt Nam có thể đẩy nhanh triển khai vắc xin cho đến cuối năm 2021. Theo kịch bản cơ sở của VNDIRECT, khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2021.

Thứ tư, Việt Nam có thể thí điểm mở cửa trở lại một số khu du lịch như đảo Phú Quốc cho khách du lịch quốc tế kể từ quý 4 năm 2021.

Thứ năm, các nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc tiếp tục tăng tốc triển khai vắc xin và đẩy mạnh mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong kịch bản cơ sở của VNDIRECT, ông Đinh Quang Hinh, chuyên viên phân tích cho rằng ngành dịch vụ có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng lây nhiễm thứ tư. Một số phân ngành dịch vụ, bao gồm; các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải và kho bãi; nghệ thuật và giải trí; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hành chính, có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý 3/2021 trước khi phục hồi trở lại vào quý 4/2021 sau khi Chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam và cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại. Do đó ông Hinh dự báo ngành dịch vụ tăng 3,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm, thấp hơn mức tăng 4,0% và 3,6% tương ứng trong 6 tháng đầu năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư do một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động trong nhiều ngày để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona. Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hinh cho rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ vẫn mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 nhờ: Các chính sách và giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch trong các khu công nghiệp và duy trì chuỗi cung ứng sản xuất không bị gián đoạn bởi đại dịch; nhu cầu bên ngoài cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi và tăng chi tiêu công, đặc biệt là cho phát triển cơ sở hạ tầng. VNDIRECT kỳ vọng ngành công nghiệp và xây dựng sẽ tăng 8,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với mức tăng 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2021).

Theo ông Hinh, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng sẽ tăng trưởng 4,0% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với mức 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021) nhờ: nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản như cá tra và tôm; và ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh trong bối cảnh quy mô đàn lợn duy trì đà phục hồi.

Mặt khác, với kịch bản tiêu cực, chuyên gia cho rằng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 5,0% so với cùng kỳ dựa trên các giả định sau: Đợt lây nhiễm thứ tư sẽ kéo dài hơn. Nhiều tỉnh, thành khác ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona; Thêm nhiều khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; Tỷ lệ tiêm chủng thấp do thiếu nguồn cung cấp vắc xin. Chỉ có dưới 30% dân số được chủng ngừa với ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 vào cuối năm 2021; Việt Nam sẽ không thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong năm nay; Việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể bị chậm lại do số ca lây nhiễm gia tăng mạnh trở lại do biến thể Delta.

Trong kịch bản tiêu cực, tác động của đại dịch đối với lĩnh vực dịch vụ sẽ kéo dài và trầm trọng hơn, VNDIRECT dự báo ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 2,4% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với 4,0% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 3,2% trong kịch bản cơ sở). Ngành công nghiệp và xây dựng có thể phục hồi với tốc độ chậm hơn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu bên ngoài lẫn trong nước sụt giảm.

Đồng thời, VNDIRECT dự báo ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 8,3% trong kịch bản cơ sở). Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, VNDIRECT dự báo tăng trưởng 3,7% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021 (so với 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 4,0% trong kịch bản cơ sở) do nhu cầu bên ngoài đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới