Tuesday, November 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững điểm mấu chốt trong chuyến thăm Đông Nam Á của Phó...

Những điểm mấu chốt trong chuyến thăm Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới châu Á vào ngày 21/8, với 2 điểm dừng chân là Singapore và Việt Nam.

Theo kế hoạch, bà Kamala Harris sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo 2 nước về vấn đề an ninh, kinh tế và các nỗ lực phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, khiến Washington hứng chịu nhiều chỉ trích. Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông và dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Vì sao Singapore và Việt Nam là các điểm đến đầu tiên?

Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã tái định hình chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Đánh giá Đông Nam Á là nơi có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Biden đã cử nhiều quan chức chủ chốt khác trong chính quyền như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thăm khu vực trong những tháng gần đây.

Singapore và Việt Nam có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Singapore vốn được coi là trung tâm tài chính của Đông Nam Á. Đây là nơi nhiều công ty lớn của Mỹ như Microsoft và Google đặt trụ sở đặc trách châu Á hoặc văn phòng đại diện. Việt Nam cũng đang đóng một vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng chất bán dẫn khi ngày càng có nhiều công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Đánh giá về các điểm dừng chân của Phó Tổng thống Harris, ông Alan Chong, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết: “Trong số 10 nước thành viên của ASEAN, Việt Nam và Singapore là 2 quốc gia ổn định nhất và thân thiện nhất đối với Mỹ”. Thông qua chuyến thăm nay, Mỹ có lẽ muốn xây dựng sự liên kết chặt chẽ hơn với Đông Nam Á.

Nhà Trắng trước đó ra tuyên bố nêu rõ, bà Harris sẽ thảo luận về các chủ đề như “an ninh khu vực, các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung của các bên nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Tại Singapore, bà Harris sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Hiển Long vào ngày 23/8, tiếp đến thăm căn cứ hải quân Changi và có bài phát biểu trình bày chi tiết về tầm nhìn của Mỹ đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào sáng 24/8.

Trong chuyến thăm Việt Nam, bà Harris dự kiến sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng y tế của các nước thành viên ASEAN và dự buổi lễ thành lập văn phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan ảnh hưởng thế nào đến chuyến thăm?

Nhà Trắng ra thông báo về chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Harris từ tháng 7 vừa qua. Nhưng ở thời điểm đó, không ai đoán trước được rằng Afghanistan lại sụp đổ nhanh chóng ngay trước thềm chuyến thăm này. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã khiến nhiều quốc gia khác đặt câu hỏi về khả năng duy trì các cam kết của Washington.

Những điểm nhấn trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ - 2

Binh sĩ Mỹ trở về từ Afghanistan. (Ảnh: New York Times/Getty)

Chuyên gia Chong cho rằng, diễn biến nói trên lại càng làm nổi bật tầm quan trọng của chuyến thăm Đông Nam Á. Chuyến thăm có thể giúp “trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực về cam kết của Mỹ, bất chấp việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan”.

Việc Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự tin cậy trong các cam kết quốc phòng của Mỹ, nhưng bà Harris sẽ có cơ hội chứng minh cho các đối tác châu Á thấy rằng “Mỹ sẽ không rút lui”, ông Alan Chong nhận định.

 Phát biểu với báo chí hôm 19/8, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế đối với Mỹ. “Điều đó không thay đổi bất chấp những diễn biến tại Afghanistan”, quan chức này nhấn mạnh.

“Mỹ là đối tác an ninh và kinh tế mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua. Chúng tôi cũng là đối tác bền vững và ngày càng gia tăng sự liên kết về an ninh với các quốc gia trong khu vực. Họ cũng muốn chúng tôi củng cố những mối quan hệ này”.

Các cuộc thảo luận về kinh tế sẽ tập trung vấn đề gì?

Xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt nhiều khả năng sẽ là một trong những chủ đề chính của chuyến thăm trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt chất bán dẫn, vaccine ngừa COVID-19 và các sản phẩm y tế khác.

Theo tổ chức cung cấp dữ liệu quốc tế CEIC, xuất khẩu chất bán dẫn của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng sản phẩm bán dẫn nhập vào Mỹ trong tháng 4/2021. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng châu Á của Mỹ.

Hiện nay, nhiều công ty của Mỹ đã và đang đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn, tập đoàn Intel đã tìm cách nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm ở Việt Nam vì coi Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Intel, ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch phụ trách sản xuất và vận hành, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) cho biết. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang để mắt đến thị trường không lồ ở Mỹ. Tập đoàn Vingroup có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ dòng xe điện do công ty con VinFast sản xuất, để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về mặt hàng ô tô thân thiện với môi trường.

Singapore cũng là một trong những trung tâm sản xuất chip của châu Á. Mới đây, Công ty sản xuất bán dẫn GlobalFoundries của Mỹ thông báo sẽ đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Singapore để mở rộng kế hoạch sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) nhằm cố gắng giải quyết tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu.  Là cửa ngõ vào khu vực còn lại của châu Á, Singapore có thể coi như một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của châu Á.

Việc mở rộng xuất khẩu ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các nền kinh tế Đông Nam Á – vốn đang đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngay cả khi khu vực này vẫn là tâm dịch của thế giới. Singapore và Việt Nam có thể đánh giá cao những biện pháp giúp giải quyết được vấn đề này, chẳng hạn như cam kết về vaccine ngừa COVID-19 hay thỏa thuận đi lại.

Liệu Mỹ có ý định gia nhập CPTPP?

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên vào năm 2017.

11 thành viên còn lại, trong đó có Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia, sau đó đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP).

Những điểm nhấn trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ - 3

(Ảnh minh họa)

Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm chẳng hạn như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng lại không thay đổi nhiều chính sách về thương mại.

Giáo sư Jayant Menon tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak cho rằng, nhiều khả năng chuyến thăm của bà Harris sẽ không dẫn đến việc Mỹ trở lại gia nhập CPTPP dù rằng hiệp định này là phiên bản rút gọn của TPP, bao hàm nhiều lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ – điều mà các doanh nghiệp Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy.    

“Việc quay trở lại gia nhập CPTPP sẽ có giá trị chiến lược quan trọng giúp Mỹ củng cố quan hệ với khu vực. Tuy vậy Washington còn rất nhiều cách thức khác để làm điều đó, chẳng hạn như tăng cường hợp tác về môi trường hoặc an ninh. Con tàu CPTPP đã ra khơi nhưng vẫn còn rất nhiều con tàu khác đang chờ đợi”, ông Menon nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, ông không kỳ vọng sẽ có bất cứ bước đột phá nào liên quan đến CPTPP trong chuyến thăm của bà Harris.

“Liệu sẽ có bất cứ triển vọng nào về việc Mỹ sẽ tái tham gia CPTPP hay không? Tôi e rằng câu trả lời là không”, ông Vivian Balakrishnan nói.

Theo quan chức này, những vẫn đề chính trị trong lòng nước Mỹ hiện nay sẽ hạn chế khả năng của Nhà Trắng tiến hành các cuộc thảo luận về những hiệp định thương mại đa phương.

Tuy vậy, Singapore hy vọng sẽ có một số tiến bộ về thương mại kỹ thuật số chẳng hạn như dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và thanh toán điện tử mà nước này đã hợp tác với Australia, New Zealand và một số quốc gia khác. “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể là một phần của kiến trúc kinh tế kỹ thuật số”, ông Vivian Balakrishnan nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới