Hãng xe Việt hợp tác với StoreDot (Israel), công ty sở hữu công nghệ sản xuất pin lithium-ion có khả năng sạc 80% trong 5 phút.
Bên cạnh thỏa thuận ghi nhớ với Gotion High-Tech (Trung Quốc) trong kế hoạch cung ứng pin Lithium-ion (LFP) cho ôtô điện, xây dựng nhà máy sản xuất cell pin đầu tiên tại Việt Nam, VinFast cho biết đang đàm phán với hai đối tác khác về pin thể rắn (SSB) và pin lithium-ion mới với khả năng sạc đầy 80% trong 4-5 phút.
Công nghệ pin sạc siêu nhanh trong khoảng 5 phút từ StoreDot, công ty có trụ sở tại Israel. Công nghệ của hãng này sử dụng một điện cực làm bằng các hạt nano bán dẫn thay cho graphite (than chì) như sử dụng trên pin lithium-ion thông thường. Mục đích để các ion có thể di chuyển nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Vài trò của các ion lithium trong lòng pin là di chuyển để lưu trữ điện tích. Nhưng khi quá trình sạc nhanh diễn ra với loại điện cực bằng than chì, các ion này bị nghẽn và có thể biến thành kim loại gây ra hiện tượng đoản mạch.
Các hạt nano do StoreDot nghiên cứu dựa trên thành phần chính là germanium, tan trong nước và dễ xử lý hơn trong quá trình sản xuất. Nhưng hãng dự kiến sẽ sử dụng silicon, rẻ hơn nhiều và hy vọng những mẫu đầu tiên sẽ được ra mắt cuối 2021 với giá thành tương đương với các loại pin Li-ion hiện hành.
Bên cạnh công nghệ pin mới, để đạt tốc độ sạc 5 phút, StoreDot cho biết cần những trạm sạc với công suất lớn hơn thông thường. Nếu sử dụng cơ sở hạ tầng trạm sạc sẵn có như hiện nay, StoreDot đặt mục tiêu mỗi lần sạc pin trong 5 phút sẽ cấp đủ điện cho quãng đường 161 km.
Tốc độ sạc là một trong những trở ngại khiến ôtô điện chưa thể cạnh tranh với ôtô xăng, dầu truyền thống ở khía cạnh tiếp “nhiên liệu”. Tesla hồi 2019 ra mắt mô hình trạm sạc Supercharge thế hệ thứ 3 (V3) tại Mỹ. Với tụ điện công suất 1.000.000 W, cung cấp nguồn sạc 250 kW, xe của hãng có thể sạc trong 5 phút, cho quãng đường di chuyển 120 km.
Công nghệ của StoreDot, Tesla hay nhiều hãng khác đều hướng đến việc giảm thời gian sạc đầy nhưng vẫn đảm bảo tuổi thọ pin. StoreDot nói rằng pin của hãng có thể sạc lại 1.000 vòng sạc trong khi vẫn duy trì được 80% dung lượng ban đầu.
Về pin thể rắn (SSB), VinFast đang làm việc với đối tác Prologium (PLG) của Đài Loan. Pin thể rắn nếu được thương mại hóa, sẽ mở ra một cuộc cách mạng cho tương lai ngành xe điện thế giới khi không những giúp tăng năng lượng lưu trữ, tức tăng quãng đường di chuyển của xe, mà còn giảm thời gian sạc đầy so với các loại pin hiện nay. Trở ngại đối với pin SSB là giá thành khi chi phí sản xuất còn đắt đỏ.
Trong số các hãng đầu tư nghiên cứu pin thể rắn, Toyota tỏ ra sốt sắng nhất với công nghệ này. Hãng có kế hoạch trở thành công ty đầu tiên bán xe điện trang bị sẵn pin thể rắn trong thời gian tới. Đối thủ đồng hương Nissan cũng hướng đến công nghệ pin SSB, mục tiêu ứng dụng thương mại từ 2028.
VinFast chưa đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch hợp tác với StoreDot và Prologium. Tuy nhiên, mục tiêu hãng hướng đến là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ pin hiện đại để phục vụ chiến lược biến VinFast trở thành hãng xe điện toàn cầu trong thời gian tới.
Tuy vậy, hãng xe Việt sẽ phải giải quyết nhiều thách thức khác bên cạnh công nghệ nếu muốn phổ cập xe điện. Một trong những vấn đề lớn nhất là giá. Dù StoreDot hay pin thể rắn có giảm được chi phí thì đây vẫn là những công nghệ bước đầu tốn kém hơn sạc truyền thống. Chính sách cho thuê pin là một cách để nhà sản xuất gánh bớt chi phí cho người sử dụng nhờ đó có thể hạ giá xe khi bán thương mại.