Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyến thăm Việt Nam của bà Phó Tổng thống Mỹ Harris đạt...

Chuyến thăm Việt Nam của bà Phó Tổng thống Mỹ Harris đạt được kết quả gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ ra 3 kết quả nổi bật từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, và nêu nhận định về nội hàm quan hệ Việt – Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào chiều ngày 26/8 đã kết thúc chuyến thăm tốt đẹp kéo dài 3 ngày tại Việt Nam, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của bà. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), nhận định rằng trên mọi phương diện, chuyến thăm này đều mang ý nghĩa tích cực. Ông đặc biệt nêu ra 3 kết quả nổi bật của chuyến thăm.

Theo ông, kết quả quan trọng nhất và dễ nhận thấy nhất là chuyến thăm của bà Harris góp phần vào việc tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, đưa mối quan hệ ngày càng phát triển chặt chẽ, bền vững hơn.

Ông Lê Văn Cương lưu ý tới tuyên bố từ Washington ngày 25/8, trong đó nêu rõ, Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, chắc chắn quan hệ song phương được củng cố bền vững hơn, hợp tác của 2 nước được nâng lên nhiều sau chuyến thăm này.

Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 và 8 năm qua mối quan hệ này phát triển toàn diện, liên tục, từ ban đầu chủ yếu kinh tế sang hầu hết lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, quốc phòng, an ninh…

Ông Lê Văn Cương đánh giá, từ góc độ Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Mỹ mang lại nhiều lợi ích. Mỹ là một thị trường rất rộng lớn để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Thứ hai, Mỹ là động lực kinh tế toàn cầu với trình độ kỹ thuật rất cao, do đó khi Mỹ đầu tư vào Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích lớn về mặt kinh tế. Về khoa học công nghệ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Mỹ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng, Việt Nam cũng mở rộng quan hệ với Mỹ để nâng cao vị thế của Việt Nam, để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Ông Cương nhấn mạnh, sự hợp tác này là công khai, minh bạch, sòng phẳng và không nhằm chống lại nước thứ ba.

Từ góc độ của Mỹ, theo ông Lê Văn Cương, ngoài vấn đề kinh tế, Mỹ đánh giá Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong khối ASEAN, trong khi vai trò của ASEAN là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khi Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vị thế của ASEAN rất quan trọng, trong đó không thể không nhắc tới vai trò của Việt Nam.

Kết quả thứ 2, theo ông Lê Văn Cương, ngoài những vấn đề như kinh tế, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác ngoại giao song phương/đa phương, còn một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay cả 2 nước đều đối mặt với cuộc chiến Covid-19. Ông cho rằng chuyến đi này góp phần vào việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch chết chóc này.

“Kết quả ban đầu rõ rồi, là một triệu liều vắc xin hỗ trợ cho Việt Nam. Sắp tới đây có khả năng là các hợp tác về nghiên cứu sản xuất vắc xin, trao đổi các nhà khoa học giữa hai nước. Tôi cho rằng đây là những kết quả rất tích cực”, ông nói.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, kết quả thứ 3, thông qua mối quan hệ Việt – Mỹ được thúc đẩy, mở rộng sau chuyến đi lần này để gián tiếp lan tỏa tới quan hệ của Mỹ với các nước còn lại trong khối ASEAN. Khi quan hệ của Mỹ với một nước trong hiệp hội được củng cố thì chắc chắn tác động tới các nước còn lại, điều này cũng mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam.

Cũng theo ông Cương, mặc dù chuyến thăm của bà Harris là chuyến đi song phương nhưng có yếu tố của địa chính trị chiến lược và mang hàm ý đa phương, vì Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong ASEAN. Vì lý do đó, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam được thế giới rất quan tâm.

“Chúng ta không mong muốn gì hơn là một khối ASEAN đoàn kết, một khối chặt chẽ trước những thách thức từ bên ngoài. Chuyến đi của bà Harris sang Việt Nam cũng góp phần tạo điều kiện để các nước ASEAN có thêm nhận thức đúng đắn, thống nhất hơn về những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt. Điều đó cũng góp phần củng cố đoàn kết nội khối ASEAN để ứng phó trong tình hình mới”, chuyên gia nói.

Quan hệ song phương không phụ thuộc vào tên gọi

Chuyên gia phân tích 3 kết quả chính từ chuyến thăm Việt Nam của bà Harris - 2

 Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh: Thế giới & Việt Nam).

Xung quanh những ý kiến khác nhau cho rằng vì sao Việt – Mỹ chưa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, ông Lê Văn Cương nói, từ góc độ của một nhà nghiên cứu, ông cho rằng không gian của quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ hiện vẫn còn nhiều chỗ trống, chưa khai thác hết, nên hai nước cần cùng nhau khai thác tối đa không gian này.

Ông Cương nhận định, việc thiết lập quan hệ song phương với một siêu cường ở mức độ đối tác chiến lược là điều mà cả Mỹ và Việt Nam đều phải cân nhắc kỹ. Ông cho rằng có lẽ vào thời điểm hiện nay điều đó là chưa thích hợp, bởi dư địa cho không gian đối tác toàn diện hiện nay còn rất nhiều.

“Chuyến đi này của bà Harris góp phần vào khai thác các dư địa còn trống đó, nên hai bên cần tích cực hơn nữa, thúc đẩy hơn nữa, củng cố lòng tin với nhau, để khai thác tối đa dư địa còn lại của cái gọi là đối tác toàn diện”, ông Cương nêu ý kiến.

Theo ông Cương, sau khi các không gian trống của đối tác toàn diện được khai thác hết thì sau đó chuyển sang đối tác chiến lược. “Với tư cách là người nghiên cứu, tôi cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm chín muồi. Thực chất, lúc này không có nhu cầu khách quan cần thiết để làm chuyện đó”, ông nói.

Ông Cương cho rằng, mỗi mối quan hệ đạt ở mức độ nào thì đều có điều kiện chủ quan, khách quan chín muồi. Đối tác toàn diện hay chiến lược cũng còn tùy thuộc vào điều kiện khách quan bên ngoài của Mỹ và Việt Nam, những yếu tố của Mỹ, của Việt Nam.

Thiếu tướng Cương nói thêm, nếu nhìn vào danh sách các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam thì quan hệ thực chất giữa các nước không phụ thuộc vào tên gọi. “Tôi cho rằng cả Mỹ và Việt Nam đều không đặt nặng vấn đề này. Cũng không có gì phải phân vân về chuyện này cả, đây là chuyện bình thường”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới