Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếChuyên gia Mỹ chỉ cách đối phó hoạt động của TQ trên...

Chuyên gia Mỹ chỉ cách đối phó hoạt động của TQ trên thực địa ở khu vực Biển Đông

Mới đây, trang mạng của Viện Hải quân Mỹ đã đăng bài của chuyên gia Hải quân Mỹ chỉ cách đối phó với các hành động vi phạm của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông thông qua việc sử dụng công cụ hình ảnh trong bối cảnh thời đại thông tin hiện nay.

Theo tác giả, một trong những chiến thuật phổ biến mà Trung Quốc đang sử dụng hiện nay đó là chiến thuật “vùng xám”, vốn gây rất nhiều khó khăn cho các quốc gia trong và ngoài khu vực trong việc đối phó một cách hiệu quả do tính chất phức tạp, cơ động và linh hoạt của chiến thuật này. Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc được triển khai trên nhiều lĩnh vực từ tuyên truyền, pháp lý, đến thực địa với sự tham gia của nhiều lực lượng nhằm mục tiêu tạo các lợi thế chiến lược toàn diện phục vụ ý đồ kiểm soát toàn diện Biển Đông.

Một vài ví dụ mang tính điển hình của việc áp dụng chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông đó là: (i) Trung Quốc sử dụng kết hợp cả lực lượng quân sự/thực thi pháp luật trên biển lẫn bán quân sự cho các chiến dịch chiếm đóng mới hoặc gây hấn trên biển điển hình như vụ việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012 và vụ việc Bãi Ba Đầu, thuộc Sinh Tồn của Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, mức độ sử dụng các lực lượng này luôn ở “dưới ngưỡng xung đột”, biến chuyển từ “vi phạm” thành “tạo cớ” để chiếm đóng “hợp pháp” nhằm bảo vệ “các quyền lợi, yêu sách”của Trung Quốc. Trong trường hợp này, Mỹ có thể làm được gì? Mặc dù Hải quân Mỹ có sức mạnh vượt trội, song nếu Mỹ sử dụng vũ lực, Trung Quốc có thể hướng câu chuyện từ việc “Trung Quốc ngang nhiên gây hấn” thành câu chuyện Mỹ “đang dùng vũ lực để xâm lược” qua đó nhằm làm giảm tính hợp pháp của sự hiện diện của Mỹ trên Biển Đông trong khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng hành động gây hấn; (ii) Lý lẽ Trung Quốc đưa ra đầy mâu thuẫn, khai thác và sử dụng luật pháp quốc tế một cách có chọn lọc, nhưng cũng khó có thể có các triển vọng để xử lý vấn đề này.

Giải pháp đối phó

Để đối phó với chiến thuật “vùng xám” với các đặc trưng kể trên, tác giả lấy ý tưởng trong cuốn sách “Chiến tranh, Hình ảnh và Tính hợp pháp: Đánh giá xung đột đương đại” về khả năng sử dụng công cụ hình ảnh, kể cả hình ảnh video nhằm khởi tạo hoặc phá hủy tính hợp pháp của các nỗ lực mang tính chiến lược. Theo tác giả, gần đây Nhật Bản và Philippines đã có những thành công bước đầu trong việc sử dụng công cụ hình ảnh để ngăn cản bớt sự hung hăng của Trung Quốc trên các vùng biển có liên quan thông qua việc cảnh báo sẽ dùng công cụ này để đe dọa danh tiếng của Trung Quốc do những việc làm sai trái của mình. Theo đó, tác giả gợi ý, thay vì cử một nhóm tàu tấn công đến Trường Sa, Mỹ có thể triển khai một tàu yểm trợ, không gây chú ý cùng với một nhóm chuyên gia pháp lý và chuyên gia truyền thông đại chúng, hoặc tốt hơn là một tàu tuần duyên hoặc thuê tàu dân sự với một phóng viên đài VOA và một đường truyền mạnh trực tiếp qua vệ tinh. Con tàu và thủy thủ đoàn trên sẽ có nguy cơ bị lực lượng dân quân biển của Trung Quốc tấn công hoặc bắt giữ, song Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn về uy tín của mình cả trong khu vực và trên trường quốc tế khi nội dung bạo lực chống lại một tàu nước ngoài không vũ trang được cả thế giới theo dõi và xem trực tiếp. Trong một thế giới mà các tranh chấp địa chính trị ngày càng được quyết định trước tòa án công luận thay vì trên chiến trường thì những sự kiện đối đầu sẽ mang tính quyết định.

Phương pháp ứng phó dựa trên cách tiếp cận truyền thông hứa hẹn các lợi ích tiềm tàng, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông lan rộng và xa, không chỉ bó gọn là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mà trở thành chủ đề thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, việc phản đối các hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc sẽ gia tăng trong cộng đồng quốc tế.

Không chỉ đóng vai trò trên mặt trận chính trị, các hình ảnh về chiến thuật gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể trở thành các công cụ đắt giá buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi. Mặc dù ý kiến công luận không có giá trị nhiều trong môi trường chính trị chuyên quyền của Trung Quốc, nhưng trong thị trường toàn cầu mà nước này tham gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ, ý kiến công luận sẽ có sức mạnh đáng kể. Cách thức này cũng có thể ngăn chăn chủ nghĩa dân tộc chủ chiến của Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Chiến dịch thông tin còn giúp làm sáng tỏ các vấn đề tranh chấp thực sự ở khu vực Biển Đông, vốn bị Trung Quốc làm rối tung trong những năm qua thông qua hoạt động tuyên truyền của mình. Vấn đề quy chế pháp lý của Trường Sa, tên gọi các cấu trúc ở đây cũng bị nhận diện sai. Ngay cả nhiều học giả không phải lúc nào cũng chắc chắn về việc thực thể nào bị nước nào chiếm đóng. Làm thế nào để giải quyết các tranh chấp khi còn mơ hồ về các dữ liệu cơ bản? Một chiến dịch thông tin sâu rộng sẽ góp phần làm sáng tỏ các quan niệm sai lầm kể trên, cho phép các nhà lãnh đạo dân sự đưa ra các quyết định chính xác và có thể giúp kịp thời dập tắt các động thái tiếp theo ở bãi cạn Scarborough hoặc Ba Đầu trước khi kịp manh nha.

Các tiếp cận dựa trên chiến lược truyền thông hình ảnh không phải là giải pháp mang tính “thần dược” ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, song có giá trị thực tiễn vô cùng to lớn. Cùng với các công cụ khác, đặc biệt là công cụ pháp lý, cách tiếp cận truyền thông hình ảnh sẽ giúp hạn chế sự thành công của chiến thuật “vùng xám” thông qua việc vô hiệu hóa và mang ra ánh sáng sự thật, điều mà chế độ Trung Quốc không thể xử lý khi triển khai “Tam chủng chiến pháp” vốn dựa trên hành vi che giấu sự thật và thay thế sự thật bằng một thứ khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới