Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNew Zealand lên tiếng phản đối TQ

New Zealand lên tiếng phản đối TQ

Vì lợi ích riêng, việc thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông thường được các quốc gia được cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, tham vọng và sự ngang ngược của Trung Quốc đã và đang đẩy các quốc gia xích lại gần nhau phản đối Trung Quốc.  

Một “liên minh quốc tế” chống lại Trung Quốc là điều Bắc Kinh không bao giờ muốn. “Ba đánh một không chột cũng què” là câu tục ngữ Việt Nam, nhưng giá trị nội dung của nó như một chân lý mang tính phổ quát toàn cầu. Dù là một quốc gia khổng lồ về kinh tế, một cường quốc về quân sự, chẳng nước nào muốn một mình đối đầu với tất cả. Thế nên, trong câu chuyện Biển Đông, Bắc Kinh luôn trương khẩu hiệu “đây là chuyện nội bộ của các bên liên quan; các quốc gia khác chẳng có lý do gì để mà can dự”. Quan điểm đó, qua giọng lưỡi của giới lãnh đạo và ngoại giao Bắc Kinh, vang lên tại tất cả các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thậm chí, bất chấp Biển Đông nóng bỏng, sôi sùng sục trong hơn 10 năm gần đây, Trung Nam Hải vẫn trơ tráo khẳng định trước cộng đồng quốc tế rằng: “mọi chuyện vẫn ổn”, “một số khúc mắc đang được thương thảo, giải quyết nay mai”; đàm phán COC diễn ra hanh thông, sắp ký được đến nơi rồi…

 Nấp sau cái gọi “chuyện nội bộ” nêu trên, là âm mưu được tính toán một cách kỹ lưỡng: Bắc Kinh muốn giải quyết những tranh chấp chủ quyền, lợi ích trên Biển Đông theo cơ chế “đàm phán song phương”, nhưng kỳ thực, dùng sức mạnh cơ bắp, gây sức ép, buộc đối phương phải nhân nhượng, chấp nhận yêu sách “đường 9 đoạn”.

Có điều, sự ma mãnh của Bắc Kinh, nhiều lắm, chỉ có thể khiến ai đó tin được buổi đầu. Liên tục những hành động ngang ngược, có hệ thống của họ làm biến dạng, biến các đảo, đá đang chiếm đóng bất hợp pháp thành các cứ điểm quân sự; những cuộc tập trận; những hoạt động quấy nhiễu, khiêu khích các nước láng giềng, lệnh cấm đánh bắt hằng năm, Luật hải cảnh với những khái niệm tù mù…khiến các quốc gia thảy đều phải cảnh giác.

Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, dù nói ra hay không nói ra, đều muốn vấn đề Biển Đông trở thành câu chuyện chung của quốc tế. Thêm nữa, sự quá quắt, ngang ngược, cùng tham vọng thành siêu cường số 1 của Trung Quốc khiến Mỹ giật mình thay đổi quan điểm đối ngoại, đồng thời, hối hả triển khai trong thực tế các động thái “xoay trục” về Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó, Biển Đông trở thành nơi để cộng đồng quốc tế kiểm tra ý chí và quyết tâm của Washington là như thế nào với Trung Quốc.

Những gì diễn ra trong thời gian qua, nhất là tuyên bố chính thức ngày 13/7/2020 của Mỹ, một tuyên bố được coi là “chưa từng có”, rằng: “Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng giống như chiến dịch hăm dọa của họ nhằm kiểm soát tài nguyên”, đã khiến đồng minh, và cả các quốc gia chưa là đồng minh, của Mỹ như được tiếp thêm động lực, có động thái ngoại giao mà họ coi là cần thiết, là gửi công hàm lên Ủy ban LHQ về giới hạn của thềm lục địa, như Australia, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Anh, Mỹ, Việt Nam, để đưa ra lập trường pháp lý về việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, trong đó, phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc được coi như một điểm nhấn.

Đúng như dự báo, cho dù Trung Nam Hải luôn cảnh báo “đừng có hùa theo Mỹ”; cho dù Trung Quốc luôn là một đối tác kinh tế, thương mại khổng lồ, không thể bỏ qua, danh sách các quốc gia phản đối “đường 9 đoạn” trên Biển Đông sẽ kéo dài thêm, tương xứng với những bước leo thang không có điểm dừng của Trung Quốc.

Bằng chứng là đầu tháng 8/2021, truyền thông quốc tế đưa tin chính phủ New Zealand đã gửi công hàm lên Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về giới hạn của thềm lục địa thể hiện lập trường đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Công hàm không chỉ khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 như là ”khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho tất cả các hoạt động trên đại dương và biển”; ủng hộ tự do hàng hải…, mà còn bác bỏ thẳng thừng cái gọi là “quyền lịch sử” Trung Quốc rêu rao lâu nay; khẳng định Phán quyết của PCA “có tính chung thẩm và ràng buộc đối với cả hai bên”; khẳng định: “Sự không tham gia của một bên (ý nói Trung Quốc) không tạo ra một rào cản về thủ tục tố tụng”…

Động thái của New Zealand được dư luận đặc biệt chú ý. Chú ý bởi nó rất khác thái độ của chính quốc gia này trước đó: Không bày tỏ lập trường cụ thể với các tuyên bố chủ quyền khác nhau; chỉ kêu gọi chung chung với những ngôn từ không chết ai, gán vào miệng ai cũng được, rằng:  ”tất cả các bên” tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh quân sự hóa và giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình.

Tiếp sau New Zealand, còn là quốc gia nào? Hãy chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới