Úc và Ấn Độ vừa điều động chiến hạm đến Biển Đông để tập trận cùng nhau giữa bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái gây quan ngại.
Hãng tin PTI rạng sáng nay (8.9) dẫn lời quan chức của Hải quân Ấn Độ cho hay tàu hộ vệ chống tàu ngầm INS Kiltan của nước này vừa tiến hành cuộc tập trận với tàu hộ tống HMAS Anzac (FFH 150) của Úc tại Biển Đông.
“Tàu hộ tống ASW INS Kiltan của Hải quân Ấn Độ tập trận với tàu khu trục nhỏ Anzac của Hải quân Úc ở Biển Đông vào ngày 5.9”, theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ đã thực hiện các cuộc tập trận tương tự ở Biển Đông với hải quân các nước Đông Nam Á vào tháng trước.
Vào tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ và Úc đã nâng quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc cho phép quân đội 2 nước tiếp cận các căn cứ quân sự lẫn nhau để hỗ trợ hậu cần. Thỏa thuận được ký kết trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison.
Đây là Hiệp định Tương hỗ hậu cần (MLSA) cho phép quân đội hai nước sử dụng căn cứ của nhau để sửa chữa và bổ sung nguồn cung cấp, bên cạnh đó tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc phòng tổng thể.
Những ngày qua, Trung Quốc đã có thêm động thái gây quan ngại. Cụ thể, từ ngày 1.9, Trung Quốc bắt đầu áp dụng quy định an toàn hàng hải mới. Trong đó, Bắc Kinh yêu cầu những người điều khiển một số loại tàu thuyền phải khai báo thông tin chi tiết về hải trình khi đi vào vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Theo giới chuyên gia về luật quốc tế, quy định này của Trung Quốc vi phạm các điều khoản trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và Công ước về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS). Giới quan sát cũng cho rằng động thái này của Trung Quốc còn nhằm tìm cách áp đặt quyền kiểm soát ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ngay cả khi bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, điển hình là Biển Đông.