Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựMỹ thành lập "hạm đội ma"

Mỹ thành lập “hạm đội ma”

Sau một thời gian thử nghiệm, ngày 9/9, Hải quân Mỹ đã thành lập đơn vị chiến đấu đầu tiên theo mô hình dự án “Hạm đội ma” nhằm giảm thiểu tổn thất về người trong chiến tranh.

Hai tàu không người lái Ranger và Nomad

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, hôm thứ Năm (9/9) Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, chịu trách nhiệm cho các hoạt động ở Trung Đông, đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm “không người điều khiển” tại Bahrain để ứng phó với tình hình trong khu vực. Lực lượng này được trang bị máy bay không người lái, tàu nổi không người lái và tàu ngầm không người lái để tăng cường giám sát trên không, trên mặt nước và dưới nước. Hành động này được cho là nhằm đối phó với Iran. Hạm đội 5 tuyên bố rằng đây là lực lượng đặc nhiệm hoạt động trên biển đầu tiên của Hải quân Mỹ tích hợp hệ thống không người lái và trí tuệ nhân tạo.

Chỉ huy Hạm đội 5, Trung tướng Hải quân Brad Cooper, cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ triển khai thêm nhiều hệ thống (phương tiện) không người điều khiển ở trên không, mặt nước và bên dưới mặt biển”. Lực lượng Đặc nhiệm 59 mới được thành lập này sử dụng các hệ thống không người lái, một phần đã được tham gia cuộc thử nghiệm hồi tháng 4 của Hạm đội Thái Bình Dương. Khi đó loại UAV MQ-9 Sea Guardian có thời gian hoạt động lâu, các tàu không người lái mặt nước “Sea Hawk” và “Sea Hunter”, cùng loại tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ tương tự ngư lôi đã được triển khai.

Tư liệu cho thấy, nhiệm vụ quản lý của Hạm đội 5 Mỹ hiện nay bao gồm eo biển Hormuz quan trọng chiến lược, lối vào và lối ra của Kênh đào Suez ở Hồng Hải, Eo biển Mande nối Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Quyền quản lý của hạm đội bao trùm vùng nước nông và nước mặn (biển sâu). Vào mùa hè, nhiệt độ lên tới 45 độ C và độ ẩm rất cao. Môi trường tác chiến này đặc biệt khó khăn đối với các tàu có người lái.

Tướng Brad Cooper cho rằng môi trường nói trên rất thích hợp để thử nghiệm các phương tiện không người lái và đẩy nhanh tốc độ phát triển các hệ thống không người lái của quân đội: “Nếu các hệ thống mới này có thể tác chiến ở khu vực này, điều đó có nghĩa là chúng có thể thích nghi với những nơi khác và có thể mở rộng sang những hạm đội khác”. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến khu vực Trung Đông trở thành một phòng thí nghiệm lớn không người lái của quân đội Mỹ.

Ngoài ra, việc các phương tiện không người lái được Mỹ bố trí ở Trung Đông cũng liên quan đến các vụ tấn công trên biển xảy ra trong khu vực trong những năm gần đây. Cho dù đó là việc lực lượng Huthi Yemen triển khai máy bay không người lái mang bom hoặc thả thủy lôi ở đây, gây thiệt hại cho các tàu Yemen, hay tàu chở dầu bị lực lượng Iran bắt giữ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và eo biển Hormoz, đều sẽ ảnh hưởng đến tình hình an toàn ở tuyến hàng hải này.

Thậm chí khi các tàu đi qua khu vực này cũng có thể thỉnh thoảng gặp phải các vụ tấn công đáng ngờ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, các cuộc tấn công tương tự đã trở thành một phần của cuộc chiến tranh bóng đêm lan rộng trong toàn khu vực. Trong giai đoạn căng thẳng nhất, Iran thậm chí đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sẵn sàng tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân, nhưng thái độ cứng rắn của tân Tổng thống Iran đã dẫn đến bế tắc trong các cuộc đàm phán liên quan, làm tăng khả năng Iran phát động thêm các cuộc tấn công. Tương tự như vậy, Israel bị nghi ngờ đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tuyến vận tải biển và chương trình hạt nhân của Iran. Về vấn đề này, Brad Cooper nói rằng ông “đã nắm được các động thái của Iran và sẽ chuẩn bị đáp trả”.

Tuy nhiên, Iran không phản ứng gì về việc Hải quân Mỹ thành lập lực lượng đặc nhiệm không người lái. Iran có phi đội máy bay không người lái của riêng họ và trước đây nước này đã công bố video về máy bay không người lái bay qua các tàu của Mỹ. Quân đội Mỹ cũng cáo buộc vụ tấn công ở vùng biển Oman hồi tháng 7. Các mảnh vỡ thu được từ chiếc tàu bị tấn công được cho là phù hợp với loại máy bay không người lái mà Iran sử dụng.

Dự án “Hạm đội ma” (Ghost Fleet Overlord) được bắt đầu từ năm 2017 nhằm mục đích triển khai nhanh chóng các tàu mặt nước có thể vận hành không người lái để “mở rộng tốt hơn phạm vi phủ sóng của các tàu có người lái”. Dự án nhằm mục đích phát triển một nền tảng tác chiến mặt nước có thể tự đi từ điểm A đến điểm B và tự động né tránh các tàu khác. Vào giữa tháng 7/2021, Phó Giám đốc Văn phòng Năng lực Chiến lước Bộ Quốc phòng Mỹ (SCO) Luis Molina tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông: “Mục đích của chúng tôi … là sử dụng thời gian này để tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện chiến đấu của hạm đội, đồng thời tiếp tục phô diễn hiệu quả của các tàu không người lái trong một môi trường gần với thực tế chiến đấu, nâng cao năng lực tác chiến tổng thể của hạm đội”.

Theo trang web chính thức của Lầu Năm Góc, hiện có hai tàu mặt nước không người lái lớn (LUSV) hiện đang được quân đội Mỹ sử dụng cho dự án “Ghost Fleet Overlord” là “Ranger” và “Nomad”. Chúng được chuyển đổi từ các tàu thương mại tiếp tế, có thể hỗ trợ các đơn vị khác nhau ngoài khơi, chẳng hạn dàn khoan và cụm điện gió xa bờ. Vì lý do này, cả hai đều có một nền tảng mở rộng lớn ở đuôi tàu, có thể dễ dàng cấu hình lại tải trọng để thích ứng với các nhiệm vụ khác nhau.

Kể từ tháng 10/2020, hai con tàu không người lái này đã liên tiếp hoàn thành các chuyến di chuyển từ Vịnh Mexico đến bờ Tây nước Mỹ, và chỉ hoạt động ở chế độ thủ công khi quá cảnh qua kênh đào Panama. Lần thử nghiệm gần đây nhất do “Nomad” thực hiện vào tháng 6/2021. Con tàu đã di chuyển hơn 4.000 dặm (khoảng 6.437 km) liên tục và 98% hành trình của nó là hoàn toàn tự động.

Bước tiếp theo, Lầu Năm Góc sẽ mua hai tàu tự động có thông số kỹ thuật tương tự cho chương trình “Ghost Fleet Overlord”, tuy nhiên chưa rõ tính năng của lô tàu thứ hai và nhà sản xuất. Quân đội Mỹ giải thích rằng do một số nhà thầu vi phạm các quy định về an ninh và bảo mật gần đây, quân đội đã phải cấm công bố tên của doanh nghiệp chịu trách nhiệm phát triển các tàu mặt nước không người lái mới. Luis Molina nói về vấn đề này: “Chúng tôi đang phát triển công nghệ tiên tiến cho các cuộc chiến trong tương lai. Chúng tôi cố gắng bảo vệ thông tin nhạy cảm này khỏi bị đối thủ đánh cắp. Do đó, chúng tôi sẽ không cung cấp tên của các đối tác liên quan”.

Để điều phối và chỉ huy tốt hơn số lượng nền tảng chiến đấu không người lái đang phát triển nhanh chóng, Hải quân Mỹ đang hợp tác với công ty công nghiệp quân sự nổi tiếng Raytheon để phát triển một “hệ thống điều khiển tập trung” (CCS). Trong tương lai, các máy bay tiếp không người lái MQ-25A “Stingray”, tàu ngầm không người lái và tàu mặt nước không người lái đang thử nghiệm, sẽ tuân theo sự điều độ thống nhất của CCS. Hải quân Mỹ cũng có ý định đưa một số nền tảng không người lái tương đối cũ vào hệ thống này, chẳng hạn như UAV MQ-8 “Fire Scout”.

Do sự gia tăng nhanh chóng chi phí để duy trì một hạm đội hoàn toàn gồm các tàu lớn có người lái, Hải quân Mỹ đang tích cực tìm hiểu việc xây dựng một “cơ cấu lực lượng kiểu phân tán” với các tàu giá rẻ và phương tiện không người lái làm xương sống. Để đạt được mục tiêu này, Hải quân Mỹ đã thành lập “Đơn vị phát triển mặt nước đầu tiên” vào tháng 5/2019 để khám phá các chiến thuật và quy trình liên quan đến tàu không người lái. Đơn vị đóng tại San Diego hiện có hai tàu không người lái cỡ nhỏ là “Sea Hunter” và “Sea Hawk”, tương tự như chương trình “Ghost Fleet Overlord” vốn do Lầu Năm Góc trực tiếp quản lý, và sau đó được bàn giao cho Hải quân Mỹ.

Trang web War Zone của Mỹ chỉ ra rằng “Sea Hunter” và “Sea Hawk” đã tham gia cuộc tập trận UxS IBP 21 vào mùa xuân năm nay để thực hiện các hoạt động phối hợp với máy bay không người lái và tàu có người lái. Trên cơ sở này, quân đội Mỹ rất chú trọng việc sử dụng tàu không người lái để thực hiện tác chiến điện tử và thu thập thông tin tình báo. Ngoài những công nghệ đã được thử nghiệm, tàu không người lái trong tương lai cũng sẽ có những khả năng khác, bao gồm việc sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau để trực tiếp tiêu diệt kẻ thù.

Mặc dù vậy, triển vọng về hạm đội không người lái của Hải quân Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Theo phân tích của truyền thông Mỹ, nếu các ưu tiên trong các dự án nghiên cứu khoa học của Hải quân Mỹ thay đổi, tàu mặt nước không người lái cũng có thể trở thành “sản phẩm thử nghiệm đắt tiền nhưng cuối cùng không hiệu quả”. Hiện tại, trở ngại lớn nhất mà hạm đội không người lái phải đối mặt đến từ cơ quan lập pháp Mỹ, nơi kiểm soát quyền lực tài chính.

Trang web Defense News của Mỹ đưa tin, Hải quân Mỹ ban đầu đã xin 464 triệu USD để hỗ trợ kế hoạch LUSV trong năm tài chính 2021, nhưng Quốc hội chỉ phê duyệt chưa đến 94 triệu USD. Trong năm tài chính 2022, Hải quân Mỹ đã đệ trình một yêu cầu ngân sách liên quan khác trị giá 144,8 triệu USD, nhưng Ủy ban Tài chính của Hạ viện Mỹ đã yêu cầu cắt giảm 42 triệu USD để sử dụng cho “các vấn đề cấp bách hơn”.

Với cách tuyên truyền về kết quả của dự án “Ghost Fleet Overlord”, quân đội Mỹ đang cố gắng vẽ nên một viễn cảnh chưa từng có về các trận hải chiến trong tương lai, với hy vọng rằng máy bay không người lái, tàu không người lái, máy bay có người lái và tàu chiến có người lái có thể hiệp đồng tác chiến nhất thể hóa ở trên không, dưới nước.

Việc Hạm đội 5 Hải quân Mỹ thành lập Lực lượng Đặc nhiệm 59 là một bước đi thực tế triển khai dự án “Hạm đội ma”. Liệu nó có hoạt động hiệu quả như Lầu Năm Góc trông đợi? Hãy chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới