Theo cây bút David Axe của tờ Forbes, Trung Quốc có xu hướng sử dụng máy bay ném bom để thị uy trước các cuộc tuần tra của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông.
Hoạt động của máy bay ném bom Trung Quốc khi tiến vào Biển Đông từ Eo biển Luzon hôm 23/1.
Cũng theo David Axe, không quân Trung Quốc hiểu rất rõ nên phản ứng thế nào khi một tàu chiến hoặc cả nhóm tàu sân bay của hải quân Mỹ tiến vào Biển Đông, vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền dù không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Nói một cách ngắn gọn, khi tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông thì cũng là lúc máy bay ném bom H-6 của không quân Trung Quốc được lệnh xuất kích. Một phi đội máy bay Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông thường gồm các chiến đấu cơ đi kèm máy bay ném bom.
Chỉ tính riêng trong năm nay, không quân Trung Quốc đã có ít nhất 4 lần “chào đón” tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông bằng máy bay ném bom.
Điển hình như ngày 23/1, nhóm tác chiến tàu sân bay dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đi kèm hai tàu khu trục và một tàu tuần dương tiến vào Biển Đông qua Eo biển Luzon. Không quân Trung Quốc nhanh chóng đón tiếp nhóm tàu Mỹ bằng một phi đội hùng hậu với 13 máy bay các loại, trong đó có 8 máy bay ném bom H-6.
Được biết, phi đội trên gồm một máy bay tuần tra Y-8, 4 chiến đấu cơ J-16 và 8 máy bay ném bom H-6. Chúng di chuyển vào Biển Đông từ phía tây Đài Loan và hoạt động không xa vị trí của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Không quân Trung Quốc hiện có trong biên chế khoảng 150 chiếc máy bay ném bom H-6 với nhiều biến thể khác nhau, chúng được xem là “cánh tay nối dài” của Bắc Kinh trong các cuộc tấn công tầm xa bên cạnh lực lượng tên lửa. Chính vì lý do này Trung Quốc không ngừng phát triển các phiên bản của H-6 như H-6K, H-6M có khả năng mang theo tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 (tầm bắn hơn 400km).
Cũng cần phải nói thêm rằng máy bay ném bom mang theo tên lửa hành trình chống hạm không phải là mối đe dọa duy nhất của nhóm tàu sân bay Mỹ khi hoạt động trên Biển Đông, bởi Trung Quốc còn có các hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm bắn lên đến hàng nghìn km.
Hành động đe dọa như trên cũng diễn ra nhiều lần trong năm nay, khi USS Theodore Roosevelt rời khỏi Biển Đông vào tháng 4. Đến tháng 6, khi tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) của hải quân Mỹ tiến vào Biển Đông qua eo biển San Bernardino cũng bị không quân Trung Quốc đe dọa.
Một phi đội gồm hai máy bay tuần tra Y-8, hai máy bay cảnh báo sớm KJ-500, 4 máy bay ném bom H-6 và 20 chiến đấu cơ J-11, J-16 đã qua bay qua Biển Đông từ phía nam Đài Loan, động thái này đã tạo ra mối đe dọa chưa từng có đối với hải quân Mỹ khi thực hiện sứ mệnh duy trì hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông.
Đến ngày 5/9 vừa qua, khi tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đi qua eo biển Luzon vào Biển Đông cũng bị 4 máy bay ném bom H-6, một máy bay tuần tra Y-8 và 14 chiến đấu cơ J-16 và Su-30 của Trung Quốc làm phiền.
Dĩ nhiên, các hành động đe dọa trên không đẩy hai bên vào một xung đột hay làm một ai đó bị thương nhưng không có gì đảm bảo điều này thay đổi, bởi Trung Quốc có thể sẽ sử dụng vũ lực để lấy lại Đài Loan và Mỹ cũng như đồng minh sẽ không ngồi yên để Đài Bắc sụp đổ.
Do thiếu máy bay chiến đấu tầm xa, không quân – hải quân Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì hiện diện ở Biển Đông để ngăn ngừa Trung Quốc phát động một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan. Nếu muốn cứu lấy Đài Bắc, người Mỹ phải tính đến việc loại bỏ các mối đe dọa từ máy bay ném bom Trung Quốc.