Tháng 3 năm nay, sự hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu đã làm nóng thêm Biển Đông. Những tháng cuối năm này, với những động thái mới của Trung Quốc, dư luận lại lo lắng sẽ tái diễn một vụ Ba Đầu mới.
Hàng nghìn tàu Trung Quốc chuẩn bị tràn xuống Biển Đông
“Lỳ lợm” là ngôn từ dư luận đã sử dụng để thể hiện sự bức xúc trước hành vi của tàu cá Trung Quốc thời điểm đó, nhất là Philippines. Cho dù đá Ba Đầu có tới 4 bên: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền, nhưng cay cú nhất, phản ứng mạnh nhất, là Philippines.
Thời điểm đó, cùng với sự phẫn nộ của người dân trong nước, giới chức Philippines cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Điều thêm tàu hải quân đến tuần tra bảo vệ, theo dõi, giám sát, bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana còn lên tiếng chính thức yêu cầu hơn 200 tàu thuyền của Trung phải rời khỏi rạn san hô này (Manila gọi là Julian Felipe), khẳng định đó là “hành động xâm phạm” quyền lãnh hải và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines.
Và, như để nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của vụ việc, bộ trưởng quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc lừa dối dư luận: Chẳng có tàu cá nào ở đây cả. Thực tế, đấy là lực lượng dân quân biển được sử dụng trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc…Nói điều này, hẳn bộ trưởng quốc phòng Philippines cay đắng lắm. Bài học mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham vào tay Trung Quốc vẫn là bài học đắt giá, là quả đắng khó nuốt trôi của Manila, cho dù đã qua gần 10 năm.
Không chỉ bộ trưởng Quốc phòng, trước hành động được coi là nguy hiểm, khác thường này, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin còn gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu thuyền Trung Quốc nói trên.
Phản ứng mạnh mẽ của Manila đã khiến Trung Quốc không khỏi bất ngờ, giở bài cũ, cãi chày, cãi cối rằng: Các tàu cá đang “trú bão” (!?).
Sự vụ tạm lắng xuống mới có vài bốn tháng, thì nay, lại lảng vảng bóng ma của một vụ “Ba Đầu” mới.
Cụ thể, ngay sau khi kết thúc lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè kéo dài hơn 3 tháng do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông, ngày 16/8 vừa qua, truyền thông Trung Quốc chẳng hề giấu diếm, đã đưa tin tưng bừng rằng, sớm chuẩn bị cho ngày “mở biển” 10/8, hơn 400 tàu cá Trung Quốc đã tập trung tại cảng đánh bắt cá Nhai Châu ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Những con tàu này hiện đang được kiểm tra động cơ, chuẩn bị ngư cụ, sẵn sàng ra khơi đánh bắt. Cái mới, là trong bản tin, phía Trung Quốc cho biết, lực lượng liên quan và ngư dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Hơn 400 tàu – con số chắc chắn chưa là cuối cùng. Nó có thể là hàng nghìn, nhiều nghìn chiếc. Đội tàu khổng lồ về số lượng và hiện đại về thiết kế, trang bị này không chỉ vét sạch, làm xơ xác nguồn hải sản của Biển Đông, mà còn áp đảo hoàn toàn những con tàu đánh cá nhỏ bé, yếu ớt của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia…
Và điều quan trọng nhất, đáng lo ngại nhất, trong số tàu khổng lồ đó, bao nhiêu là tàu cá thật, bao nhiêu là tàu dân quân biển thuộc quyền kiểm soát và tổ chức của nhà nước, trá hình tàu cá, không đánh bắt hải sản mà nhằm những mưu đồ tham lam khác trên Biển Đông?