Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp của Bắc Kinh

Thông điệp của Bắc Kinh

Các chuyên gia quốc tế đang “đổ dồn hai mắt lại”để xem việc bốn tàu quân sự Trung Quốc: tàu khu trục Type 055, tàu khu trục Type 052D, tàu do thám Type 815 và tàu hậu cần Type 903, xuất hiện ngoài khơi bang Alaska, Mỹ, thể hiện điều gì.

Việc phát hiện các tàu nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế một quốc gia nào đó, về nguyên tắc, chẳng có gì đáng ầm ĩ. Theo Công ước LHQ về Luật Biển (Unclos 1982), ngay cả tàu chiến của các nước cũng có thể di chuyển vô hại trong vùng EEZ của nước khác. Tuy nhiên, 4 tàu chiến Trung Quốc trong vùng EEZ của Mỹ thì không thể không coi là câu chuyện đáng quan tâm.  

Thực ra, vụ việc không mới. Nó diễn ra cách đây hơn hai tuần. Vậy mà cả Trung Quốc và Mỹ, hai siêu cường thừa mứa các thiết bị tối tấn để có thể giám sát, phát hiện bất cứ thứ gì trong phạm vi họ tuyên bố chủ quyền, lại im lặng.

Sự im lặng mãi tới ngày 13/9 mới bị phá vỡ qua việc Cảnh sát biển Mỹ công bố một số hình ảnh tàu USCGC Bertholf của Mỹ đã theo sau 4 tàu chiến Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Mỹ gần quần đảo Aleutian, thuộc bang Alaska của Mỹ, hồi cuối tháng 8/2021.

Chẳng gì qua mắt dư luận. Từ thông tin đơn phương của siêu cường bên Tây bán cầu, các chuyên gia quốc tế “đọc” ngay ra lý do tại sao bức ảnh về sự xuất hiện của 4 tàu Trung Quốc chỉ xuất hiện sau khi ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu lên mạng xã hội chỉ trích các hoạt động của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và cảnh báo về các hoạt động trả đũa của quân đội Trung Quốc.

Hóa ra, cả Mỹ và Trung Quốc cùng làm, cùng biết, nhưng cũng cả hai cùng chưa muốn làm ầm ĩ câu chuyện, mà ngấm ngầm, lặng lẽ theo dõi, phân tích các diến biến tiếp theo. Việc Mỹ loan tin là “cực chẳng đã”, có thể ví như sự “trả miếng” ông Hồ Tích Tiến, một nhân vật cực tả, được ví như cái “loa ngầm” của Bắc Kinh về những vấn đề quốc tế – to miệng với Mỹ một cách không biết điều.

Thông tin và chú thích ảnh của Cảnh sát biển Mỹ không cụ thể, chỉ chung chung là “bao gồm một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, một tàu do thám và một tàu hậu cần”. Tuy nhiên, bù lại, người ta có thể căn cứ vào thông tin của phía Nhật Bản, vốn cảnh giác và theo dõi sát mọi động thái của hải quân Trung Quốc. Theo đó, có 4 tàu chiến Trung Quốc quá cảnh từ Đông sang Tây qua eo biển Soya vào ngày 24-8 và đây có thể là theo hướng ra EEZ của Mỹ ngoài khơi Alaska, gồm một tàu khu trục Type 055 (mà trước đây quân đội Mỹ phân loại là tàu tuần dương), tàu khu trục Type 052D, tàu hậu cần Type 903 và tàu do thám điện tử 799 (lớp Type 815).

Số lượng 4 tàu di chuyển tới một vùng biển xa như trên có thể chưa được coi là quá quy mô. Nhưng quan trọng là trong số đó, Type 055 là tàu chiến mặt nước hiện đại nhất của Trung Quốc, được trang bị hệ thống ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) có thể mang theo hơn 110 tên lửa với nhiều loại tên lửa đất đối không, chống hạm và tấn công mặt đất. Như vậy, đây có thể coi là nhóm tàu tác chiến đa nhiệm, có năng lực tấn công lẫn phòng thủ mạnh của hải quân Trung Quốc.

Cùng với đưa ra các tấm ảnh, phía Mỹ khẳng định: “Sự tương tác giữa tàu tuần duyên Bertholf và Kimball, và các tàu của quân đội Trung Quốc an toàn và chuyên nghiệp, liên lạc bằng lời nói phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”. Dù vậy, dư luận vẫn nghĩ đây là cách “nói khéo” của Washington nhằm chưa muốn vội làm câu chuyện trở nên căng thẳng. Còn thực sự, Nhà trắng sao có thể bằng lòng, vô tâm trước việc đối thủ của mình tận bên Đông bán cầu lại đưa nhóm tàu chiến mạnh và tối tân bậc nhất lảng vảng gần nước Mỹ?

Và chắc chắn, Washington không thể không nghĩ đến khả năng, với sự việc này, phải chăng Trung Nam Hải, một mặt muốn phô trương khả năng tác nghiệp tại các vùng biển xa để “đe” thiên hạ; mặt khác, muốn chuyển tới “tận nhà” cho Nhà trắng thông điệp cứng rắn, phản ứng lại những hoạt động “tự do hàng hải” mà Mỹ đã và đang triển khai tại Biển Đông?

RELATED ARTICLES

Tin mới