Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐược gì qua “đàm phán song phương”?

Được gì qua “đàm phán song phương”?

“Đàm phán song phương” được hiểu là thương lượng về lợi ích giữa hai chủ thể liên quan. Trung Quốc từ lâu muốn áp dụng nó để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, tới nay, đáp lại, Bắc Kinh chỉ nhận được những cái lắc đầu từ các quốc gia khác, trừ…Philippines.

Tàu Gem-Ver 1 của Philippines được kéo về sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong tối 9.6.2019

Liên quan vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn là quốc gia sốt sắng nhất với giải pháp này. Không ai khác, ngày 1/6/2016 – vào thời điểm Tòa trọng tài chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, dù mong manh, Bắc Kinh vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được Philippines thay đổi quan điểm, chấp nhận bàn tay đôi với họ.

Ngoài việc muốn Philippines rút lại vụ kiện ra Tòa trọng tài (PCA), hàm ý của Trung Quốc còn muốn ngăn chặn một vụ kiện tương tự của Việt Nam. Bởi Bắc Kinh biết, không ồn ào, nhưng Hà Nội vẫn đang âm thầm chuẩn bị hồ sơ khả năng còn “dầy tập” hơn Philippines, để làm mất mặt Trung Quốc bằng một vụ kiện pháp lý quốc tế mới. Xưng là “cường quốc trỗi dậy hòa bình”, ăn ở kiểu nào để đến nỗi ai cũng ghét, thì mất sĩ diện quá? Nhưng nếu giữ thể diện thì phải kiềm chế lòng tham – việc quá khó với Trung Quốc. Thế nên, Bắc Kinh mới mới cố vừa ve, vừa đe các bên còn lại chấp nhận ngồi bàn bạc tay đôi để tránh phải chường mặt, ê chề với thiên hạ.

Quá hiểu ai là ai, nên đáp lại, Bắc Kinh chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thậm chí, ông Duterte, ngay sau khi đắc cử tổng thống Philippines tháng 5/2016, đã đề xuất một cuộc đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông, trong đó sẽ bao gồm cả Mỹ, Nhật, Úc cũng như các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.

Nhưng tổng thống mới của Philippines là người tiền hậu bất nhất. Ngay sau đó, vào ngày chót của tháng 5, cũng chính ông khẳng định Philippines sẽ không dựa dẫm vào đồng minh Mỹ, và nói rằng nhiều khả năng sẽ tái lập các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.

Cái gọi là “khả năng” do ông Duterte đưa ra ngày trước, ngay ngày sau, 1/6/2016, đã được Bắc Kinh đón nhận vồn vã. Bà Hoa Xuân Ánh – người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc – hồ hởi rằng: “Bắc Kinh đón nhận đề xuất của ông Duterte, và hy vọng chính phủ mới của Philippines có thể đàm phán song phương vốn là cách thức phù hợp để giải quyết tranh chấp và thúc đẩy mối quan hệ phát triển tốt đẹp” (?!).

Các nước chưng hửng. Nhưng làm sao được khi ông Duterte là thế. Giải thích cho việc làm này, trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 9/2016, thời điểm PCA đã có phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, ông Duterte nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng: “Thỏa thuận song phương với Trung Quốc là cần thiết vì quyết định của tòa không có khả năng hay cơ chế thi hành”.

Điều ông Duterte nói ai chẳng biết. Nhưng nếu nghĩ thế chẳng thà Philippines đừng kiện, chưa kể, nó còn làm cho Bắc Kinh được nước. Vả lại, dù không thể đưa máy ủi ủi phẳng mấy cái đảo nhân tạo Trung Quốc cưỡng chiếm, giá trị công lý của phán quyết vẫn có chứ sao không? Có ở chỗ, nó cho thấy, Bắc Kinh đã ngang ngược vô lý như thế nào? Có ở chỗ, nó làm cho các bên liên quan bị Trung Quốc chèn ép lâu nay tự tin. Có ở chỗ, từ cơ sở pháp lý đó, tiếng nói của cộng đồng quốc tế sẽ tập trung hơn, mạnh mẽ hơn trong việc phê phán, lên án Trung Quốc…

Sự thay đổi lập trường cùng những động thái nhân nhượng, những phát ngôn sợ hãi sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc cũng như việc không phát huy thắng lợi của vụ theo kiện ròng rã 3 năm trời nhằm tạo lập một vị thế mới trong cuộc đấu pháp lý bảo vệ lợi ích đất nước…, đã khiến ông Duterte ngày một mất uy tín trong người dân và bị các đối thủ chính trị quy kết tội phản bội dân tộc.

Nhưng ông Duterte bất chấp tất cả. Ngoài việc nhắc chiếu lệ phán quyết của PCA,  trong những năm qua, ông đã ngấm ngầm đáp ứng và cùng Trung Quốc đàm phán tay đôi về các tranh chấp trên Biển Đông. Thông tin này, gần đây mới được giới thạo tin Philippines rò rỉ trên truyền thông. Theo đó, hóa ra, một cái gọi là Cơ chế tham vấn song phương (BCM) giữa Philippines và Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 2017, nghĩa là không lâu sau khi PCA ra phán quyết. Tới nay, đã có 6 cuộc họp theo cơ chế này, trong đó, cuộc họp gần nhất tổ chức trực tuyến (do dịch Covid-19) vào ngày 21/5/2020.

Xem ra, cả Bắc Kinh lẫn Manila hể hả với những kết quả đã đạt được. Tại cuộc họp thứ 6 nêu trên, ngoài việc khẳng định BCM là một sáng kiến quan trọng nhằm thực hiện sự đồng thuận của ông Tập Cận Bình và ông Rodrigo Duterte; là nền tảng để hai bên trao đổi thẳng thắn và thực tế về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh và Manila còn đồng nhận định, BCM “đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Đấy là những thông tin chung. Còn thông tin cụ thể và chi tiết, tới nay nào đã được công bố, bởi Manila thì muốn mà Bắc Kinh thì chưa. Vậy nên, dù hai bên có khẳng định BCM hiệu quả lắm lắm, tích cực lắm lắm, dư luận vẫn đầy hoài nghi khi chứng kiến Biển Đông mấy năm vừa qua chẳng bớt sóng gió chút nào. Và đặc biệt, cũng không hề có bằng chứng nào cho thấy, nhờ BCM mà Philippines được Trung Quốc “nhẹ tay” hơn so các bên liên quan khác không chấp nhận “đàm phán song phương” với họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới