Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựAUKUS có làm giảm sức răn đe hạt nhân của TQ hay...

AUKUS có làm giảm sức răn đe hạt nhân của TQ hay không?

Trung Quốc cho rằng việc Mỹ giúp Australia chế tạo tàu ngầm nguyên tử sẽ làm tăng nguy cơ chạy đua hạt nhân ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Giới chuyên gia nói gì?

Phụ thuộc nhiều yếu tố

Hiệp định ba bên AUKUS sẽ cho phép Australia chế tạo các tàu ngầm nguyên tử dựa trên công nghệ mà Mỹ chuyển giao. Đây là viễn cảnh mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói là “sẽ gây tổn hại tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang và ảnh hưởng tới nỗ lực chống phổ biến hạt nhân của cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, liệu AUKUS có mở ra “cánh cửa” dẫn tới vũ khí hạt nhân hay không còn phụ thuộc vào cách mà công nghệ nguyên tử được chuyển giao từ Mỹ sang Australia; theo ông Milton Leitenberg, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, ĐH Maryland, nhận định.

Nhiên liệu được sử dụng để cung cấp cho các lò phản ứng trên tàu ngầm cũng được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân – đây là một lỗ hổng trong các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế mà một số quốc gia từng bị nghi là đã lợi dụng trong quá khứ – mặc dù ông Leitenberg cho rằng ông không nghĩ là chính phủ Australia có dự định tương tự.

“Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc, liệu có một điều khoản nào trong thỏa thuận giúp Mỹ lấy lại nhiên liệu lò phản ứng sau khi chúng được sử dụng và không còn có tác dụng cung cấp năng lượng cho tàu ngầm hay không” – Leitenberg nói.

Nhiên liệu sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng lắp trên tàu ngầm nguyên tử của Australia sẽ là uranium được làm giàu ở mức cao (HEU). Uranium được làm giàu ở mức trên 20% được coi là HEU, và các lò phản ứng trên tàu ngầm của Mỹ và Anh sử dụng uranium được làm giàu ở mức 93 – 97% – tức vượt trên ngưỡng 90% vốn được cho là “cấp độ vũ khí” tiêu chuẩn.

Sự miễn trừ đặc biệt với Australia

Trong một cuộc họp báo tổ chức tại Nhà Trắng hồi tuần trước, giới chức Mỹ nói rằng “một bộ quy định an toàn độc nhất” sẽ giúp quản lý cách mà HEU được phía Australia sử dụng.

Với tư cách một thành viên của Hiệp ước Chống phổ biến Vũ khí hạt nhân của LHQ, Australia bị cấm sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, do một lỗ hổng trong Điều III của hiệp ước này mà các lò phản ứng hải quân được miễn trừ khỏi các quy định an toàn hạt nhân. Theo ông Leitenberg, lỗ hổng này từng bị lợi dụng bởi chính quyền cực hữu ở Brazil vào những năm 1970, khi họ sử dụng HEU để chạy các lò phản ứng hạt nhân hải quân, và cùng lúc vận hành thêm một chương trình vũ khí hạt nhân.

“Mỗi người đều có mục đích của họ” – Leitenberg nói – “Nhưng có khả năng cao là chính phủ Australia không có ý định như vậy”.

Gửi trả HEU trở về Mỹ sau khi một tàu ngầm nguyên tử dừng biên chế cũng là một cách để đảm bảo rằng Australia sẽ không sử dụng trái mục đích lượng HEU mà họ nhận được; theo ông Leitenberg.

Zhao Tong – chuyên gia nghiên cứu thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment – nói rằng các tàu ngầm chạy bằng uranium làm giàu ở mức độ thấp cần phải được tiếp năng lượng nhiều lần, trong khi các tàu ngầm chạy bằng HEU lại không cần.

Mặc dù điều này làm giảm cơ hội chuyển hóa các vật liệu hạt nhân, ông Zhao cho rằng AUKUS có thể tạo động lực để thiết lập một cơ chế ngăn chặn các quốc gia lợi dụng lỗ hổng trong hiệp ước chống phổ biến hạt nhân.

“Điều quan trọng nhất cần chú ý ở đây là, liệu Canberra có hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để thiết kế một bộ quy tắc an toàn giúp giảm thiểu nguy cơ về chuyển hóa vật liệu nguyên tử, và đặt ra một tiêu chuẩn vàng cho các nước khác hay không” – ông Zhao nói.

AUKUS sẽ biến Australia thành quốc gia phi hạt nhân duy nhất sở hữu các tàu ngầm chạy bằng HEU, đây là một sự miễn trừ mà giới chức chính quyền Mỹ nói là sẽ không được trao cho các đồng minh phi hạt nhân khác của Mỹ, kể cả Hàn Quốc.

Sức răn đe hạt nhân của Trung Quốc có giảm?

Mặc dù thực tế là một nước phi hạt nhân như Australia được chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân khiến Trung Quốc phản ứng mạnh; nhưng theo ông Sarwar Kashmeri, Giáo sư Khoa học Chính trị đến từ ĐH Norwich ở Vermont, các tàu ngầm hạt nhân của Australia không gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

“Vấn đề là công nghệ nguyên tử cho tàu ngầm không phải thứ gì đó bị che giấu, nó là thứ vượt ra ngoài nước Mỹ và Anh. Ấn Độ đã chế tạo các tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của họ từ cách đây vài tháng. Tình hình ở đó còn nguy hiểm hơn, bởi không giống như Australia, Ấn Độ không phải một bên ký kết hiệp định chống phổ biến vũ khí hạt nhân” – ông Kashmeri nói.

Theo ông Zhao Tong, một số nhà bình luận ở Trung Quốc đã nêu bật nguy cơ mà các tàu ngầm chạy bằng HEU của Australia có thể gây ra đối với khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng đây chỉ là viễn cảnh tồi tệ nhất.

“Về lý thuyết, Australia có thể sử dụng các tàu ngầm nguyên tử để chặn các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đi vào khu vực Tây Thái Bình Dương. Việc truy cập vào khu vực đó rất quan trọng với Trung Quốc, bởi từ khu vực này Trung Quốc có thể phóng các đầu đạn hạt nhân tới lãnh thổ Mỹ” – ông Zhao Tong nói.

“Tuy nhiên, trên thực tế, Australia chỉ muốn chống lại các hành động mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc, và các tàu ngầm nguyên tử của họ có thể được sử dụng để chặn tàu Trung Quốc đến gần vùng biển của Australia, thực hiện nhiệm vụ do thám và trinh sát. Tôi không nghĩ chúng được sử dụng để ngăn chặn sức răn đe hạt nhân của Trung Quốc” – ông Tong nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới