Sinh kế của nhiều ngư dân Peru bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đội tàu cá quy mô lớn của Trung Quốc đến bờ biển ngoài khơi nước Nam Mỹ đánh bắt ồ ạt, làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản.
José López vẫn nhớ lần đầu tiên ra khơi đánh cá vào năm 13 tuổi. Kể từ đó tới nay, nghề này đã mang lại miếng cơm manh áo cho ông cũng như rất nhiều ngư dân khác ở Pucusana, một cảng ở phía nam thủ đô Lima của Peru. Trong nhiều năm, khi ngành đánh cá phát triển mạnh, López kiếm đủ tiền để mua một vài chiếc thuyền và cho con đi học đại học.
Tuy nhiên, 10 năm trước, những con cá ngừ mà ông từng đánh bắt một cách dễ dàng bắt đầu dần cạn. Vì vậy, các ngư dân đã biến những chiếc thuyền đánh cá sang câu mực.
Giờ đây, họ phải đối mặt với mối đe dọa mới: Đội tàu đánh bắt cá xa bờ của Trung Quốc.
Theo Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFMO), số lượng tàu gắn cờ Trung Quốc bên ngoài vùng biển của Peru đã tăng từ 54 tàu hoạt động trong năm 2009 lên 557 tàu vào năm 2020. Trong khi đó, quy mô sản lượng đánh bắt của Trung Quốc đã tăng từ 70.000 tấn trong năm 2009 lên 358.000 năm 2020.
Các tàu Trung Quốc thường đánh cá ở xa bờ – ngoài phạm vi quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào – và vào ban đêm khi họ dùng ánh sáng để thu hút những con mực bay.
“Nó giống như Miền Tây hoang dã ngoài khơi khi không có bất cứ bên nào chịu trách nhiệm thực thi pháp luật tại đó”, Peter Hammarstedt, giám đốc chiến dịch của Sea Shepherd, một nhóm bảo tồn đại dương, nhận định.
Năm ngoái, dư luận thế giới từng xôn xao khi thông tin về hàng trăm tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh cá gần khu bảo tồn tự nhiên thuộc quần đảo Galapagos, Ecuador – di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Lần đầu xuất hiện vào những năm 1980, đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã phát triển thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh và là một phần trong nỗ lực địa chính trị của Bắc Kinh nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Khi đó, đội tàu cá được lập ra để đối phó với tình trạng cạn kiệt nguồn cá trong nước và nhu cầu cung cấp thực phẩm do dân số Trung Quốc tăng bùng nổ.
AP đã làm một nghiên cứu quy mô nhỏ với các tàu cá Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi Peru và phát hiện phần lớn các tàu họ tìm hiểu đều có lịch sử bóc lột sức lao động, đánh cá trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm luật hàng hải.
Năm ngoái, Trung Quốc đã áp hình phạt nặng hơn với các công ty bị bắt quả tang vi phạm quy tắc về đánh bắt hải sản. Bắc Kinh cũng ban hành chính sách về việc không được đánh bắt mực vào mùa sinh sản ở ngoài đại dương với đội tàu của họ.
Các công ty hải sản của Mỹ đã bắt đầu chú ý tới những rủi ro về công nghiệp đánh bắt của Trung Quốc và đang tìm cách buộc phía Bắc Kinh minh bạch hơn về nguồn của những hải sản này. Trung Quốc chiếm 50% lượng mực trị giá 314 triệu USD mà Mỹ nhập khẩu từ nước ngoài trong năm 2019.
Các chính phủ Nam Mỹ đã đề xuất hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn hải sản khỏi nguy cơ không bị khai thác quá mức, như cấm hoạt động trung chuyển hàng hóa ngoài đại dương, và gia tăng đội tàu nhằm theo dõi lượng hải sản đánh bắt của tàu Trung Quốc cũng như xem xét hoạt động đánh bắt có vi phạm quy tắc hay không. Tuy nhiên, Trung Quốc không đồng tình với những đề xuất đó, theo AP.
Giờ đây, khi trữ lượng hải sản gần bờ ngày càng ít đi, López và các đồng nghiệp của ông cũng đành phải đi xa bờ ít nhất một tuần để đánh bắt lượng cá bằng với những gì họ từng bắt được trong một ngày trước đó. Hoạt động này ẩn chứa nhiều rủi ro khi có những người đã gặp tai nạn ngoài khơi xa và không bao giờ quay về.