Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia sẵn sàng đấu súng

Malaysia sẵn sàng đấu súng

So với các bên liên quan khác, Malaysia lâu nay ít to tiếng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực địa, thời gian gần đây, Kuala Lumpur đang có những động thái quân sự khiến Bắc Kinh không thể coi thường. 

Hải quân Malaysia thử tên lửa chống hạm 

Ít to tiếng không có nghĩa là không làm gì. Đó là một kế sách giới nghiên cứu gọi là “ngoại giao hậu trường” mà Kuala Lumpur theo đuổi một cách nhất quán.
Cùng với lặng lẽ “đi riêng”, có lần, Kuala Lumpur cũng “đi chung” với một bên tạm gọi là “cùng phe”. Phe” ở đây hàm ý cùng bị Trung Quốc giơ củ thụi bắt nạt, như Việt Nam chẳng hạn. Năm 2009, tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ tại New York, đại diện Việt Nam và Malaysia đã trình bày Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông. Nhiều người bình luận: Báo cáo chung này có ý nghĩa ngầm về một liên minh Hà Nội – Kuala Lumpur phê phán và phản đối Trung Quốc.

Sau đận ấy, ít nhất cũng năm bảy năm, Kuala Lumpur gần như lại trở về trung thành với quan điểm ngoại giao kín tiếng. Kín tiếng ngay cả trong các trường hợp bị Trung Quốc cho tàu hải cảnh quấy nhiễu hoạt động dầu khí trong vùng biển Malaysia tuyên bố chủ quyền và kiểm soát, trong các năm 2019, 2020, và tháng 7 năm 2021.

Tuy nhiên, trên thực địa, hai năm nay, cộng đồng quốc tế chứng kiến Kuala Lumpur dường như đang ngày một cứng rắn hơn với những động thái quân sự ngày một tăng cả về tần suất và mức độ.

Tháng 8 năm 2020, Malaysia đã triển khai tàu tuần tra KD Kelantan đến cụm bãi cạn Luconia khi phát hiện tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) tại vùng không chỉ nhiều cá, thủy sản, mà còn được coi là giàu tiềm năng dầu khí. Phản ứng của Malaysia đã khiến tàu của CCG phải lặng lẽ rời đi.
“Mềm nắn, rắn buông” – dư luận coi đây như sự xuống thang của Trung Quốc.

Trong năm này, các hoạt động quân sự của Malaysia, hoặc do nước này tổ chức cùng các nước khác, tiếp tục diễn ra. Hai ngày, 6 và 7/4, không quân Hoàng gia Malaysia tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ. Sau sự kiện, Chuẩn đô đốc Doug Verissimo chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, đã cảm ơn rằng: “Việc chúng tôi (Mỹ) tiếp tục phối hợp (với hải quân Malaysia) là điều căn bản nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Giữa tháng 8, Hải quân Hoàng gia Malaysia lại tổ chức một cuộc diễn tập. Đây là cuộc diễn tập  đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với tên gọi là Taming Sari – kéo dài 6 ngày, từ 7 đến 12/8, với sự tham gia của một lực lượng hùng hậu, gồm hơn 1.000 thành viên của lực lượng an ninh Malaysia; 9 tàu, 5 xuồng chiến đấu nhanh, 1 tàu ngầm, 2 trực thăng Super Lynx và 4 máy bay chiến đấu F/A-18D Hornet của Không quân Hoàng gia Malaysia; nhiều khí tài tối tân của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia.

Điều đặc biệt, như đánh giá của dư luận, là Taming Sari diễn ra vào thời điểm quá nhạy cảm: chỉ 2 tháng, sau vụ 16 máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập không phận của Malaysia tại khu vực Biển Đông tranh chấp, tháng 5/2021, khiến Kuala Lumpur phải điều máy bay bám sát.

Điểm nhấn của cuộc tập trận là  Hải quân Hoàng gia Malaysia thử nghiệm tên lửa chống hạm. Bắc Kinh hẳn mong vụ thử nghiệm thất bại. Nhưng ngược lại, cuộc thử nghiệm thành công với 3 quả tên lửa được phóng đi khiến Trung Nam Hải ù tai. Còn Kuala Lumpur  hiển nhiên là hoan hỷ.

Cũng trong tháng 8/2021, gần như đồng thời, Malaysia còn tham gia cuộc tập trận thường niên Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á với Mỹ và 20 quốc gia khác. Cho dù trong tuyên bố, Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ nêu: Tập trận được thiết kế để khuyến khích các quốc gia sử dụng lực lượng hàng hải của họ để nâng cao hiểu biết về ‘môi trường hoạt động, xây dựng năng lực cho các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo, và tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế’, thì dư luận vẫn không thể không nghĩ, ý nghĩa quan trọng nhất của nó là nhằm “bảo ban” Trung Quốc rằng: nếu ngang ngược quá, cả thế giới sẽ thành đối thủ của họ.  

Còn Malaysia? Tham gia cuộc tập trận quy mô quốc tế lớn này, đồng thời thực hiện cuộc tập trận Taming Sari gần như cùng thời điểm trên Biển Đông, Malaysia hẳn muốn nói với Bắc Kinh rằng: Trường hợp bị đẩy vào tình thế không thể khác, họ sẵn sàng chấp nhận một cuộc đấu súng.  

RELATED ARTICLES

Tin mới