Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóng3 liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào...

3 liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào TQ

Với việc thành lập liên minh AUKUS, Washington hiện đóng vai trò chủ chốt trong cả 3 cơ chế hợp tác giữa bối cảnh cạnh tranh với Bắc Kinh.

Ngày 15/9, lãnh đạo 3 nước Mỹ, Anh, Australia thông báo thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường AUKUS. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói đây là bước đi lịch sử để làm sâu sắc hơn mối quan hệ, nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc cùng cam kết đưa “nước Mỹ trở lại” – việc chính quyền của ông Biden công bố thành lập liên minh mới đã khiến giới quan sát đặt ra nhiều câu hỏi, bởi Washington có nhiều hơn một cơ chế hợp tác kiểu như vậy trong khu vực.

Trong nhiều cơ chế hợp tác của Mỹ trên thế giới, AUKUS gồm toàn những đồng minh lâu năm và sẽ tiếp tục “bổ sung” cho các cơ chế này.

Ngũ nhãn

Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes), tên chính thức là Thỏa thuận Anh-Mỹ (UKUSA), là nhóm đa phương bao gồm Anh, Mỹ, New Zealand, Canada, Australia. Quan hệ đối tác này khởi đầu từ thỏa thuận giữa Mỹ và Anh năm 1946, liên quan đến củng cố hoạt động chia sẻ thông tin tình báo từ Thế chiến II.

Canada tham gia thỏa thuận năm 1948, New Zealand và Australia trở thành thành viên năm 1956. Bên cạnh đó, nhóm cũng trao đổi thông tin với Đức, Pháp, Hà Lan và một số nước châu Âu, nhưng quá trình này không diễn ra chặt chẽ.

 Ngũ Nhãn được giữ bí mật suốt hơn 5 thập kỷ và chỉ được công chúng biết đến trong những năm 2000. Vào tháng 6/2010, khi chính phủ Anh công bố tài liệu chi tiết thỏa thuận và một số thông tin tình báo đã được chia sẻ, sự tồn tại của liên minh chính thức được “thừa nhận”.

3 liên minh Mỹ đứng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương: Tất cả để đối phó Trung Quốc? - 2

Lực lượng không gian Australia, Canada, Anh và Mỹ tham dự hội nghị tại Mỹ vào năm 2019. (Ảnh: SCMP)

Theo các báo cáo truyền thông, mỗi thành viên của liên minh “chịu trách nhiệm” thu thập và phân tích thông tin tình báo về các khu vực cụ thể trên thế giới. Anh theo dõi châu Âu, Tây Nga, Trung Đông và Hong Kong. Mỹ giám sát Trung Đông cùng với Trung Quốc, Nga, châu Phi và Caribe. Australia chịu trách nhiệm về Nam và Đông Á và New Zealand chịu trách nhiệm về Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Canada giám sát một phần bên trong Nga và Trung Quốc và các khu vực Mỹ Latinh. Dù phân chia như vậy, các bên không bị giới hạn khu vực và vẫn thường giúp đỡ lẫn nhau.

Vai trò hiện tại của Ngũ Nhãn có nhiều nhánh nhỏ, chẳng hạn như giám sát giao thông hàng hải đi qua các khu vực chiến lược, giám sát “lĩnh vực hàng không vũ trụ” bao gồm các vụ thử tên lửa đạn đạo, triển khai vệ tinh nước ngoài và các hoạt động quân sự của lực lượng không quân liên quan.

Các tổ chức khủng bố và các thương vụ kinh doanh vũ khí cũng nằm trong phạm vi của Ngũ Nhãn, đặc biệt hai vấn đề này đang được 5 thành viên ngày càng quan tâm.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng, Quốc hội Mỹ xem xét khả năng mở rộng quy mô tổ chức từ 5 lên 9 thành viên, thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức. Trung Quốc chỉ trích nhóm này là “di sản” Chiến tranh Lạnh, đồng thời nhiều lần lên tiếng phản đối việc mở rộng liên minh này.

QUAD

3 liên minh Mỹ đứng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương: Tất cả để đối phó Trung Quốc? - 3

Bộ Tứ kim cương sẽ không chỉ là một NATO phương Đông. (Ảnh: The Asean Post)

Được chú ý trở lại trong thời gian gần đây là nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là “Bộ tứ Kim cương” QUAD, bao gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Thành lập vào năm 2007 liên quan đến các nỗ lực cứu trợ sau thảm họa sóng thần, sau đó QUAD ngày càng được coi là đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực. Các ý tưởng về QUAD mất sức hút một thời gian nhưng được hồi sinh vào năm 2017 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại và cuộc tấn công công nghệ nhắm đến Bắc Kinh.

Hiện nhóm vẫn chưa phải là một liên minh chính thức, nhưng các cuộc thảo luận liên quan đã mở rộng ra nhiều vấn đề như an ninh hàng hải, thông tin liên lạc 5G, cũng như các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19.

 Đến 2021, lãnh đạo cả 4 nước ngày càng trở nên thống nhất hơn về mối lo ngại liên quan đến các hành động hung hăng của Trung Quốc ở khu vực, cũng như sẵn sàng hơn trong việc vạch ra một chương trình nghị sự hợp tác. Quan hệ của Trung Quốc với từng thành viên QUAD trong khi đó căng thẳng về nhiều vấn đề. 

3 liên minh Mỹ đứng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương: Tất cả để đối phó Trung Quốc? - 4

Hàng không mẫu hạm, tàu ngầm và tàu chiến của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar vào tháng 11/ 2020. (Ảnh: AP)

Hải quân 4 thành viên QUAD tập trận lần đầu tiên vào tháng 11/2020. Tháng 3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự của QUAD không hoàn toàn là về Trung Quốc. Lãnh đạo 4 nước cũng nhận thấy cần một cách tiếp cận chủ động để giải quyết các thách thức nhân đạo và kinh tế do đại dịch gây ra. Họ đã thành lập các nhóm làm việc về vaccine COVID-19, biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

AUKUS

AUKUS là quan hệ đối tác ba bên mới của Australia, Anh và Mỹ. Dù mục đích của nhóm này vẫn là tăng cường hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng giữa ba quốc gia, AUKUS sẽ tập trung cụ thể vào tăng cường sự phối hợp liên quan đến khoa học quốc phòng, công nghệ, các cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng, đặc biệt nhấn mạnh vào năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các năng lực dưới biển mới.

Sáng kiến đầu tiên của AUKUS – đang gây phản ứng trái chiều trong những ngày gần đây – là hỗ trợ Australia phát triển các tàu ngầm năng lượng hạt nhân cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết để đặt các tàu này.

Một mặt, quan hệ đối tác ba bên mới mang tính biểu tượng bởi được thiết lập giữa các đồng minh lâu năm. Mặt khác, mối quan hệ được đánh giá là khác biệt so với những nỗ lực song phương trước đây giữa ba quốc gia, liên quan đến hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

3 liên minh Mỹ đứng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương: Tất cả để đối phó Trung Quốc? - 5

Với cơ chế hợp tác của AUKUS, Australia sẽ được Mỹ và Anh hỗ trợ công nghệ chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân. (Ảnh: Naval News)

Tuy “phủ sóng” truyền thông về chương trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân chưa từng có nhưng AUKUS không chỉ là về tàu ngầm. Theo các chuyên gia, điểm khác biệt của nhóm này là các loại hình hợp tác về công nghệ quốc phòng tiên tiến, nhằm đạt được thành quả chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoài ưu tiên về trí tuệ nhân tạo, năng lực không gian mạng và máy tính lượng tử, có khả năng lớn cơ chế ba bên này sẽ mở rộng hợp tác nhằm phát triển và chia sẻ những khả năng quân sự khác như tên lửa tầm xa và các hệ thống dưới nước. Ví dụ, Australia đang tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật của Mỹ để phát triển một dự án vũ khí dẫn đường, nhằm sản xuất các tên lửa tấn công tầm xa ở Australia. Bên cạnh đó Mỹ và Anh đang làm việc để phát triển các phương tiện dưới nước không người lái (UUV) lớn, có thể hoạt động song song với các nền tảng có người lái trong các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và thăm dò.

Các nhóm khác ở đâu sau AUKUS?

Thông báo về sự ra đời của AUKUS làm dấy lên phản ứng trái chiều. Phản ứng mạnh nhất đến từ Pháp, khi thỏa thuận sản xuất tàu ngầm của nước này với Australia bị hủy bỏ và họ cảm thấy bị đồng minh “đâm sau lưng”. Diễn biến cũng được xem như “xát muối vào vết thương” khi EU lúc đó chuẩn bị công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đóng vai trò quan trọng trong an ninh và quốc phòng.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về chính sách “nóng lạnh” của Tổng thống Mỹ Joe Biden với EU. Khối cảm thấy như bị Mỹ đẩy sang vai trò phụ trong chính sách đối ngoại, dù Mỹ phủ nhận.

 Lo ngại tiếp theo dành cho các nước như Ấn Độ – một phần của QUAD – nhóm thường được nhắc đến như NATO châu Á. Việc thông báo thiết lập AUKUS diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo QUAD tại Mỹ. 

Có thể thấy, Mỹ thành lập AUKUS cạnh tranh với Trung Quốc không bao gồm Ấn Độ. Quốc gia châu Á cho biết Mỹ cũng nhiều năm ròng từ chối thảo luận với nước này về công nghệ tàu ngầm hạt nhân.

3 liên minh Mỹ đứng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương: Tất cả để đối phó Trung Quốc? - 6

Thông báo thành lập liên minh AUKUS diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo QUAD tại Mỹ. (Ảnh: The Diplomatist)

Các nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ từ chối hủy thỏa thuận S-400 với Nga có thể là lý do chính khiến New Delhi không được mời tham gia AUKUS. Tuy nhiên, một số nhận định khác cũng được đặt ra: Vị trí địa lý của Ấn Độ được cho là không thuận lợi cho việc “đối phó” Trung Quốc, bên cạnh đó, với chủ trương đa liên kết, Ấn Độ tham gia với Trung Quốc trong các cơ chế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS. Nước này cũng không hoàn toàn đi theo các chính sách đối đầu Trung Quốc trong nhiều năm qua của Mỹ.

Một số chuyên gia, như Tanvi Madan từ viện Brookings, cho rằng Ấn Độ không cần lo ngại, vì liên minh mới bổ sung thêm cho QUAD, hơn nữa còn đẩy Pháp đến gần hơn với nước này. Nhưng khi xét việc một số mục tiêu của QUAD và AUKUS chung nhau, cũng có những bình luận về việc QUAD có thể bị “bỏ quên” sau khi Mỹ thành lập nhóm mới.

Trong diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định QUAD “không liên quan gì” đến AUKUS, vì một bên giải quyết các vấn đề như đại dịch, công nghệ mới, an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, còn một bên là “liên minh an ninh”.

Cuối cùng, ba thành viên của AUKUS đều thuộc Ngũ Nhãn, vì thế khi AUKUS thông báo thiết lập, tương lai của Ngũ Nhãn cũng bị đặt dấu hỏi.

Tại Canada, một số ý kiến chỉ trích chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau vì đã “bỏ qua” một nhóm an ninh quan trọng. Trong khi các chuyên gia New Zealand ngay lập tức bình luận “chúng ta đâu?”. Nhưng Thủ tướng Canada nói nước này “không có ý định tham gia thị trường tàu ngầm”, còn New Zealand đã khẳng định họ không tìm kiếm khả năng tham gia AUKUS và không phải là quốc gia hạt nhân.

Nhìn chung, lãnh đạo các quốc gia đều khẳng định các liên minh trước đó không bị ảnh hưởng gì bởi AUKUS, việc có nhiều cơ chế hợp tác khác nhau giữa các nước là bình thường và họ hướng đến các mô hình với bản chất cũng như mối quan tâm khác nhau. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, AUKUS và QUAD có thể là bước khởi đầu cho sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, rời khỏi châu Âu và Nga, hướng đến Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong kỷ nguyên sắp tới.

Mỹ có mục đích gì?

Là trung tâm của 3 cơ chế hợp tác, Mỹ có cơ hội “bao vây” Trung Quốc với mạng lưới tình báo và an ninh, cộng thêm năng lực quốc phòng tăng cường mà cơ chế AUKUS phát triển trong tương lai. 

3 liên minh Mỹ đứng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương: Tất cả để đối phó Trung Quốc? - 7

Mỹ và nhiều nước phương Tây lo ngại về lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: QZ)

Các nước Ngũ Nhãn trong nhiều năm trở lại đây thể hiện ngày càng rõ hơn mong muốn giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, hay ít nhất là “tránh phụ thuộc” ở một số lĩnh vực nhất định. Từ việc có động thái về công nghệ (Anh loại bỏ thiết bị của Huawei, Australia cấm Huawei và ZTE khỏi mạng lưới 5G), thương mại (Canada từ bỏ đàm phán tự do thương mại với Trung Quốc trong căng thẳng liên quan vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei), hay lên tiếng phản đối các hành động của Bắc Kinh trên biển, các nước này ngày càng có lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Trong khi đó với QUAD, Mỹ, Australia và Ấn Độ sẽ phát triển các tàu ngầm hạt nhân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trở thành sự “răn đe” đáng kể về quân sự với Bắc Kinh.

Khác với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Joe Biden đã luôn nhấn mạnh vào việc cùng với các đồng minh và đối tác đối phó với “những mối đe dọa của thế kỷ 21” – trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Giờ đây, với 3 cơ chế hợp tác vượt ra khỏi phạm vi an ninh truyền thống, Mỹ có thể thúc đẩy chủ trương này.

Nhưng cũng cần lưu ý, trên các phát ngôn chính thức, Washington khẳng định “không tìm kiếm sự đối đầu” với Bắc Kinh. Một khả năng được các nhà quan sát đặt ra là Mỹ (và các đồng minh) vừa muốn cạnh tranh với Trung Quốc, vừa muốn hợp tác và đối thoại trên một số lĩnh vực khác, nhất là các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

“Nhưng câu hỏi khi đó sẽ là ông Biden có thể đi đến đâu với chiến lược kép này”, theo Neysun Mahboubi, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania. Và “liệu Trung Quốc có quan tâm đến phương diện hợp tác của mối quan hệ này hay không?”.

RELATED ARTICLES

Tin mới