Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp than cạn nguồn lực, thấp thỏm chờ TPHCM nới lỏng...

Doanh nghiệp than cạn nguồn lực, thấp thỏm chờ TPHCM nới lỏng giãn cách

Đại diện các hiệp hội cho biết dù mốc ngày 1/10 đã gần kề, doanh nghiệp vẫn trong trạng thái lúng túng, bị động khi phương án nới lỏng giãn cách chính thức của TPHCM vẫn chưa được công bố.

Phương án lưu thông, đi lại liên tỉnh, liên vùng sau ngày 1/10 vẫn chưa được công bố chính thức

Hoạt động lại cũng chưa thể khôi phục công suất

Đến sáng 29/9, khi chưa còn 48 giờ sẽ bước qua mốc ngày 1/10, văn bản chính thức về việc tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội tại TPHCM vẫn chưa có. Các văn bản hiện vẫn mới ở dưới dạng dự thảo.

“Chưa có thông tin chính thức nên bản thân doanh nghiệp, hiệp hội cũng chưa biết chuẩn bị như thế nào”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), chia sẻ với Dân trí trưa 29/9.

Ông Phương cho biết doanh nghiệp ông thời gian qua cũng đã mở cửa lại một cửa hàng tại quận 7, khu vực “vùng xanh” được TPHCM thí điểm nới lỏng giãn cách”, tuy nhiên số lượng nhân viên có thể đi làm rất hạn chế.

Phó Chủ tịch HAWA chia sẻ, hiện tại thông tin về cách triển khai cụ thể “thẻ xanh Covid” còn mơ hồ, chưa kể đến việc thông tin cập nhật tiêm chủng chưa đồng bộ nên doanh nghiệp rất khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn lực nhân sự. Thêm vào đó, vấn đề di chuyển liên tỉnh, liên vùng vẫn chưa có hướng dẫn chính thức.

Theo ông Phương, hiện nay, công suất hoạt động của các doanh nghiệp thuộc HAWA chưa đến 30% so với bình thường. Dù Thành phố nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10, ông dự báo các doanh nghiệp trong hiệp hội cũng khó tăng lên quá 60% công suất thông thường trong 3 tháng cuối năm nay khi còn nhiều khó khăn đang chờ đợi, đặc biệt là đưa lực lượng lao động quay trở lại sản xuất.

Một trong những ưu tiên quan trọng nhất khi sản xuất trở lại, theo ông Phương, là phải truyền thông cho các đối tác mua hàng về một kế hoạch phục hồi chắc chắn. Bản thân HAWA đang làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để chuẩn bị tổ chức một hội thảo truyền thông kế hoạch khôi phục sản xuất. “Nếu nhìn thấy một kế hoạch rõ ràng với sự cam kết, tính khả thi, họ có thể để nhiều hơn hàng ở lại Việt Nam hơn”, ông Phương cho hay.

Nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết các doanh nghiệp cũng đang rất chờ đợi kế hoạch nới lỏng giãn cách chính thức của thành phố sau ngày 30/9. Riêng về dự thảo mở cửa lại nhiều hoạt động của TPHCM từ 1/10, ông Dũng đánh giá số lượng, quy mô các hoạt động được mở lại tương đối rộng.

Theo Chủ tịch HUBA, điều cần thiết nhất hiện nay là sớm công bố chính thức các cấp độ 1-2-3-4 theo bộ tiêu chí thích ứng an toàn với Covid-19 cùng với các kịch bản ứng phó, điều hành kinh tế xã hội cụ thể để toàn bộ người dân, doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt, tránh tình trạng người dân không biết TPHCM đang ở trạng thái nào.  

“Bản thân người dân phải biết thành phố đang ở cấp độ mấy, diễn biến dịch tăng hay giảm, tích cực hay không. Cần phải biết ví dụ bao nhiêu ca là cấp độ 3, 4, ứng với từng cấp độ thì cái gì mở, cái gì đóng, chính quyền làm gì, người dân làm gì, doanh nghiệp làm gì. Khi họ biết trước ngày mai phải đóng cửa vì dịch chuẩn bị tăng cấp độ thì họ chuẩn bị trước, không bị động. Đây là việc căn cơ nhất, làm được thì toàn bộ xã hội sẽ đồng thuận”, ông Dũng chia sẻ với Dân trí.

Theo ông Dũng, một trong những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là quy trình xử lý nếu phát sinh ca nhiễm khi hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp cũng rất chú trọng vấn đề an toàn, tự xây dựng kịch bản về y tế nội bộ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không bao giờ đánh đổi rủi ro nên khi sản xuất trở lại cũng sẽ chỉ làm từng bước để đảm bảo an toàn.

Do đó, ông Dũng dự báo nếu ngày 1/10, các hoạt động kinh tế xã hội chính thức được nới lỏng, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng không thể đồng loạt khôi phục đầy đủ công suất. “Nguồn lực của doanh nghiệp cạn kiệt rồi, phải có thời gian chuẩn bị để sản xuất lại, chỉ làm từ từ chứ không làm một lúc hết được, còn phải theo dõi tình hình”, Chủ tịch HUBA cho biết.

Ông Dũng nhấn mạnh sắp tới, TPHCM cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành, có một đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới