Ngay trong giai đoạn điện mặt trời phát triển nóng nhất, hầu hết các tấm pin mặt trời được nhập khẩu và chủ yếu là mua từ Trung Quốc.
Jinko Solar, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới của Hong Kong (Trung Quốc), đã tăng cường đầu tư thêm dự án thứ 2 tại Việt Nam.
Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko Solar 2) có trị giá 365 triệu USD tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do Jinko Solar Việt Nam làm nhà đầu tư.
Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1. Trước đó, ngày 31/3/2021, tỉnh Quảng Ninh cũng đã trao một giấy phép đầu tư đối với dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam cho Jinko Solar, có tổng vốn đầu tư 498 triệu USD.
Theo chuyên gia, Jinko Solar cho thấy tham vọng lớn khi xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trước hết là nhắm đến thị trường tỷ đô của Việt Nam, khi một thống kê cho thấy, có đến 99% pin mặt trời lắp ráp các công trình tại Việt Nam là nhập khẩu và chủ yếu là mua từ Trung Quốc. Thứ hai, việc xây dựng nhà máy ở Việt Nam giúp Jinko Solar đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, làm tấm quang năng không hề khó, ngoài khung nhôm và hộp đấu nối, một tấm quang năng có 5 lớp.
Trong số 5 lớp này thì sản xuất lớp tế bào quang điện (solar cell) dày khoảng 0,2mm là có chút khó khăn và lớp này có thể chứa những chất gây ô nhiễm môi trường.
Còn các lớp khác là vật liệu thông thường sử dụng hàng ngày, không chứa chất độc hại. Trong một tấm pin năng lượng mặt trời, tấm kính cường lực thường nặng nhất, khoảng 65%; sau đó tới khung khoảng 20%, tế bào quang điện khoảng 6%-8%, cuối cùng là các thành phần còn lại.
“Làm tấm silic là một trong những công đoạn để sản xuất solar cell. Solar cell là thứ mang lại nhiều tiền nhất nhưng gây tác động môi trường vì dùng nhiều hóa chất. Nó cần đến công nghệ bán dẫn – mà công nghệ này ở Việt Nam chưa phát triển. Khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất thì họ sẽ mang công nghệ vào.
Đây là công nghệ đắt tiền, nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì Việt Nam nên xem xét”, ông Sính nói và chỉ ra thực tế Việt Nam đang gần như “bỏ trắng” thị trường sản xuất pin mặt trời. Các doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua vẫn chủ yếu là nhập thiết bị gần như hoàn chỉnh về để gia công, lắp ráp đơn giản ở công đoạn cuối.
Nhìn rộng ra ngành điện, từ điện mặt trời đến điện gió, thủy điện, nhiệt điện, Phó Giám đốc GreenID cho hay, các thiết bị lắp đặt chính đều phải đi nhập dù Việt Nam đã có gần 80 năm phát triển ngành điện. Và như vậy, những thứ đáng tiền nhất, đem lại lợi ích nhiều nhất lại rơi vào phía doanh nghiệp nước ngoài.
“Trong nhà máy thủy điện, nhiệt điện, tuabin, máy phát, lò hơi chúng ta đều phải nhập, trong khi chúng chiếm từ 30-50% chi phí đầu tư. Lò hơi, tuabin… thuộc về công nghiệp luyện kim, cơ khí chính xác nhưng những ngành công nghiệp ấy của Việt Nam rất lạc hậu.
Tương tự, để sản xuất pin mặt trời cần phát triển tổng hợp nhiều ngành. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất điện mặt trời, điện gió. Ngoài nhập pin mặt trời, Việt Nam cũng nhập tuabin gió, cánh quạt gió. Chúng ta không có công nghệ nguồn nên phụ thuộc nước ngoài là đương nhiên, mà bí quyết công nghệ thì nước ngoài không ai dại gì cho.
Có thể nói, các thiết bị là “trái tim” của các nhà máy điện, từ nhiệt điện, thủy điện đến điện mặt trời, điện gió, Việt Nam đều chưa làm được gì. Doanh nghiệp ở Việt Nam mới chỉ làm những công đoạn đơn giản, không đáng tiền, còn nước ngoài hưởng phần chính.
Đó là điều rất đáng tiếc bởi theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nhu cầu vốn đấu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030″, ông Trần Đình Sính phân tích.
Bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng đối với vấn đề tự chủ dây chuyền sản xuất tấm quang điện, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam.
Ông đồng tình với ý kiến của các chuyên gia năng lượng rằng, Việt Nam đang hội đủ các điều kiện khách quan để hướng đến tự chủ công nghệ sản xuất tấm quang điện, tuy nhiên chính sách cần cụ thể hơn.
Đó là quy hoạch năng lượng tổng thể, năng lượng mặt trời; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, không chỉ là doanh nghiệp sản xuất tấm quang điện mà còn các doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái ngành.
Chính sách thu mua carbon hoặc ứng dụng các chương trình khuyến khích chuyển đổi carbon trong nhóm các doanh nghiệp phát thải khí carbon cao. chính sách đầu tư và phát triển nhân lực nghiên cứu công nghệ cao; khuyến khích phát triển theo cơ chế thị trường, trao đổi năng lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có chế tài mạnh đối với các công ty sản xuất tấm quang điện, thu phí bảo vệ môi trường và ràng buộc trách nhiệm xử lý tái chế sau khi hết vòng đời sản phẩm khi họ bán sản phẩm ra thị trường.