Mỹ, Anh và Úc trong thời gian gần đây, đã công bố quan hệ đối tác an ninh mới ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm phát triển hợp tác quốc phòng và công nghệ cao để giúp Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân. Thông báo bất ngờ này đã khiến Bắc Kinh giật mình.
Cơ chế hợp tác này được gọi là “Đối tác ba bên Mỹ -Anh-Úc” (AUKUS), VOA tiếng Trung đã dùng lối nói văn hóa khi gọi AUKUS là Tam biên, nghĩa là 3 cạnh vây hãm Trung Quốc.
Timothy Heath, nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề quốc phòng quốc tế tại RAND Corporation, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nói với VOA rằng: “Úc sẽ có thể thực hiện các chuyến bay chiến đấu với Hoa Kỳ ở Biển Đông, và các khu vực khác của Thái Bình Dương, điều này sẽ giúp ngăn chặn các hành động quân sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân. Richard Weitz, giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị-Quân sự của Viện Hudson, Mỹ nói với VOA rằng: “Có thể phải mất ít nhất mười năm nữa, chúng ta mới thực sự nhìn thấy tàu ngầm hạt nhân. Đây là một kế hoạch dài hạn. Có lẽ các nhà lãnh đạo tương lai của Hoa Kỳ hoặc Anh hoặc Úc sẽ thay đổi, nhưng hiện tại, điều này báo trước một cuộc kiểm tra và cân bằng rộng rãi hơn của lực lượng Anglo-Saxon, đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc”.
Từ ngũ nhãn đến ba bên, đối phó với những thách thức của Trung Quốc ở các khía cạnh khác nhau
Các đồng minh của Mỹ ở châu Á nói chung rất vui khi thấy mối quan hệ đối tác ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ. Kể từ khi chính quyền Obama đề xuất “quay trở lại châu Á”, các nước châu Á đã mong đợi Hoa Kỳ hướng nguồn lực của mình sang châu Á-Thái Bình Dương. Ông Weitz cho rằng, cơ chế hợp tác ba bên mới này, càng khẳng định tuyên bố trước đó rằng, sau khi rút quân khỏi Afghanistan, chính quyền ông Biden sẽ ưu tiên châu Á.
Ông nói: “Tôi nghĩ (các đồng minh châu Á) sẽ thích điều đó, mặc dù họ không nói ra. Bởi vì Úc có thể giúp họ đối phó với Trung Quốc. Úc trước đây không tích cực về mặt quân sự, nhưng điều đó có thể xảy ra trong tương lai. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên họ từ sự tăng trưởng vũ khí của (Trung Quốc), ít nhất cũng có thể phân tán một phần”.
Hoa Kỳ và Úc cũng là thành viên của Đối thoại an ninh 4 bên (gọi tắt là Bộ tứ – Quad). Tổng thống Biden đã chủ trì cuộc gặp trực tiếp với các nguyên thủ quốc gia của Úc, Nhật Bản và Ấn Độ vào ngày 24/9. Bốn nước cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển ở Malabar vào cuối tháng 8.
Hoa Kỳ, Úc và Anh cũng là thành viên của Liên minh Ngũ nhãn để chia sẻ thông tin tình báo. Liên minh này có nguồn gốc sớm nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do Hoa Kỳ và Anh khởi xướng, sau đó có sự tham gia của Canada, Úc và New Zealand. Trong những năm gần đây, khi ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, 5 nước quyết tâm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.
Khi được hỏi liệu cơ chế an ninh ba bên của Mỹ, Anh và Úc có tiếp nhận thêm các đồng minh khác hay không, các quan chức chính quyền Biden đã loại trừ khả năng này, đồng thời cho rằng, việc chia sẻ các công nghệ nhạy cảm như công nghệ tàu ngầm hạt nhân, đã mở ra nhiều ngoại lệ về chính sách.
Một số nhà phân tích cho rằng, hai thành viên là New Zealand và Canada trong Liên minh Ngũ nhãn không được đưa vào cơ chế hợp tác an ninh mới, điều đó không có nghĩa là hai quốc gia này bị gạt ra bên ngoài.
Chuyên gia các vấn đề thời sự Hà Thiên Mục cho rằng, không có nhiều đồng minh của Mỹ có khả năng vận hành và bảo dưỡng các thiết bị cao cấp như tàu ngầm hạt nhân. Ông nói: “Úc có khả năng sử dụng công nghệ hạt nhân, nhưng cũng có những mối quan tâm chiến lược chung và quan hệ đối tác chặt chẽ. Điều này sẽ khiến việc chuyển giao công nghệ hạt nhân đối mặt với rủi ro thấp, đặc biệt liên quan đến khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân, và liệu nó có lợi cho chiến lược quốc gia của Mỹ hay không. Rất ít quốc gia có thể đáp ứng được ngưỡng này”.
Liên quan đến cuộc thảo luận về việc liệu hợp tác ba bên giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc, có thay thế Liên minh Ngũ nhãn hay không? John Schaus, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng mục đích của hai bên là khác nhau, và không có vấn đề bên nào thay thế bên nào. Một bên tập trung vào tình báo, bên còn lại liên quan đến nghiên cứu, đầu tư công nghệ và quốc phòng.
Ông tin rằng cơ chế hợp tác ba bên mới giữa Hoa Kỳ, Anh, Úc, có thể cung cấp một mô hình tiềm năng cho sự hợp tác trong tương lai, giữa Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung. Ông nói: “Chúng ta sẽ thấy nhiều sự sắp xếp như vậy hơn, các quốc gia có cùng giá trị, lợi ích và mục tiêu giống nhau, tìm ra những cách hợp tác có mục tiêu”.
Pháp sẽ còn giận lâu nhưng lợi ích lâu dài cuối cùng sẽ chiếm ưu thế
Tuy nhiên, khu vực châu Âu có những tiếng nói khác nhau đối với sự thành công của AUKUS. Pháp bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ với việc, bất ngờ tuyên bố thành lập một liên minh an ninh mới giữa ba quốc gia nói tiếng Anh, và có cùng nền văn hóa này. Đặc biệt, việc Úc hợp tác với Mỹ và Anh để đóng tàu ngầm hạt nhân, có nghĩa là hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hơn 40 tỷ đô-la Mỹ, giữa nước này và Pháp đã kết thúc.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi đây là “đòn đánh sau lưng” đối với các đồng minh, và cáo buộc Tổng thống Biden bất ngờ công bố thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên mới, mà không tham khảo ý kiến đồng minh, lấy đi thỏa thuận tàu ngầm giữa Pháp và Úc là một “quyết định thô lỗ và đơn phương”.
Ông John Schaus tin rằng, căng thẳng với Pháp sẽ tồn tại trong một thời gian, nhưng có thể khắc phục được. Ông nói với VOA: “Sẽ mất một thời gian và rất nhiều nỗ lực, để giải quyết sự thất vọng và không hài lòng của Pháp, nhưng tôi nghĩ lợi ích lâu dài cuối cùng sẽ chiếm ưu thế. Nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước Thái Bình Dương, mà cả Pháp, Anh, Đức, và thậm chí cả Liên minh châu Âu, đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vì đó là khu vực then chốt cho sự thịnh vượng”.