Thiếu than để sản xuất điện, Trung Quốc muốn nhập khẩu điện khẩn cấp từ Nga.
Cuộc căng thẳng thương mại với Úc khiến Trung Quốc thiếu than để sản xuất điện. Nước này đã nhập than thay thế từ nhiều thị trường khác nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn diễn ra.
Hơn 20 tỉnh của Trung Quốc được cho là đã bị ảnh hưởng bởi sự cố cắt điện. Một số nhà máy đã buộc giảm công suất, được yêu cầu giảm giờ làm để tránh gây căng thẳng cho mạng lưới điện, ví dụ như các nhà máy xử lý kim loại và các sản phẩm dầu.
Hàng triệu hộ gia đình ở phía đông bắc đất nước cũng bị mất điện và không thể sử dụng điện để sưởi ấm hoặc thắp sáng nhà cửa.
Trung Quốc là nước phụ thuộc vào than để tạo ra hơn một nửa năng lượng, đã chứng kiến kho dự trữ giảm xuống mức thấp kỷ lục. SCMP cho rằng, nguồn cung hiện chỉ đủ để duy trì hoạt động trong hơn hai tuần nữa.
Trung Quốc đã giảm đáng kể lượng tiêu thụ than kể từ năm 2017, cắt giảm tỷ trọng được sử dụng để tạo ra điện từ hơn 80% xuống còn 51,8% vào năm 2019. Năng lượng tái tạo, bao gồm cả gió và mặt trời, đã tạo ra phần lớn sự khác biệt. Nhưng với hơn một nửa tổng lượng điện vẫn được sản xuất bằng than, các máy phát điện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than. Căng thẳng với Úc và giá than tăng vọt những tháng gần đây do nhu cầu tăng cao đã khiến Bắc Kinh khó khăn hơn trong việc sản xuất điện phục vụ sản xuất.
Đồng thời, sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc và sự chậm trễ trong việc nâng cấp hiệu quả ngành năng lượng đã tạo ra một trong những vấn đề hậu cần nghiêm trọng nhất mà Bắc Kinh phải đối phó trong những năm gần đây.
Tình hình nguy cấp hiện nay thúc đẩy Trung Quốc tiến tới việc nhập khẩu điện từ nước ngoài mà Nga có thể là đối tác quan trọng.
Tờ RT thông tin, Bắc Kinh được cho là đã yêu cầu một trong những công ty điện lực lớn nhất của Nga đẩy mạnh xuất khẩu điện sang Trung Quốc sau thất bại do nguồn cung than khan hiếm.
Cụ thể, Tập đoàn năng lượng Inter RAO tiết lộ rằng họ đã nhận được yêu cầu từ các nhà chức trách Trung Quốc để giúp giải tỏa lưới điện quốc gia đang bị trục trặc. Mặc dù chưa có thông tin chi tiết về thỏa thuận tiềm năng, nhưng có thể hiểu rằng công ty, vốn độc quyền về xuất khẩu điện, đang xem xét việc tăng điện áp lên đáng kể để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Inter RAO đã giảm xuất khẩu điện sang Trung Quốc 1,3% xuống còn 3,06 tỷ kilowatt giờ vào năm ngoái và xuống 1,25 tỷ kilowatt giờ trong nửa đầu năm nay, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các đường dây truyền tải của Nga-Trung có khả năng cung cấp tới 7 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm. Tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc trước đó đã kêu gọi nhập khẩu than nhiều hơn từ Nga, Mông Cổ và Indonesia.
Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Nga cho biết họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ Trung Quốc về việc tăng xuất khẩu than.