Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinĐại sứ TQ cảnh báo hệ quả nếu Trung

Đại sứ TQ cảnh báo hệ quả nếu Trung

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo nếu hai nước đối đầu, cả hai bên đều thua, do vậy cần đối thoại và hợp tác để thu hẹp khoảng cách.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương.

Trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh CGTN ngày 2/10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương, người vừa đến Washington nhậm chức cách đây 2 tháng, nói rằng cả hai cường quốc cần nỗ lực nhiều hơn để giúp hai bên hiểu nhau hơn.

“Mối quan hệ Trung – Mỹ hiện nay vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và việc cần làm”, ông Tần Cương nói.

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, trong bối cảnh hai quốc gia đang “tìm kiếm những cách thức mới để hòa hợp”, ưu tiên hàng đầu trong công việc của ông là làm cho quá trình này “ít xung đột, ít xảy ra sự cố bất ngờ nhưng suôn sẻ và dễ đoán định”.

Ông Tần Cương nhắc lại lời kêu gọi hai bên đẩy nhanh nỗ lực đưa mối quan hệ trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt. Ông thừa nhận “sự hiểu lầm” về Trung Quốc vẫn còn lớn, nhưng ông cam kết sẽ tiếp tục liên lạc với những người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau ở Mỹ.

“Thông điệp rõ ràng là, nếu chúng ta hợp tác, cả hai đều có lợi. Nếu chúng ta đối đầu, cả hai bên đều thua”, Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh.

Phát ngôn mang tính hòa giải của Đại sứ Tần Cương được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần qua, sau khi Mỹ từ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với Mạnh Vãn Chu – giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Với động thái này, Mỹ đã dỡ bỏ một trong những rào cản lớn nhất trong quan hệ với Trung Quốc và thúc đẩy hy vọng hợp tác hơn nữa, bất chấp quan hệ song phương vẫn còn một số căng thẳng.

Trong cuộc trao đổi qua điện thoại vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng, việc đưa quan hệ song phương đi đúng hướng không phải là “tùy chọn” mà là điều hai bên “phải làm và phải làm tốt”.

Nhà Trắng vào thời điểm đó cho biết, hai nhà lãnh đạo cũng “thảo luận về trách nhiệm của cả hai quốc gia trong việc đảm bảo cạnh tranh không trở thành xung đột”.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Tổng thống Joe Biden nói rằng, ông không có ý định bắt đầu một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngăn cản nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Cũng trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết “những khác biệt, vướng mắc giữa các quốc gia là khó tránh khỏi và cần được xử lý thông qua đối thoại, hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Mặc dù hy vọng về hợp tác Mỹ – Trung đang tăng lên, song căng thẳng vẫn tồn tại trong quan hệ song phương.

Trung Quốc đã gia tăng chỉ trích đối với AUKUS, liên minh quân sự mới giữa Mỹ, Anh và Australia nhằm cho phép Anh và Mỹ cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Bắc Kinh coi AUKUS là một phần trong chiến lược của Washington nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua mạng lưới đồng minh của Mỹ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc AUKUS “kích động cạnh tranh trong khu vực và dẫn đến trò chơi địa chính trị một mất một còn”.

Hồi tháng 9, lãnh đạo của 4 nước trong nhóm “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản cũng có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ở Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới