Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinTham gia 'Vành đai và Con đường', 165 nước nợ TQ hơn...

Tham gia ‘Vành đai và Con đường’, 165 nước nợ TQ hơn 385 tỷ USD

Một báo cáo mới chỉ ra rằng 165 quốc gia đã phải gánh khoản nợ hơn 385 tỷ USD khi tham gia các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, trong đó 42 nước thu nhập thấp và trung bình có khoản nợ vượt quá 10% GDP.

Báo cáo được thực hiện bởi AidData, trung tâm ghiên cứu phát triển quốc tế của Mỹ có trụ sở tại Đại học William & Mary. AidData đã phân tích 13.427 dự án phát triển của Trung Quốc có tổng trị giá 843 tỷ USD trên 165 quốc gia, trong khoảng thời gian 18 năm tính đến cuối năm 2017.

Theo báo cáo của AidData, Trung Quốc đã cung cấp lượng tài chính kỷ lục cho các nước đang phát triển trong hai thập kỷ qua, hỗ trợ cả các dự án khu vực công và tư nhân. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện chi ít nhất gấp đôi cho phát triển quốc tế so với Mỹ và các cường quốc kinh tế lớn khác, ước tính khoảng 85 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, các khoản chi này thường dưới dạng nợ hơn là viện trợ, và sự mất cân đối này đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Báo cáo cho thấy kể từ khi BRI ra đời, Trung Quốc đã cấp 31 khoản vay cho mỗi 1 khoản tài trợ.

Cũng theo báo cáo, việc cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc đã dịch chuyển đáng kể (gần 70%) từ các khoản vay chính phủ-chính phủ (thời kỳ trước BRI), sang cho vay đối với các tập đoàn, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, các công ty liên doanh hoặc các tổ chức tư nhân của nước tham gia BRI, vốn chịu ít sự kiểm soát hơn.

Việc chuyển các khoản vay nợ từ hình thức chính phủ – chính phủ sang chính phủ – tư nhân là lựa chọn duy nhất để các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ khi tiếp nhận dự án thuộc BRI bởi nhiều chính phủ đã nợ quá sâu và không có khả năng tiếp tục vay nợ.

Báo cáo cho biết phần lớn các khoản nợ này không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình, do đó sự nhập nhằng giữa nợ công và nợ tư này có thể gây ra các thách thức lớn về quản lý tài chính công của những nước đó.

“Chúng tôi ước tính rằng các chính phủ đang báo cáo thiếu các nghĩa vụ trả nợ thực tế và tiềm năng cho Trung Quốc ở mức trung bình tương đương 5,8% GDP”, báo cáo cho hay. AidData ước tính tổng số nợ chưa được báo cáo này xấp xỉ 385 tỷ USD.

Trong đó, tại 42 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, như Lào, Papua New Guinea, Maldives, Brunei, Campuchia, Myanmar, các khoản vay đã vượt 10% GDP.

Trong đó, Lào hiện đang mắc khoản “nợ ngầm” đáng kể. Theo AidData, dự án đường sắt Trung Quốc – Lào hiện được chi hoàn toàn từ các khoản nợ không chính thức tương đương 1/3 GDP.

Báo cáo cho thấy các khoản nợ thường không được liệt kê trong cân đối thu chi chính thức của các chính phủ và không được thông báo cho các tổ chức tín dụng quốc tế như IMF hay World Bank nhưng các tổ chức toàn cầu nhìn chung đã nhận thức được vấn đề này.

“Các khoản nợ này lớn hơn rất nhiều so với ước tính của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức đánh giá tín dụng, các tổ chức quốc tế có chức năng giám sát”, báo cáo của AidData cho biết.

Ra mắt năm 2013, BRI là một dự án đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một mạng lưới phức hợp gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, Châu Phi và Châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nhận định Trung Quốc đang tiến hành “ngoại giao bẫy nợ” thông qua BRI, khiến cho các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ, và nợ đó chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận cáo buộc này.

RELATED ARTICLES

Tin mới