Giống như Việt Nam, Indonesia và một số quốc gia khác trong những năm qua đã không biết bao nhiêu lần lên tiếng phản đối, “quan ngại”, “yêu cầu”, “bác bỏ”… rồi gửi công hàm phản đối đến nhà cầm quyền Bắc Kinh, Philippines có lẽ là “nhà vô địch” trong việc… gửi công hàm.
Theo các nguồn tin từ báo chí Philippines, trong mấy năm qua nước này đã phải gửi tới 158 công hàm đến Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc để lên án và phản đối những hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Philipines. Thế giới không khỏi kinh ngạc trước sự kiên trì của Manila, và kinh ngạc không kém là thái độ thách thức, trơ trẽn của Bắc Kinh.
Hành động ngang ngược và chây ỳ nhất phải kể đến là từ tháng 3/2021 đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua nhưng hàng trăm tàu cá Trung Quốc vẫn neo đậu ở đá Ba Đầu, nơi mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Manila đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng Bắc Kinh chưa một lần phản hồi nghiêm túc. Họ vẫn thanh minh thanh nga rằng, do thời tiết xấu, tàu của chúng tôi tạm thời phải tránh trú. “Thời tiết” chi mà lại bão gió cả mấy tháng ròng như thế? Rõ là lý sự cùn. Cho đến đầu tháng 10, số tàu còn nằm lại ở khu vực đá Ba Đầu vẫn còn 150 cái, theo báo cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines trình lên Hạ viện.
Trước đó, vào tháng 1, khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc được thông qua, cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài, Philippines đã phản đối ngoại giao, gọi luật của Trung Quốc là “dùng lời lẽ đe dọa chiến tranh” với mọi quốc gia.
Mới đây Bộ Ngoại giao Philippines đã buộc lòng gửi thêm ba công hàm nữa tới Trung Quốc. Cụ thể là, hôm 30/9, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr đã yêu cầu Bộ Ngoại giao gửi ba công hàm phản đối các hành động vi phạm pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Locsin yêu cầu rất rõ: Gửi từng công hàm riêng biệt để phản đối “sự hiện diện liên tục” của các tàu cá Trung Quốc ở đá Khúc Giác (Iroquois Reef) thuộc quần đảo Trường Sa.
Một công hàm khác phản đối Trung Quốc đã tìm mọi cách cấm cản ngư dân Philippines đánh bắt hải sản một cách hợp pháp ở Bãi cạn Scarborough – nơi mà nước này có chủ quyền chính đáng.
Công hàm thứ ba phản đối Trung Quốc đã đưa ra các thách thức qua sóng vô tuyến nhằm vào lực lượng tuần duyên của Philippines. Sự việc xảy ra vào tháng 8/ 2021, Bộ Chỉ huy Miền Tây Philipines ở Palawan thông báo, ít nhất 218 lần, máy bay nước này nhận được cảnh báo vô tuyến của Trung Quốc, khi đang tuần tra tại Biển Đông.
Vì sao Trung Quốc bỏ ngoài tai mọi lời phản đối của các nước trong khu vực? Vì sao họ nghênh ngang vứt cả phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào sọt rác? Vì sao Philippines lại kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao mang nặng tính hành chính như thế? Đó là những câu hỏi đã được trả lời ở nhiều phương diện. Nhưng có một điều cốt lõi là: Trung Quốc ỷ thế nước lớn để bắt nạt các nước nhỏ. Họ cậy mình là nền kinh tế lớn thứ hai thế thế giới, có sức mạnh kinh tế, quân sự hàng đầu châu Á, có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất châu Á, từ đó muốn làm mưa làm gió trên Biển Đông.
Riêng đối với Philippines, về tương quan lực lượng, Phi yếu thế hơn hẳn Tàu. Lực lượng hải quân của Philippines thuộc hàng yếu nhất trong khu vực. Còn không quân thì không đủ năng lực tuần tra và giám sát vùng lãnh hải rộng lớn.
Cách đây hơn 10 năm, sau vài tháng nhậm chức Tổng thống, ông Benigno Aquino III đã thách thức Trung Quốc ở Biển Đông với các động thái như chuyển trọng tâm của Lực lượng Vũ trang Philippines từ chỗ tập trung vào an ninh nội địa chuyển sang phòng vệ bên ngoài, vận động sự ủng hộ ngoại giao và quân sự từ Mỹ để đối trọng Trung Quốc.
Chính sách cứng rắn này của Manila dẫn đến tình trạng xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ Trung Quốc – Philippines. Thay vì tìm cách làm cho Trung Quốc bớt làm càn, Manila trở nên thụ động, phải tìm cách tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp.
Đến Tổng thống sắp mãn niệm Duterter, ông này nổi tiếng là hữu khuynh, khi tuyên bố hùng hồn phải “chiến đấu” đến cùng không để mất một hòn sỏi trên các đảo, khi lại vuốt ve, coi Trung Quốc là ân nhân. Có những lúc Tổng thống cấm đoán các quan chức trong nội các nhắc đến vấn đề Biển Đông, sợ động đến “Thiên triều”. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nhiều khi tréo ngoe quan điểm. Lại nữa, một Tổng thống sớm nắng chiều mưa như thế thì cái đống công hàm của Manila gửi đi có tác dụng gì?
Biết rất rõ hành động sai trái của mình, nhưng Trung Quốc lại khôn khéo đánh lừa dư luận quốc tế, thúc đẩy ngoại giao kinh tế, gần đây là ngoại giao vắc-xin. Nước này cũng tích cực đầu tư cho bộ máy tuyên truyền, hành động tỏ ra là buộc phải “tự vệ” khi bị các nước khác, nhất là Mỹ ức hiếp (!). Động thái này nhằm tránh phản ứng gay gắt của dư luận thế giới và không tạo ra phản ứng lớn từ các cường quốc.
Đối với Philippines, Việt Nam, thậm chí là Đài Loan, Trung Quốc luôn dùng phép “nhử địch” ra khiêu chiến. Làm thế để quân đội nước này không phải là bên tấn công trước. Họ cũng sử dụng lực lượng dân sự trong hành pháp hàng hải, không dùng hải quân. Ngay như việc đưa tàu đến bãi cạn Scarborough, Trung Quốc cũng tuyên bố đó là hành động “đưa tàu đến hỗ trợ người dân rút đi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”(!).
Thật là những luận điệu dối trá, lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác. Và Philippines cũng như các nước trong khu vực buộc phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Bởi im lặng là thua, là chấp nhận. Bắc Kinh sẽ được thể lấn tới mạnh mẽ hơn. Cho nên con số 158 công hàm cộng 3 chắc chắn sẽ phải cộng thêm nhiều nữa.