Việc Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo khai trừ đảng, sa thải, chuyển cơ quan pháp luật truy tố và đình chức để điều tra hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đang gây rúng động dư luận nước này
Ông Phó Chính Hoa, Ủy viên TW, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội và pháp luật, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc bị điều tra
Đêm khuya ngày 1/10, Bộ Công an Trung Quốc ra thông báo: ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), Bí thư Đảng ủy kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, đã chủ trì Hội nghị Đảng ủy mở rộng vào cùng ngày để thông báo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước (UBKTKLTW) về việc khai trừ đảng và công chức cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân (Sun Lijun). Hội nghị chỉ ra rằng những hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng của Tôn Lực Quân là “đáng kinh ngạc và ghê tởm”.
Ông Triệu Khắc Chí nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 1/10 rằng “Các vấn đề vi phạm kỷ luật pháp luật trong đội ngũ công an, dù liên quan đến ai, đều phải bị phát hiện và xử lý nghiêm. Không bao giờ được nương tay, dung túng, kiên quyết loại bỏ loại ngựa phản đàn”.
Bản thông báo kỷ luật Tôn Lực Quân với ngôn từ mạnh mẽ khác thường
Bản thông báo của UBKTKLTW chỉ trích Tôn Lực Quân với những ngôn từ gay gắt: “chưa bao giờ thực sự có lý tưởng và niềm tin; có tham vọng chính trị rất lớn, phẩm chất chính trị cực kỳ xấu xa, quan điểm về quyền lực và thành tích chính trị cực kỳ lệch lạc; không chỉ tùy tiện bàn luận về các phương châm chính sách lớn của Trung ương Đảng, còn ngụy tạo và lan truyền các tin đồn chính trị, ngoài thuận trong nghịch, dối trên lừa dưới. Để có được vốn liếng chính trị và đạt được các mục tiêu chính trị cá nhân, Tôn Lực Quân đã không từ mọi thủ đoạn, thao túng quyền lực, kéo bè kết phái trong đảng, vun đắp quyền lực cá nhân, hình thành nhóm lợi ích, thành lập các nhóm để kiểm soát các bộ phận chủ chốt; kiêu ngạo độc đoán, ngông cuồng ngạo mạn, đặc quyền đặc lợi; xa rời chức trách trong tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19; tham gia các hoạt động mê tín trong suốt thời gian dài, thậm chí chiếm giữ cất giấu riêng tư số lượng lớn tài liệu bí mật; sử dụng các phương pháp điều tra của công an để đối kháng công tác thẩm tra của tổ chức”.
Thông báo cũng cáo buộc Tôn Lực Quân “ra sức bán chức tước, cài cắm thân tín, phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái chính trị của hệ thống chính pháp công an; có lối sống sa đọa trụy lạc, đã nhận số lượng lớn đồ vật có giá trị trong một thời gian dài; nhận lời mời tiệc tùng và hoạt động tiêu dùng cao cấp ảnh hưởng đến việc thực thi công bằng công vụ trong thời gian dài; sắp xếp cho các chủ doanh nghiệp tư nhân thuê sử dụng văn phòng cao cấp trong thời gian dài; chìm đắm trong sự sa đọa hưởng lạc, không giữ ranh giới đạo đức, tham gia đổi quyền lấy sắc, đổi tiền lấy sắc; cực kỳ tham lam, ra sức đổi quyền lấy tiền, nhận bất hợp pháp số lượng tài sản khổng lồ”.
Giới phân tích nhận xét, Tôn Lực Quân sau khi bị bãi chức 17 tháng mới bị khai trừ và chuyển hồ sơ truy tố; từ ngữ sử dụng trong thông báo cực kỳ nghiêm khắc hiếm thấy. Có ý kiến chỉ ra rằng Tôn Lực Quân đã phạm hai trọng tội: thứ nhất, “bí mật chiếm giữ cất giấu một lượng lớn tài liệu mật”; thứ hai, liên quan đến âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình.
Về tội thứ nhất, có tin Tôn Lực Quân đã chiếm đoạt, cất giấu, chuyển bằng chứng về SARS-CoV-2 cho vợ ở Australia và bị cơ quan tình báo nước này chặn bắt, dẫn đến việc phía Australia đòi Trung Quốc bồi thường vì dịch bệnh và tuyên bố công khai yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về SARS-CoV-2.
Về tội thứ hai, trang mạng NetEase vào ngày 14 /9 đã đăng một bài vạch trần âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Trung Quốc, đề cập đến La Văn Tiến, Tổng đội trưởng Cảnh sát Hình sự thuộc Sở Công an tỉnh Giang Tô, cùng đồng hương người Hồ Bắc là cựu giám đốc Sở công an thành phố Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm “lên kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo tại lễ tưởng niệm ở Nam Kinh”. Tuy tên của nhà lãnh đạo không được đề cập trong bài báo, nhưng bên ngoài suy đoán rằng mục tiêu ám sát có thể là ông Tập Cận Bình.
Có nguồn tin cho biết, qua điều tra cho thấy Tôn Lực Quân có liên đới đến vụ việc nghiêm trọng này.
Theo tư liệu chính thức, Tôn Lực Quân sinh năm 1969, tốt nghiệp khoa Anh Văn Học viện Ngoại ngữ Thượng Hải, Thạc sĩ chuyên ngành quản lý đô thị và Y tế công ở Đại học New South Wales, Australia. Trong Bộ Công an, Tôn Lực Quân là Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục 1 phụ trách An ninh nội bộ và Bảo vệ Chính trị có quyền lực lớn hơn cả Cục An ninh Quốc gia. Trách nhiệm thu thập thông tin tình báo, tôn giáo dân tộc, chống phá hoại lật đổ và tổ chức ở nước ngoài đều do Cục 1 kiểm soát…
Ủy viên Trung ương Phó Chính Hoa bất ngờ bị điều tra
Trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát quốc gia của Trung Quốc ngày 2/10 đăng thông báo: “Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội và Pháp luật của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc (CPPCC), đang bị xem xét kỷ luật và giám sát, điều tra vì bị tình nghi vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”.
Phó Chính Hoa là một nhân vật rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Khi làm Giám đốc Sở Công an thành phố Bắc Kinh vào năm 2010, ông ta đã trở nên nổi tiếng vì cho dẹp bỏ hộp đêm “Thiên thượng nhân gian” (hay “Heaven on Earth” – Thiên đường nơi hạ giới) nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Phó Chính Hoa bị điều tra lần này, được cho là có liên quan đến vụ Tôn Lực Quân, nguyên thứ trưởng Bộ Công an vừa bị khai trừ đảng, cách chức, chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát truy tố trước đó hai ngày.
Phó Chính Hoa năm nay 66 tuổi, mới xuất hiện trước công chúng lần cuối từ ngày 15 đến 17/9 cách đây nửa tháng. Thời điểm đó, ông Trần Hiểu Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc CPPCC dẫn đầu một nhóm nghiên cứu của Ủy ban Các vấn đề Xã hội và Pháp luật về Trùng Khánh để điều tra, Phó Chính Hoa cũng tham gia.
Theo báo Thanh niên Trung Quốc, Phó Chính Hoa khởi đầu là một điều tra viên bình thường của Sở Công an thành phố Bắc Kinh, đã tham gia điều tra và khám phá nhiều vụ án quan trọng, phức tạp như vụ cướp xe chở tiền năm 1996, “vụ án Bạch Bảo Sơn 1997” (tù vượt ngục Bạch Bảo Sơn hận thù xã hội, sau khi giết 2 bạn tù, trốn ra ngoài cướp súng giết 5 cảnh sát và bắn bị thương 8 người khác, bị bắt khi lẩn trốn ở Tân Cương rồi bị tử hình), “Vụ tấn công cảnh sát ở Môn Đầu Câu”, “Vụ án Hoàng Quang Dụ – người giàu nhất Trung Quốc”… Tháng 2/2010, ông ta trở thành bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Sở Công an thành phố Bắc Kinh.
Sau khi được bổ nhiệm, Phó Chính Hoa tuyên thệ sẽ điều hành ngành theo “Ba điều bất kỳ”: Bất kỳ ai rò rỉ thông tin cho tội phạm đều sẽ bị sa thải; bất kỳ ai tiết lộ bí mật của cảnh sát, xử lý án bất hợp pháp hoặc xử lý các vụ án theo tình cảm riêng sẽ bị kỷ luật đến mức sa thải; bất kỳ ai nghe ngóng vụ việc, nhờ vả chạy chọt, nhận lời mời ăn nhậu hoặc nhận của biếu, sẽ bị xử lý kỷ luật tùy theo hoàn cảnh đến mức sa thải.
Đối với Phó Chính Hoa, ấn tượng của ông ta đối với mọi người là không hút thuốc, không uống rượu, không ca hát và sở thích lớn nhất của anh ấy là đọc sách.
Sau đó, vào ngày 11/5/2010, bốn địa điểm ăn chơi khét tiếng ở Bắc Kinh, là “Thiên thượng nhân gian”, “Danh môn dạ yến”, “Hoa Đô”, và “Khải Phú Quốc tế” đã bị Phó Chính Hoa ra lệnh niêm phong và đóng cửa. Tháng 7 cùng năm, ông ta trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Sở Công an Thành phố.
“Thiên thượng nhân gian” được mệnh danh là “nơi thi chọn mỹ nhân hàng đầu Bắc Kinh” vào thời điểm đó, là biểu tượng cho quyền lực và địa vị ở Bắc Kinh, đồng thời có một bối cảnh chính trị vững chắc. Hộp đêm “Thiên thượng nhân gian” cũng bao gồm hộp đêm “Diamond Era” ở Trung tâm Hoạt động Phụ nữ Bắc Kinh và hộp đêm “Heaven and Earth” trong khách sạn Pavilion ở Thâm Quyến. Vào thời điểm đó, mỗi khi cảnh sát Trung Quốc phát động chiến dịch truy quét chống tệ nạn, trong ngành luôn có người thách thức: “Nếu giỏi, hãy kiểm tra Thiên thượng nhân gian?”.
Phó Chính Hoa được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công an vào tháng 8/2013, và được giao chịu trách nhiệm điều tra vụ án “đại Hổ” Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó ông ta được thăng chức Thứ trưởng thường trực Bộ Công an vào tháng 5/2016, được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tư pháp vào tháng 3/2018 và được bầu là Ủy viên Trung ương tại Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19.
Nhưng tháng 4/2020, sau khi Tôn Lực Quân, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc bị điều tra, Phó Chính Hoa cũng đột ngột thôi chức Bộ trưởng Tư pháp vì lý do tuổi tác và chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội và pháp luật của CPPCC, gây nên các đồn đoán. Sau khi Tôn Lực Quân bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – Ủy ban Giám sát quốc gia (UBKTKLTW) công bố khai trừ đảng và sa thải công chức hai ngày trước, Phó Chính Hoa ngay lập tức bị đình chức để điều tra, càng khiến người ta liên tưởng về sự liên quan giữa hai vụ việc.
Việc bất ngờ điều tra Phó Chính Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội và Pháp luật của Hội nghị Chính Hiệp, là một sự kiện quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Vụ việc liên quan của Phó Chính Hoa vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ, các ảnh hưởng tiếp theo vẫn cần được quan sát.
Trang tin Dwnews ngày 4/10 đưa tin, vào đêm 2/10, khi thông báo điều tra Phó Chính Hoa được công bố, Bộ Tư pháp Trung Quốc, nơi ông từng phục vụ, đã tổ chức họp Hội nghị đảng ủy mở rộng khẩn cấp để truyền đạt quyết định của trung ương. Hội nghị đã đạt được sự nhất trí rằng cuộc điều tra của trung ương đối với Phó Chính Hoa là thể hiện “thái độ kiên quyết chống tham nhũng không có vùng cấm, phạm vi bao trùm và không khoan nhượng”. Thông tin được tiết lộ trong cụm từ cho thấy Phó Chính Hoa ít nhất có hành vi tham nhũng.
Hội nghị cũng tuyên bố rằng “phải kiên quyết loại bỏ ảnh hưởng độc hại. Cần phải coi loại bỏ ảnh hưởng độc hại của Phó Chính Hoa như một phần quan trọng của việc nghiên cứu và giáo dục lịch sử đảng cũng như việc chấn chỉnh giáo dục đội ngũ”.
Theo thống kê, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017 đến nay, ít nhất 8 quan chức cấp cao cùng hơn 150 cán bộ cấp sở, cục trong hệ thống chính trị và pháp luật Trung Quốc đã bị loại bỏ.
Riêng trong năm 2020, trong hệ thống chính trị và pháp luật đã có Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân, Giám đốc Công an Thượng Hải Củng Đạo An, Giám đốc Công an Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh ủy Giang Tô Vương Lập Khoa, cựu Thứ trưởng CA, Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa bị điều tra. Nếu tính ngược trở lại từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012, đã có 5 cựu và thứ trưởng Bộ Công an đương chức là Lý Đông Sinh, Dương Hoán Ninh, Mạnh Hồng Vĩ, Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa bị ngã ngựa.
Với việc Tôn Lực Quân bị khai trừ và truy tố, Phó Chính Hoa bị điều tra, có ý kiến cho rằng sắp tới có thể sẽ có một nhân vật cỡ bự hơn bị quật ngã.