Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngTham vọng tăng sức mạnh tàu sân bay của TQ

Tham vọng tăng sức mạnh tàu sân bay của TQ

Việc Trung Quốc sắp triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31 cho tàu sân bay có thể ẩn chứa bước tiếp theo trong tham vọng tàu sân bay của nước này.

Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Tôn Thông, kỹ sư trưởng về thiết kế dòng chiến đấu cơ J-15 và dòng FC-31 của Trung Quốc, cho hay trong năm nay, nhiều khả năng nước này sẽ công bố dòng máy bay mới dành cho tàu sân bay. Cụ thể, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31 sẽ được hướng đến thay thế J-15 để trang bị cho các tàu sân bay của Trung Quốc.

Tham vọng của Bắc Kinh

Hơn 10 năm qua, Bắc Kinh đang đẩy nhanh chương trình tàu sân bay để tăng cả về số lượng hàng không mẫu hạm lẫn năng lực tác chiến với loại chiến hạm này. Nhận xét khi trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích của nước này ở nước ngoài”. “Yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương”, ông phân tích thêm.

Trung Quốc sắp tăng sức mạnh tàu sân bay? - ảnh 1

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc

Reuters

Đến nay, Bắc Kinh chính thức sở hữu 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Tuy nhiên, theo nhận xét của TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) thì: “Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc có lẽ sẽ sớm được chính thức hóa việc chỉ đóng vai trò là tàu huấn luyện”.

Không những vậy, năng lực tác chiến của tàu sân bay Sơn Đông lẫn Liêu Ninh vẫn bị giới hạn rất nhiều, do chiến đấu cơ J-15 quá nặng khi tổng trọng lượng cất cánh lên đến 33 tấn. Chính vì thế, việc trang bị chiến đấu cơ FC-31 phần nào giúp giải quyết khó khăn trên, bởi dòng tiêm kích này có tổng trọng lượng cất cánh giảm còn 28 tấn.

Ngoài ra, Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển tàu đổ bộ tấn công Type 075 với kế hoạch sẽ đóng 8 chiếc, trong đó có 2 chiếc đã hoàn thiện.

Type 075 có độ choán nước 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9. Như truyền thông Trung Quốc từng tiết lộ, nước này đang phát triển phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của dòng FC-31, hay còn gọi là J-31, để trang bị cho các tàu đổ bộ Type 075.

Nếu được trang bị FC-31 phiên bản STOVL, tàu Type 075 có thể trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp. Khi đó, năng lực tổ chức tác chiến của tàu Type 075 sẽ tăng lên mức độ mới và Bắc Kinh có thể sớm sở hữu thêm tàu sân bay.

Những thách thức nan giải

Tuy nhiên, để thực sự đạt được các mục tiêu trên, Trung Quốc phải giải quyết nhiều khó khăn. Đầu tiên vẫn là trọng lượng cất cánh tối đa của FC-31. Dù nhẹ hơn J-15 nhưng FC-31 vẫn có tổng trọng lượng cất cánh tối đa đến 28 tấn. Khi máy bay có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh quá lớn thì sẽ gặp nhiều hạn chế về cất hạ cánh, số vũ khí mang theo và tầm chiến đấu.

So sánh với các tàu sân bay lớp Nimitz và lớp Ford của Mỹ thì đang sử dụng chủ yếu là dòng chiến đấu cơ F/A-18 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh là 23 tấn. Trong khi đó, không chỉ ngắn và nhỏ hơn các tàu sân bay Mỹ hiện tại, các tàu sân bay Trung Quốc cũng không được trang bị bộ phóng máy bay như đối thủ.

Hay so sánh với tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant có kích thước gần tương đương tàu Liêu Ninh và cũng không có bộ phóng máy bay, thì loại chiến đấu cơ mà Ấn Độ dùng kèm theo là Mig 29 có tổng trọng lượng khi cất cánh chỉ 18 tấn.

Đối với tàu đổ bộ tấn công Type 075, nếu trang bị FC-31 thì khả năng phải nâng cấp phần sàn tàu bởi thiết kế ban đầu của dòng chiến hạm này không phải là tàu sân bay. Bên cạnh đó, ngay cả khi Trung Quốc hoàn thiện dòng FC-31 thì để phát triển thêm phiên bản STOVL cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, đường băng trên Type 075 ngắn hơn các loại tàu sân bay tiêu chuẩn, nên đòi hỏi phải trải qua quá trình đào tạo phi công đầy khó khăn để có thể cất, hạ cánh máy bay trên loại chiến hạm này.

Bị Nhật Bản vượt mặt

Theo chuyên trang USNI News, từ ngày 3 – 7.10, thủy quân lục chiến Mỹ hỗ trợ lực lượng phòng vệ Nhật Bản thử nghiệm triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 trên tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo.

Thuộc lớp Izumo có thiết kế tương tự Type 075, 2 tàu JS Izumo và JS Kaga đang được nâng cấp để có thể mang theo F-35 để triển khai tác chiến. Theo kế hoạch, quá trình nâng cấp của JS Kaga sẽ hoàn thành trong năm 2022 và JS Izumo là vào năm 2025. Với nhiều kinh nghiệm triển khai F-35 trên các tàu lớp America và lớp Wasp, Mỹ hỗ trợ Nhật sẽ giúp cho Tokyo thuận lợi hơn trong kế hoạch triển khai chiến đấu cơ trên các tàu lớp Izumo. Chính vì thế, gần như chắc chắn Nhật Bản sẽ vượt mặt Trung Quốc trong việc sở hữu năng lực tác chiến tàu sân bay với chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình.

Mỹ quan ngại việc Trung Quốc đưa máy bay vào ADIZ Đài Loan

Reuters ngày 3.10 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng hành động quân sự gần Đài Loan.

Các phát ngôn này được đưa ra sau khi Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 3.10 thông báo tổng cộng 39 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này trong ngày 2.10. Trước đó một ngày, Trung Quốc cũng điều 38 máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan. Hầu hết là chiến đấu cơ J-16, Su-30 và còn lại là máy bay săn ngầm và máy bay cảnh báo sớm. Trong 2 đợt, máy bay Trung Quốc bay gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Đài Loan đã triển khai chiến đấu cơ để cảnh báo và kích hoạt hệ thống tên lửa phòng không trên mặt đất để theo dõi.

RELATED ARTICLES

Tin mới