Trung Quốc đang “đói” than trong khi Australia có rất nhiều nhiên liệu hóa thạch này. Tuy nhiên, hai nước chẳng thể mua bán như những gì họ từng làm trong quá khứ.
Theo Ngân hàng Nhật Bản Mizhuo, Trung Quốc cần tăng cường nguồn cung than để tránh suy giảm kinh tế trong quý này. Tuy nhiên, mối quan hệ bằng giá của Bắc Kinh với Australia có thể gây khó khăn cho mục tiêu này.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do sự kết hợp của các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu tăng cao với hàng hóa xuất khẩu do Trung Quốc sản xuất cũng như nỗ lực của chính nước này trong mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon. Trong khi đó, phần lớn điện năng của Trung Quốc được tạo ra từ than đá. Hiện tại, lượng tồn kho trong các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm.
“Rõ ràng, Trung Quốc cần rất nhiều than đá để có thể ngăn chặn sự suy giảm trong quý 4 (thông qua việc hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện). Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng với Australia khiến Bắc Kinh gặp khó trong mục tiêu này. Quốc gia châu Đại dương là nhà cung ứng than thuận tiện và ổn định nhất cho Trung Quốc”, Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á của Mizuho, cho hay.
Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Australia, nguồn cung than lớn nhất của mình. Căng thẳng thương mại leo thang sau khi Australia ủng hộ lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về cách Trung Quốc xử lý virus Sars-CoV-2. Nhằm thay thế Australia, Trung Quốc tìm tới Indonesia, Mông Cổ, Nga và các nước khác để bù đắp nguồn cung than.
Năm ngoái, các báo cáo cho biết Indonesia đã ký một thỏa thuận cung cấp than trị giá 1,5 tỷ USD cho Trung Quốc. Indonesia dường như có nhiều điểm thuận lợi trong việc cấp than cho Trung Quốc nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc trong ngắn hạn.
“Trung Quốc đối mặt với rủi ro trong việc đẩy nhanh lượng than họ mua, dẫn tới áp lực với khâu hậu cần và vướng mắc trong các quy định. Điều đó ngụ ý rằng hoạt động kinh tế bị đình trệ và những sai sót trong chuỗi cung ứng là hoàn toàn không thể tránh được”, Varathan nói.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng điện. Nhiều nhà quan sát tỏ ra lo lắng về “một cú sốc năng lượng ở mức độ đáng kể” với nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tăng giá hàng hóa xuất khẩu và nó dẫn đến lạm phát tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển.
Trong khi đó, thiếu điện sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái do các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc gây ra.
“Các ngành sử dụng nhiều năng lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi kế hoạch phân phối điện của Bắc Kinh. Theo đó, những khu vực đang bị “cắt điện luân phiên” đóng góp tới 14% GDP của Trung Quốc. Đây đều là các tỉnh mạnh về công nghiệp và sản xuất của Trung Quốc.
Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về khả năng nước này tái nhập than của Australia. Tuần trước, các công ty Ấn Độ đã mua lại 2 triệu tấn than của Australia đang bị tồn trong các nhà kho (tại bến cảng) ở Trung Quốc. Thậm chí, những tấn than này còn được mua với giá chiết khấu.
Về phần mình, Australia cũng tăng cường tìm kiếm khách hàng khác trong bối cảnh căng thẳng thương mại khiến Trung Quốc từ chối nhập than của họ. Những tàu chở than không thể tới Trung Quốc cũng đã chuyển hướng tới các đích đến khác nhằm thay thế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.