Ngày 24/9 Bộ tứ đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên. Sau cuộc gặp, các bên đã ra Tuyên bố chung.
Tuyên bố chung của Bộ tứ
Trong những năm gần đây, cơ chế Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ tứ), và khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở làm nền tảng cho cơ chế này, đã có động lực thúc đẩy để phản ứng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.
Mới đây, ngày 24/9 Bộ tứ đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên. Sau cuộc gặp, các bên đã ra Tuyên bố chung.
Tuyên bố chung của cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ không chỉ cho thấy sức mạnh của nhóm đã được củng cố mà còn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc để chống lại cách tiếp cận bành trướng và cưỡng ép của họ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các khía cạnh quan trọng trong Tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ đều rất đáng chú ý.
Đầu tiên, tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và “không bị ép buộc”. Mặc dù Trung Quốc không được nhắc tới, nhưng các thông tin truyền thông thường dẫn lời các chuyên gia để nhấn mạnh sự ám chỉ tới Trung Quốc.
Thứ hai, tuyên bố chỉ ra rằng các quốc gia “đứng về pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”. Các nước thành viên của Nhóm Bộ tứ quyết tâm tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), để đối phó với các thách thức đối với trật tự dựa trên quy tắc hàng hải, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhóm Bộ tứ cũng khẳng định hỗ trợ các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là các quốc đảo ở Thái Bình Dương, nhằm tăng cường khả năng phục hồi về kinh tế và môi trường của họ.
Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ được quan tâm nhiều hơn. Nhóm Bộ tứ đã công bố một số hiệp ước mới, bao gồm một hiệp ước để tăng cường bảo mật chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn. Nhóm cũng triển khai quan hệ đối tác 5G và quyết tâm làm việc cùng nhau để tạo thuận lợi cho hợp tác công tư và chứng minh khả năng mở rộng và đảm bảo an ninh mạng.
Thứ tư, tuyên bố chung ghi nhận “sự hợp tác mở rộng” giữa 4 quốc gia.
Thứ năm, nhóm Bộ tứ cho thấy rõ ý định lôi kéo các nước khác tham gia vào việc đạt được mục tiêu của họ. Trong khi tái khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sự hội tụ với Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhóm Bộ tứ cũng hoan nghênh chiến lược của EU đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào tháng 9/2021.
Thứ sáu, Nhóm Bộ tứ quyết định thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hỗ trợ Mạng lưới Điểm Xanh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hỗ trợ công khai, công bằng và minh bạch phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đối với các quốc gia chủ nợ lớn, bao gồm cả về tính bền vững và trách nhiệm giải trình nợ, đồng thời kêu gọi tất cả các chủ nợ tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn này. Điều này sẽ giúp chống lại chính sách bẫy nợ của Trung Quốc dưới vỏ bọc của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Tất cả những điều trên cho thấy các nước trong nhóm Bộ tứ đang hợp tác chặt chẽ để chống lại các xu hướng tiêu cực như cưỡng ép và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, đồng thời quyết tâm duy trì pháp quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, nhóm Bộ tứ đã có nền tảng vững chắc hơn và đã cụ thể hóa các kế hoạch thay vì đề cập đến chúng một cách chung chung.
Tuy nhiên, thay vì nhận ra rằng các hành vi quấy rối các quốc gia nhỏ hơn và chính sách bành trướng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của họ, Trung Quốc lại đang tiếp tục các hoạt động vi phạm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã gọi nhóm Bộ tứ là một NATO phiên bản châu Á hay một nhóm chống Trung Quốc.
Không chỉ Bộ tứ mà Liên minh AUKUS mới thành lập gần đây cũng bị Trung Quốc liệt vào như là NATO châu Á để chống Trung Quốc.
Mặc dù AUKUS không có liên hệ với nhóm Bộ tứ, nhưng các liên minh như vậy nhất định sẽ phát triển để chống lại các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc.
Cuộc họp của lãnh đạo Bộ tứ ở Nhà Trắng hôm 24/9/2021. AP
Đông Nam Á đón nhận về Bộ tứ ra sao?
Bộ tứ đã tìm cách thu hút được sự chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, bằng cách nhấn mạnh chức năng hoạt động và lợi ích hữu hình, chẳng hạn như phân phối vắc-xin ngừa COVID-19, biến đổi khí hậu và các công nghệ mới nổi.
Ở Đông Nam Á, không thể xác định được một hình ảnh rõ ràng, nhất quán và gắn kết về Bộ tứ. Một số nước dường như hoài nghi về nhóm này, trong khi một số nước khác phần nào hoan nghênh. Trong cuộc khảo sát Hiện trạng Đông Nam Á năm 2021, chưa đến một nửa số người được hỏi cho rằng Bộ tứ có đóng góp tích cực hoặc rất tích cực cho an ninh khu vực (1). Trong một cuộc khảo sát khác do Viện chính sách chiến lược Australia tiến hành, gần 40% số người được hỏi cho rằng Bộ tứ mang nhiều giá trị ngoại giao và biểu tượng hơn là một sáng kiến trọng yếu đối với khu vực (2). Sự mâu thuẫn chung này phần nào là do ASEAN quan ngại rằng Bộ tứ sẽ làm suy yếu các thể chế đa phương do ASEAN dẫn dắt. Có thể nói, bằng việc công bố Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019, ASEAN đã tìm cách “đóng dấu thông qua” các khái niệm đang phát triển về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – cụ thể là đưa khu vực vào một khuôn khổ địa lý với trọng tâm là những khái niệm cụ thể như an ninh hàng hải và tính kết nối, thay vì đưa khu vực vào một khuôn khổ địa chính trị nhằm chống lại Trung Quốc.
Việt Nam cần hợp tác với Bộ tứ
Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Bộ tứ đã có lần ngỏ ý mời Việt Nam tham gia như một “thành viên mở rộng”.
Nếu Việt Nam tham gia Bộ tứ, đây sẽ là cơ hội tốt cho cả Việt Nam và Bộ tứ để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với nhiều đối tác (FTAs). Tuy nhiên, do thiếu liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong định hướng xuất khẩu, chất lượng lao động thấp và một số lý do khác, Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, đây chính là cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi vì sự phụ thuộc về kinh tế cũng sẽ dẫn đến những phụ thuộc về chính trị và chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành vi hung hăng trên biển Đông, đe doạ các quốc gia khác, mà Việt Nam là một trong số đó.