Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngẤn Độ điều tàu chiến đến Biển Đông, đẩy mạnh chính sách...

Ấn Độ điều tàu chiến đến Biển Đông, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông

Ngày 02/8/2021, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo nước này điều lực lượng đặc nhiệm gồm 4 tàu chiến tới Biển Đông trong một hoạt động triển khai kéo dài 2 tháng, trong đó bao gồm nhiều cuộc tập trận với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Lực lượng đặc nhiệm trên gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ranvijay, tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường Shivalik, tàu hộ tống chống ngầm Kadmatt và tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường Kora.

Việc Ấn Độ triển khai 4 tàu chiến đến Biển Đông đang khiến dư luận quan tâm

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thêm rằng trong các cuộc tập trận song phương khác cũng thuộc đợt triển khai này, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ phối hợp với các đơn vị hàng hải của các nước ven Biển Đông, trong đó có Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ: “Các sáng kiến hàng hải này sẽ tăng cường sức mạnh tổng hợp và sự điều phối giữa hải quân Ấn Độ với các nước bạn bè, dựa trên các lợi ích hàng hải chung và bổn phận đối với tự do đi lại trên biển”.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến của Ấn Độ đến Biển Đông mà đã có nhiều hoạt động như thăm các cảng của các nước ven Biển Đông, tuy nhiên, lần này có những điểm khác biệt vì một số lý do sau đây:

Thứ nhất, trong bối cảnh môi trường quốc tế đã thay đổi đáng kể sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Ấn Độ bắt đầu đưa ra các khái niệm địa chính trị mới. Khía cạnh kinh tế và ngoại giao trong chiến lược của New Delhi bắt đầu với chính sách “Hướng Đông” của Thủ tướng Ấn Độ P.V. Narasimha Rao vào năm 1991. Trọng tâm của chính sách “Hướng Đông” là nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế và chiến lược với Đông Nam Á. Điều này thể hiện một sự thay đổi rõ rệt trong triển vọng toàn cầu của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh và được coi là một thành phần quan trọng trong quyết định của Ấn Độ mở cửa nền kinh tế và tận dụng lợi thế của khu vực Đông Á năng động.

Trận động đất sóng thần kinh hoàng ngày 26/12/2004, khiến khoảng 225.000 người thiệt mạng ở Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan và Ấn Độ. Theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush, Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã thành lập một liên minh để cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những nước bị ảnh hưởng. Mặc dù liên minh này chỉ kéo dài một tuần, nhưng nó đã hình thành nền tảng khái niệm về một nhóm “Bộ Tứ” (Quad). Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với nòng cốt là nhóm “Bộ Tứ” từng bước được hình thành và được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nêu ở Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại Đà Nẵng Việt Nam. Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ trở thành một phần của chiến lược này, tạo điều kiện cho Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “Hướng Đông” để tham gia vào cuộc chơi ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Thứ hai, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt trọng tâm vào hình thành và triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình, coi đây là nền tảng chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Chính quyền Biden đã hoan nghênh sự hiện diện của các đồng minh và đối tác dân chủ tại khu vực, đồng thời nỗ lực đối phó Bắc Kinh. Ấn Độ là một mắt xích quan trọng hàng đầu trong chính sách của Washington ở khu vực, do vậy chỉ trong vòng hơn nửa năm cầm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã cử 2 quan chức đứng đầu ngành Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ lần lượt tới thăm Ấn Độ (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ấn Độ cuối tháng 3/2021, chỉ 2 tháng sau khi ông Biden nhậm chức; Ngoại trưởng Mỹ Blinken thăm Ấn Độ cuối tháng 7/2021). Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Biden và Ngoại trưởng Mỹ Blinken còn tham gia các cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng và Ngoại trưởng Ấn Độ trong khuôn khổ của nhóm “Bộ Tứ”.  

Những hoạt động ngoại giao dồn dập của Mỹ vừa qua là nhằm kéo Ấn Độ tham gia kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực mà trước hết là ở Biển Đông. Phát biểu trong chuyến thăm Singapore vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác được tăng cường: “Tôi đặc biệt cảm thấy khích lệ khi chứng kiến những người bạn của chúng ta đang xây dựng các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với nhau, qua đó củng cố thêm các mối quan hệ đối tác của chúng ta nhằm loại bỏ các hành vi hung hăng trong khu vực”. Dường như, Tuyên bố của Ấn Độ về đợt triển khai 4 tàu chiến nói trên tới Biển Đông và Tây Thái Bình Dương nhằm hưởng ứng tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc.

Thứ ba, sự trỗi dậy mạnh mẽ và sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông hay eo biển Đài Loan, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung – đã kích hoạt một số động thái chính sách của các quốc gia. Để cân bằng sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Washington và Tokyo đã chủ động tăng cường hợp tác phối hợp với New Delhi nhằm tạo ra một mặt trận chung kiềm chế, ngăn chặn bành trướng của Bắc Kinh trên biển, trước hết là ở Biển Đông.

Trên thực tế, Ấn Độ không phải là một nước đóng vai trò quan trọng về kinh tế hoặc quân sự ở phía Đông eo biển Malacca. Nhưng ở phía Tây của eo biển này, vị trí địa lý của Ấn Độ khiến nước này trở thành “điểm neo chính” cho bất kỳ chiến lược nào liên kết Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Ấn Độ có chung biên giới trên biển và trên bộ với 4 trong số 10 quốc gia ASEAN. Ấn Độ cũng nằm trên các tuyến đường biển quan trọng và chi phối tuyên đường hàng hải phía Tây eo biển Malacca.

Hoạt động hung hăng trên biển của Trung Quốc không chỉ dừng lại trong phạm vi biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan mà đã mở rộng ra cả Ấn Độ Dương, tiến sâu vào những khu vực mà trước đây được coi là khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ. Đây chính là nguyên nhân khiến New Delhi đẩy mạnh chính sách “Hướng Đông” trong đó có hoạt động của hải quân Ấn Độ nhằm đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Thứ tư, ASEAN và Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ không chỉ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì tự do, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông mà còn có những lợi ích kinh tế thiết thực ở Biển Đông. Ấn Độ có quan hệ hợp tác mật thiết với nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm hợp tác về các vấn đề trên biển với các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng từ 13 tỷ USD năm 2004 lên 142 tỷ vào năm 2019 và dự kiến đạt 300 tỷ vào năm 2025.

Tổng công ty dầu khí Ấn Độ (ONGC Videsh) có các dự án hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ở Biển Đông nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần gây áp lực yêu cầu ONGC Videsh rút khỏi các dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam song đã bị phía Ấn Độ bác bỏ. Hải quân Ấn Độ đã nhiều lần tiến hành diễn tập chung với hải quân Singapore. Các tàu chiến của Ấn Độ ghé thăm các cảng của Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Với những lợi ích to lớn ở Biển Đông nói trên, New Delhi không thể “khoanh tay” đứng nhìn trước hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác, Ấn Độ là một tấm gương cho việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế khi chủ động thực hiện phán quyết năm 2014 của Tòa Trọng tài trong vụ việc giải quyết vấn đề tranh châp biển giữa Ấn Độ và Bangladesh nhỏ bé mặc dù phán quyết đó bất lợi cho Ấn Độ. Do vậy, Ấn Độ là một trong những nước đi đầu trong việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Việc điều tàu chiến đến Biển Đông lần này cũng nằm trong mục tiêu thúc đẩy thực thi Phán quyết 2016.

Thứ năm, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chính là nơi quyết định và định hình sự phân chia quyền lực của thế giới, các cực của thế giới trong tương lai. Các quốc gia châu Âu chủ chốt đã đưa ra định hướng chính sách để phát huy vai trò ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, các nước Anh, Pháp, Đức… đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là một nước lớn ở khu vực châu Á, Ấn Độ không thể chậm chân hơn so với các nước châu Âu trong việc mở rộng ảnh hưởng ở tại khu vực này.

Do vậy, bất chấp những khó khăn trong nước do dịch bệnh Covid-19, Ấn Độ quyết định đưa nhóm 4 tàu chiến đến Biển Đông và Thái Bình Dương lần này vừa để khẳng định vai trò vị thế của Ấn Độ đối với các vân đề an ninh khu vực, tránh rơi vào thế đi sau các nước vừa để thể hiện sự đồng hành cùng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh.

Là một nước lớn ở châu Á, không thua kém nhiều so với Trung Quốc cả về diện tích lẫn dân số, Ấn Độ cũng là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, New Delhi có đủ tiềm lực về quân sự để đối đầu với Trung Quốc. Do vậy, việc Ấn Độ điều tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông giữa lúc tàu chiến các nước châu Âu cũng đổ dồn về đây sẽ trở thành nhân tố quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng bành trướng ở Biển Đông. Điều này sẽ giúp cho các nước nhỏ ven Biển Đông trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới