Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nửa triệu tấn sức mạnh biển” góp lại từ sáu quốc gia

“Nửa triệu tấn sức mạnh biển” góp lại từ sáu quốc gia

Sáu quốc gia với “nửa triệu tấn sức mạnh biển” đang tung hoành trên Biển Đông, thực hiện cuộc “tập trận mùa thu”, thu hút sự chú ý không chỉ của khu vực Đông Nam Á, mà của cả thế giới.

Sự kiện đang xảy ra trong những ngày đầu tháng 10 là bằng chứng khẳng định, hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc càng gây thêm căng thẳng. Kể từ khi nước này thông qua Luật Hải cảnh và Luật an toàn hàng hải (sửa đổi), tự trao cho mình những quyền hành vô lối thì trên Biển Đông các loại tàu chiến hiện đại của các cường quốc xuất hiện càng dày dặc.

Đúng là Trung Quốc đang “bôi mỡ vào chân cho kiến đốt”.

Cũng chả thấy nước nào phải “xin phép”. Chả thấy quân đội Trung Quốc ho he gì. Chứ chiếu theo Luật Hải cảnh thì tàu lạ mà dám vào vùng biển “của Trung Quốc” sẽ bị xử lý. Vùng biển ấy là cái “đường lưỡi bò” vẫn kiên gan hết tháng này sang năm khác vươn ra trên biển.

Sáu quốc gia có hàng không mẫu hạm và chiến hạm tham gia diễn tập lần này bao gồm: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Canada, New Zealand và Hà Lan. Trong đó, Mỹ góp mặt 3 hàng không mẫu hạm cùng hàng chục chiến hạm của các quốc gia đồng minh. Số quân tham gia trên các chiến hạm lên tới hơn 15 nghìn người. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là pha phô diễn sức mạnh hàng hải lớn nhất của phương Tây tại khu vực này!

Hôm 3/10, hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth cùng hai hàng không mẫu hạm Mỹ- USS Carl Vinson và USS Ronal Reagan- cùng với 14 chiến hạm khác của đồng minh tham gia những hoạt động “diễn tập kết hợp” tại Vùng biển Tây Philippines (Biển Đông).

Dưới biển là tàu chiến. Trên không là máy bay chiến đấu bay theo đội hình mũi tên. Thật là một sự uy hiếp trắng trợn mang cái tên êm ái thực hiện “Chiến dịch tự do Hàng hải” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Không thấy chính quyền Philippines có ý kiến gì, bởi đây thuộc không phận và hải phận của nước này. Theo giới thạo tin, việc gì Manila phải giãy nảy lên, biết đâu đây lại là cái bắt tay ngầm của Phi (?).

Phó Đề đốc Steve Moorhouse, chỉ huy Nhóm Tác chiến Anh CSG21 mô tả đầy hào hứng: “Nửa triệu tấn sức mạnh biển từ 6 quốc gia cùng với sức mạnh bay tương đương đầy ấn tượng”.

Chưa lên tiếng gì, nhưng Trung Nam Hải thừa biết mọi động thái trên biển. Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Chiến lược Nam Hải – một mạng lưới nghiên cứu của Trung Quốc, cảnh báo: Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ và HMS Quuen Elizabeth của Anh đã vượt Eo Bashi đi vào Biển Đông. Đây là lần thứ hai, kể từ tháng 7, Mỹ và Anh “giở trò” chọc tức Trung Quốc.

Vì sao Mỹ và những người “bạn lớn” thi thố hải quân và không quân và lúc này? Phải chăng, mục tiêu chính của họ là phát đi thông điệp cho Bắc Kinh: “Các chiến hữu đang giúp Mỹ đe dọa và không chế Trung Quốc”.

Đáp lại, trong lúc hai hàng không mẫu hạm của Mỹ và Anh đi vào Biển Đông, Trung Quốc cho chiến đấu cơ bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan với số lần chiếc cao chưa từng thấy: 52 chiếc. Còn trong 4 ngày gần đây đã có gần 150 máy bay Trung Quốc bay vào ADIZ của Đài Loan. Ông Khâu Quốc Chinh-Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan- cảnh báo: Quan hệ qua Eo biển Đài Loan “nghiêm trọng nhất” trong vòng 40 năm trở lại đây.

Theo Ông Jeff Kingston, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á và là giáo sư Đại học Temple ở Tokyo, Nhật Bản đã tăng mạnh khả năng nâng cao sức mạnh biển và rũ bỏ những cấm kỵ lâu nay về chính sách an ninh khi thực hiện điều đó. Về mặt địa chính trị, đó là một sự ứng phó với nhận thức ngày càng tăng về mối nguy do chương trình hiện đại hóa quân đội và tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc.

Ông cũng giải thích: “Nhật Bản gia nhập Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) và trở thành một nước cổ xúy cho một khu cực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở, là nhằm ngăn chặn sự bành trướng và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”.

Mặc dù trong những năm qua Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực vươn lên trở thành một siêu cường biển, nhưng trước sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ cùng các đồng minh, khiến cho Bắc Kinh phải có những tính toán thận trọng. Hiện Trung Quốc đã có hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động là Liêu Ninh và Sơn Đông, chiếc thứ ba sắp hoàn thành.

Trung Quốc luôn tự hào có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, thế nhưng tàu chiến của nước này quá nhỏ sao với Mỹ.  Đứng trước siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ tàu chiến Trung Quốc chả khác gì mèo đứng bên hổ. Và vì thế đang có cuộc chạy đua phát triển những hàng không mẫu hạm ngày càng khủng.
Biển Đông ngày càng nóng một phần vì những cuộc chạy đua vũ trang như thế. Không phải “chạy” giữa hai siêu cường mà ngày càng có thêm sự gắn kết giữa các quốc gia.

Cuộc diễn tập của các chiến hạm lớn cùng với máy bay chiến đấu của 6 quốc gia đã gióng lên hồi chuông báo động, chứ không còn là cảnh báo nữa: Trung Quốc hãy dừng lại sự tham lam khi muốn biến Biển Đông thành sân chơi, để dễ bề thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” – một sáng kiến được ví như chiếc xe tải khổng lồ chở Trung Hoa vĩ đại đi vào Giấc mộng bá chủ toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới