Trong lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertes đang gấp rút thực hiện lời hứa lúc tranh cử là xây dựng tuyến đường sắt cho đảo Mindanao, thực tế mới bắt đầu khiến ông lo lắng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc gặp tại Manila năm 2018 (Ảnh: AP)
Hàng loạt dự án đình trệ
Ông Duterte đang ở trong năm thứ 5 của nhiệm kỳ 6 năm của mình, thế nhưng khoảng tiền 83 tỉ peso (1,64 tỉ USD) mà ông tuyên bố là Trung Quốc sẽ cho ông mượn để thực hiện giai đoạn đầu tiên của dự án đường sắt giờ vẫn chưa thấy đâu.
Và cũng chưa thấy đâu nữa là khoản tiền 9 tỉ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và 15 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (ODA) – mà theo như ông Duterte là các công ty Trung Quốc từng cam kết sẽ đóng góp cho chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng mang tên “Build, Build, Build” (Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng) của ông.
Các nhà phân tích cho rằng có rất nhiều lý do tại sao lời hứa của Trung Quốc không được thực hiện, từ tiến độ phê duyệt lề mề của các dự án ở Philippines cho tới sự cảnh giác ngày càng tăng của các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong khi một số nhà quan sát lại cho rằng ông Duterte cũng tự mình nên nhận lỗi một phần. Một số cho rằng ông đơn giản là đã thổi phồng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các dự án này.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy giống như một kẻ biết rõ điều mình muốn và sẵn lòng bán đi bất cứ thứ gì để đạt được điều đó” – chuyên gia kinh tế chính trị Philippines Alvin Camba nói với SCMP – “Nhiều lời hứa của ông Duterte, trong đó có tuyến đường sắt ở Mindanao, chỉ là màn diễn chính trị của ông”.
“Lời hứa (9 tỉ USD vốn ODA và 15 tỉ USD FDI) không đến từ phía chính phủ Trung Quốc. Lời hứa này đến từ các nguồn khác nhau ở Trung Quốc, và nó bị chính phủ của ông Duterte thổi phồng như thể nó là một thỏa thuận lớn” – Camba, hiện đang giảng dạy tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel thuộc ĐH Denver, nhận định.
Người dân Philippines có thể dễ dàng theo dõi chiến dịch xây dựng đồ sộ của ông Duterte bởi họ có thể truy cập vào website của chiến dịch: build.gov.ph. Nhưng trên thực tế thì website này đã bị “bỏ hoang”, mặc dù con số dự án vẫn tiếp tục tăng. Ban đầu chiến dịch này chỉ gồm 55 dự án, nhưng đến năm 2017 đã lên tới 75, đến năm 2019 tăng lên 100 và ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 trong năm 2020 chính phủ vẫn thêm 4 dự án, nâng tổng số lên 104 dự án.
Tăng số lượng dự án lên là “một cách để giúp kích thích nền kinh tế, giữ công ăn việc làm trong ngành xây dựng và bám kịp các mục tiêu bị trễ” – Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia nghiên cứu thuộc Tổ chức Lộ trình và Tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương, cho hay, nhưng thêm rằng đây cũng là cách để chính phủ thể hiện “những thành tựu” mà họ đạt được.
Camba cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho hay rất nhiều dự án trong chiến dịch”Build, Build, Build” đã được xây dựng “đều được khởi công từ chính quyền trước, và khả thi là do bản chất của dự án, hoặc có ý nghĩa chính trị đối với chính quyền”.
Nhiều nhà phê bình thì chỉ trích ông Duterte đã vơ vét nhiều dự án hỗn tạp và tiếp thị chúng dưới cái tên của chiến dịch “Build, Build, Build” để giúp ông nhìn có vẻ thành công hơn thực chất. Họ nói rằng điều này đã trở nên rõ ràng khi vào ngày 28/7 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade có giải trình tại phủ Tổng thống, và đưa ra một danh sách những thành tựu về cơ sở hạ tầng.
Trong số nhưng thành tựu mà ông Tugade đưa ra có 2 trạm đường sắt phục vụ cho tuyến đường sắt Mindanao mà ông cho là sẽ đi vào hoạt động một phần trong tháng 3/2022 (trùng giai đoạn thực hiến chiến dịch bầu cử năm 2022) và việc lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines mua tàu phản ứng đa nhiệm dài 94 m. Mặc dù lực lượng bảo vệ bờ biển không hề trực thuộc Bộ Giao thông, nhưng con tàu nọ vẫn được liệt vào danh sách các dự án của “Build, Build, Build”.
Một cách khác để soi kỹ sự thành công của chiến dịch này chính là xem các nguồn vốn thực sự dành cho nó nhờ vào các hợp đồng vay mượn đã ký kết.
Bộ Tài chính Philippines hôm 10/8 nói rằng chính phủ đã chuyển phần lớn nguồn vốn ODA 7,95 tỉ USD cho dự án “Build, Build, Build”. Nhật Bản chiếm 6,12 tỉ USD, tức gần 80%, trong số đó. Nhưng Bộ này không nói Trung Quốc đóng góp bao nhiêu. Tuy nhien, Bộ này đăng tải trên website của họ 5 bản hợp đồng mà chính phủ đã ký với các nhân hàng Trung Quốc với tổng số tiền 1,58 tỉ USD.
Ngân hàng Xuất/Nhập khẩu Trung Quốc đã rót thêm 830 triệu USD vốn vay cho 4 dự án của Philippines. Khoản cho vay lớn nhất là 750 triệu USD dành cho công tác chống dịch COVID-19 ở nước, đến từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á hồi tháng 6 năm ngoái.
Tại sao thiếu vốn?
Giới phân tích nói rằng có nhiều nguyên nhân khiến các dự án của ông Dutertes bị hụt vốn, mặc dù ông đã rất nỗ lực để làm hài lòng Trung Quốc – như việc ông nói là “yêu quý” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2016.
Ông Pitlo nói rằng việc phê duyệt dự án bị chậm trễ và trì hoãn là do Trung Quốc tái tổ chức lại nhiều cơ quan của họ dưới quyền điều hành của Quốc vụ viện, và thiết lập cơ quan viện trợ riêng vào năm 2018. Các cuộc cải cách này được trình lên “Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, vốn có tầm ảnh hưởng lớn tới các dự án thuộc Vành đai và Con đường ở nước ngoài”.
Pitlo cho hay, các cuộc cải cách này còn bao gồm “phải đảm bảo các nguồn vốn của Trung Quốc đi tới được các dự án có sức sống và chỉ những nhà thầu đủ khả năng mới được tham gia vào các dự án mà Trung Quốc hỗ trợ ở nước ngoài”.
Và việc tái tổ chức này đã ảnh hưởng tới dự án đường sắt Mindanao của Tổng thống Duterte, bởi giới chức Trung Quốc đòi hỏi tính khả thi, các nghiên cứu thị trường và thiết kế dự án trước khi phê duyệt các hợp đồng cho vay vốn.
Trợ lý Bộ trưởng Giao thông Eymard Eje trong tháng 2 đã phải thừa nhận về điều này khi nói với các phóng viên rằng thật “đau đớn” khi phải nói rằng dự án bị trì hoãn “do các văn bản mà các đối tác yêu cầu chúng ta phải có”.
Những dự án còn dang dở
Pitlo nói rằng Trung Quốc có thể đã học được bài học từ các dự án trong quá khứ, khi chúng bị từ bỏ ngay thời điểm mà chính phủ mới nắm quyền.
“Nhiều dự án của Trung Quốc, đáng chú ý là dự án Băng thông Quốc gia, dưới thời cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, đã bị ngừng khi người kế nhiệm ông, cố Tổng thống Benigno Aquino II, nắm quyền” – Pitlo nói.
Camba thì cho rằng “rất khó đoán” những dự án chưa hoàn thành có được tiếp tục hay không: “Tôi nghĩ rằng các dự án sắp hoàn thành sẽ không được tiếp tục, trừ khi có những sự kiện lớn xuất hiện. Nhưng các thỏa thuận mới ký với Trung Quốc rất có thể sụp đổ nếu như chính phủ mới có tư tưởng chống Trung Quốc”.
Tuy nhiên, việc bỏ dở các dự án có thể làm dấy lên làn sóng chống Trung Quốc, gây nên những hậu quả lâu dài.
Trong một bài viết được đăng tải bởi Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu thuộc ĐH Boston, ông Camba đã viết rằng Tổng thống Duterte đã từ bỏ “Biển Đông để đổi lấy mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc và tiếp cận với nguồn vốn” của nước này.
Nhưng giờ, Camba cho rằng Trung Quốc chưa chắc đã tin vào thỏa thuận đó. Ông chỉ ra rằng, ông Duterte từng chống lại sức ép từ chính phủ Trung Quốc đến cùng, khi Bắc Kinh yêu cầu ông triệt phá nạn đánh bạc trực tuyến. “Duterte sẽ phản lại Trung Quốc nếu thuận lợi”, Camba nói.