Trong thế kỷ 20, loài người đã chứng kiến hai cuộc Chiến tranh thế giới gây biết bao thảm họa. Giờ đây, những năm đầu thập niên thứ ba thế kỷ 21, mối nguy cơ xảy ra Chiến tranh thế giới thứ ba đã hiện hữu.
Không chỉ là nguy cơ tiềm tàng mà nó đã có mầm mống từ những điểm nóng đang ngùn ngụt lửa. Người châm ngòi cho các lò lửa, không ai khác là hai cường quốc ở hai thể chế chính trị khác nhau vẫn đang quyết liệt tranh nhau ngôi bá chủ. Đó là Mỹ và Trung Quốc.
Theo The Sun, một tờ báo có lượng độc giả lớn nhất ở Vương quốc Anh: Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới là tai họa thảm khốc cho nhân loại. Cả thế giới cần phải nỗ lực dập tắt từ mầm mống, bằng con đường đối thoại, hòa giải.
The Sun đã phỏng vấn một số chuyên gia phân tích chính trị, quân sự. Các bộ óc tỉnh táo này đều cho rằng, nếu xảy ra Thế chiến III nổ ra, có thể từ mấy “tử huyệt” sau đây: một, từ việc Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực; hai, tranh chấp biên giới Trung – Ấn; ba, chiến tranh hạt nhân Mỹ – Triều Tiên; bốn, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, hoặc chiến tranh giữa Iran – Israel.
Trong bốn nguy cơ đó thì đáng lo nhất là xung đột quân sự Mỹ – Trung Quốc ở đảo Đài Loan. Khi hai cường quốc khởi sự thì ngọn lửa chiến tranh sẽ lan rộng khắp toàn cầu. Điều này chính ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc đã nói hôm 10/9, rằng, hợp tác Mỹ – Trung mang lại lợi ích cho toàn thế giới, còn chiến tranh sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ hành tinh.
Trong tình huống Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan thì Mỹ sẽ đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn. Khi để Đài Loan tuột khỏi tay, Mỹ sẽ mất vị thế lãnh đạo toàn cầu. Còn nếu tham chiến ở Đài Loan, Mỹ sẽ chịu những hậu quả khôn lường, không chỉ từ phía Trung Quốc. Ngay cả các đồng minh khi ấy chắc gì đã ủng hộ.
Cuộc dền dứ của Bắc Kinh với Đài Bắc vẫn đang tiếp tục. Trong bài phát biểu mới nhất, ông Tập tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan trong hòa bình. Ông tự tin nói rằng: Trung Quốc “có truyền thống đánh bại mọi thế lực ly khai”. Và, người lãnh đạo cao nhất ở Trung Nam Hải đã khôn khéo xoa đầu Đài Bắc: “Chủ nghĩa ly khai của Đài Loan là trở ngại lớn nhất để đi đến thống nhất. Thống nhất trong hòa bình là việc làm phù hợp nhất với lợi ích của cả Trung Quốc và đồng bào Đài Loan”.
Về phía Đài Loan, mới đây phát biểu tại Diễn đàn Yushan thường niên ở Đài Bắc nhà lãnh đạo Thái Anh Văn khẳng định: “Đài Loan không tìm kiếm sự đối đầu quân sự. Thay vào đó, Đài Loan hy vọng chung sống hòa bình, ổn định, có thể dự đoán được và cùng có lợi với các nước láng giềng. Nhưng Đài Loan cũng sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ quyền tự do và lối sống dân chủ của mình”.
Rõ ràng, chưa nói tới sự giúp đỡ của Mỹ, Trung Quốc muốn tiêu diệt Đài Loan cũng không đơn giản. Mấy thập niên vừa qua, Đài Loan không những dày công luyện tập quân đội, mà còn chú trọng xây dựng những công sự phòng phủ, hào sâu, thép gai, và tăng cường tối đa cho lực lượng hải quân. Về phương diện phòng thủ, Hải quân Đài Loan là một trong những lực lượng tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất hoàn cầu.
Muốn đánh Đài Loan, Quân đội Trung Quốc phải huy động toàn bộ lực lượng hải, lục, không quân và tên lửa; phải đưa ra nhiều kế hoạch, chiến thuật, nhưng không thể nào qua khỏi việc đổ bộ. Nơi Đài Loan cách đại lục gần nhất là 160km đường biển, vì thế phải đổ bộ qua ít nhất là 160km này. Những ngày gần đây, qua cách diễn tập của quân đội và hàng nghìn “tàu đánh cá” của Trung Quốc, không ai lạ gì đội quân đội trá hình. Sau khi oanh tạc bằng hỏa tiễn, máy bay, tàu ngầm, đại bác, Trung Quốc sẽ đổ bộ. Những người lính từ những tàu đánh cá này, tiếp đến là quân chủ lực sẽ tràn vào hòn đảo.
Kịch bản là thế. Tất cả đều đã sẵn sàng.
Thế nhưng, “thống nhất trong hòa bình” mới là con đường đẹp nhất. Những cái đầu bốc lửa nhất ở Trung Nam Hải cũng chưa nghĩ đến mệnh lệnh “Đánh”! Chưa nói đến việc sau cái lệnh này sẽ là một “Thế chiến” mới. Một cuộc tắm máu vô ích của loài người không thể xảy ra trong một xã hội hiện đại, văn minh.