Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMặt trái của hệ thống đường cao tốc TQ

Mặt trái của hệ thống đường cao tốc TQ

Đằng sau thành công của chiến dịch “phủ sóng” hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc là những hệ lụy khó lường, được xem là bài học nhãn tiền về phát triển thiếu bền vững.

 

Trung Quốc có kế hoạch tăng gần gấp đôi chiều dài mạng lưới đường sắt cao tốc vào năm 2035.

Chỉ trong một thời gian thần tốc, Trung Quốc, từ một quốc gia không có đường sắt cao tốc (HSR) nào trong những năm đầu kỷ nguyên 2000, đã vươn lên thành quốc gia có hệ thống HSR lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, đằng sau thành công của chiến dịch phát triển thần tốc này là những hệ lụy khó lường, được xem là bài học nhãn tiền cho chính sách phát triển thiếu bền vững của nước này.

Từ dấu ấn chuyến cao tốc đầu tiên năm 2008

Khi một chuyến tàu cao tốc liên tỉnh đầu tiên rời ga phía Nam Bắc Kinh vào năm 2008, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã mở ra một kỷ nguyên phát triển nhanh mới.

Trong thập kỷ qua, quốc gia này đã bổ sung gần 38.000km vào mạng lưới đường sắt cao tốc, với tổng chiều dài vượt xa phần còn lại của thế giới cộng lại. Tốc độ tàu đã tăng từ tối đa 200 km/h lên 350 km/h, vươn lên hàng nhanh nhất trên thế giới.

Một nửa trong tổng số này đã được hoàn thành chỉ trong 5 năm qua.

Trung Quốc có động lực lớn để phát triển hệ thống đường sắt như vậy. Đường sắt cao tốc mang lại nhiều lợi thế như: thời gian di chuyển ngắn hơn, thoải mái, thuận tiện, an toàn và đúng giờ. Trong bối cảnh người dân nước này, vốn đã quá chán nản với những chuyến tàu chậm chạp và bất tiện trên khắp đất nước rộng lớn này, sự ra đời của hệ thống tàu cao tốc như một cú nhảy vọt tự hào và được người dân hoan nghênh.

Giờ đây, với tốc độ tối đa 350 km/h trên nhiều tuyến, du lịch liên tỉnh đã được chuyển đổi và sự thống trị của các hãng hàng không đã bị phá vỡ trên các tuyến đường nhộn nhịp nhất.

Ngoài ra, những tuyến cao tốc này còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều vì chúng là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, sự hiện đại hóa nhanh chóng, sức mạnh công nghệ đang phát triển và sự thịnh vượng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cùng với những mặt sáng sủa đó, hệ thống HSR của Trung Quốc đang lộ ra những mặt tối đáng lo ngại.

Những hệ lụy của cho kinh tế địa phương

Trong bài viết mới nhất, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống tàu cao tốc phát triển có thể đồng nghĩa với việc làm suy giảm hoạt động kinh tế ở một số vùng phía tây của đất nước.

Dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu cho thấy những thay đổi đáng lo ngại khi màn đêm buông xuống.

Theo họ, đường sắt cao tốc có thể gây hại hơn là giúp ích cho các nền kinh tế địa phương ở miền tây Trung Quốc, trong đó một số thành phố đang ngày càng trở nên tối tăm hơn vào ban đêm sau khi các ga tàu cao tốc kéo đến đây.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí trong nước Geographical Research hôm 8/10, các nhà nghiên cứu cho biết trung bình, mỗi ga đường sắt cao tốc ở miền tây Trung Quốc gây ra mức giảm tương ứng hơn 1,5% cường độ hoạt động kinh tế địa phương.

“Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên của đường sắt cao tốc. Nhiều thành phố hy vọng sử dụng hệ thống tàu cao tốc để kích thích tăng trưởng kinh tế của họ. Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt ở các thành phố”, giáo sư Niu Fangqu và các đồng nghiệp thuộc Viện Khoa học Địa lý và Tài nguyên Thiên nhiên của Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết trong bài báo.

Theo bài báo, việc nắm rõ đầy đủ về tác động là điều rất quan trọng đối với việc điều phối phát triển kinh tế các khu vực ở trong nước. Các nhà nghiên cứu dựa trên tính toán về sự thay đổi của hệ thống ánh sáng ban đêm, phân tích dữ liệu vệ tinh của 527 vị trí nhà ga ở 180 thành phố kể từ năm 2004, thời điểm Trung Quốc chính thức bắt đầu dự án đường sắt cao tốc.

Họ phát hiện ra rằng, ở miền đông Trung Quốc, một ga đường sắt cao tốc đã giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong phạm vi 4km ở mức gần 9%. Con số này ở miền Trung là 3,6% và ở phía đông bắc là 4,4%.

Theo chuyên gia Niu, đánh giá tác động của đường sắt cao tốc không dễ vì nhiều yếu tố khác tác động đến, nhưng việc nhìn vào hệ thống ánh sáng ban đêm đã giúp các nhà nghiên cứu tham khảo các điều kiện vật lý để cải thiện độ chính xác của các mô hình kinh tế.

Thực tế là Trung Quốc đã phát triển gần 38.000km đường sắt cao tốc trong 15 năm qua, với các đoàn tàu cao tốc có thể di chuyển với tốc độ lên tới 350 km/h, nhưng các giai đoạn đầu tiên của mạng lưới này đều ở các khu vực phía đông của đất nước với nền kinh tế phát triển vượt bật hơn và mật độ dân số cao.

Lúc đó, các thành phố cạnh tranh gay gắt để xây dựng các nhà ga tàu cao tốc với kỳ vọng nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Hệ thống đã mở rộng đến các khu vực ít dân cư hơn trong những năm gần đây và đến năm 2035, tổng chiều dài của nó dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi lên 70.000 km, theo kế hoạch của chính phủ trung ương.

Ẩn họa với tăng trưởng của Trung Quốc

Nhưng một vấn đề đặt ra và bùng nổ tranh cãi gay gắt là liệu các khu vực kém phát triển có cần đường sắt cao tốc hay không.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kinh tế Công nghiệp Trung Quốc vào tháng trước cho thấy, việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc đã đẩy nhanh làn sóng “chảy máu chất xám” từ các khu vực phía Tây sang phía Đông – khu vực phát triển hơn của Trung Quốc.

Ví dụ, các đơn xin cấp bằng sáng chế ở các thành phố phía Tây có xu hướng giảm đáng kể sau khi một đường sắt cao tốc được xây dựng trong khu vực.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu ở Chifeng, thành phố Nội Mông kết luận rằng, một tuyến cao tốc bắt đầu hoạt động tại thành phố này vào năm ngoái không hề có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế địa phương, thậm chí gây ảnh hưởng nặng nề lĩnh vực công nghiệp do làn sóng di dân.

Nhưng một số nghiên cứu khác cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông mới có thể thúc đẩy doanh số bán bất động sản, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào miền trung và miền tây Trung Quốc hoặc tăng thu thuế của chính quyền địa phương.

Bắc Kinh cũng đã thấy rằng mạng lưới đường sắt cao tốc tràn lan khắp các địa phương đang mang lại tăng trưởng GDP trong ngắn hạn cho địa phương nhưng đổi lại là khoản nợ khổng lồ cho chính quyền địa phương, vốn đã rất rủi ro và mất cân đối.

Tăng trưởng chậm lại và khả năng bơm bong bóng nợ, bong bóng bất động sản của các dự án đường sắt cao tốc tại các địa phương Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh hiện buộc phải thắt chặt kiểm soát các dự án này.

RELATED ARTICLES

Tin mới