Giữa lúc tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut va phải “vật thể lạ” chưa xác định khi di chuyển ở Biển Đông khiến 11 thủy thủ bị thương, Mỹ đã điều động một tàu đổ bộ viễn chinh được coi là “quái vật biển” tới Okinawa-vùng biển của Nhật Bản.
Chả hiểu việc điều con tàu khổng lồ này đến đây có nằm trong sự tính toán trước, hay chỉ là cú trả đũa Trung Quốc của Mỹ? Liệu có kẻ nào dám tấn công tàu Mỹ bằng “vật thể lạ” một lần nữa? Bởi ngoài Trung Quốc không quốc gia nào trong khu vực có khả năng hăm dọa chiến hạm Mỹ. Việc tàu ngầm hạt nhân bị tấn công chẳng khác nào người khổng lồ bị nắm cát ném vào mặt. Tuy không thương vong nhưng… nhục, và không thể nói là không nguy hiểm.
Thế là “quái vật biển” lừng lững tiến tới Thái Bình Dương. Mỹ tuyên bố, hải quân nước này đang tăng cường khả năng phòng thủ ở châu Á-Thái Bình Dương. Và hai chữ “tăng cường” đã đẩy con tàu đổ bộ viễn chinh vào vị trí hiểm yếu trên biển. Tàu USS Miguel Keith được thiết kế để vận chuyển một số lượng rất lớn trang thiết bị, khí tài. Nó như một căn cứ nổi, có khả năng chở máy bay trực thăng và thủy phi cơ. Hôm 14/10, tàu dừng lại ở căn cứ hải quân White Beach tại đảo Okinawa và sẽ tham gia Nhóm Tác chiến viễn chinh và Lực lượng viễn chinh trên biển của Hạm đội 7.
Vì sao tàu USS Miguel Keith khiến các tàu trong khu vực kinh hãi? Trước hết vì nó có kích thước rất khủng: dài 240m, lượng giãn nước 90 nghìn tấn, vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ. Sàn đáp tàu rộng gần 5.000m2, đủ sức chứa nhiều loại máy bay trực thăng. Boong phía sau tàu là nơi ở của 40 binh sỹ thủy quân lục chiến, chịu trách nhiệm về kỹ thuật và điều hướng. Boong phía trước là nơi ở của thủy thủ đoàn khoảng 100 người. Con tàu còn có một nhà chứa máy bay để bảo dưỡng trực thăng.
Con “quái vật” nửa nổi nửa chìm cho phép hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động hậu cần quy mô lớn, như vận chuyển phương tiện và thiết bị từ biển vào bờ. Nó giúp cung cấp khả năng hiện diện ở những khu vực mà Mỹ không có căn cứ quân sự trên đất liền. Nó kịp thời tham gia cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa trong trường hợp cần thiết. Nó phối hợp với thủy quân lục chiến và các lực lượng của đối tác, đồng minh bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Có thể thấy thoáng rùng mình của hải quân Trung Quốc, mặc dù, với tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm qua, Hải quân Trung Quốc cũng không phải… dạng vừa. Nước này dự kiến sẽ đưa tàu sân bay thứ 3 vào hoạt động vào những năm 2030. Còn Mỹ cho thấy họ không hề “ngán” vì có thể điều động ít nhất 3 nhóm tác chiến tàu sân bay và chiến hạm khác tới khu vực làm nhiệm vụ.
Được biết, tàu USS Miguel Keith sẽ ở lại khu vực này một thời gian, phục vụ cho hàng không, làm nơi ở, làm căn cứ chỉ huy và kiểm soát. Theo các nhà quan sát, Mỹ đưa “quái vật biển” đến đây vẫn không ngoài mục đích thử phản ứng của Bắc Kinh, sau khi nước này ban bố hai bộ luật về Hải cảnh và luật an toàn hàng hải (sửa đổi). Hai bộ luật ngang ngược này được coi là Bắc Kinh đem “luật nội” ra thi hành bên ngoài. Nhưng ý đồ lớn hơn là Washington muốn ngăn ngừa mối đe dọa từ Trung Quốc.
Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong có trụ sở tại Ma Cao (Trung Quốc) bình luận: Căn cứ viễn chinh di động này sẽ giúp củng cố khả năng phòng thủ của Mỹ dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, đó là một hàng dài các đảo ở Thái Bình Dương kéo dài từ Nhật Bản đến Bán đảo Mã Lai, trong đó có Đài Loan.
Chuỗi đảo này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Các lực lượng của Trung Quốc muốn tiếp cận khu vực Thái Bình Dương nhất thiết phải “mượn đường” qua chuỗi đảo này.
Nhân dịp này, Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Bill Merz, tái khẳng định: Hải quân Mỹ sẽ cho máy bay và tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu thuyền hoạt động tự do trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc hàng hải quốc tế, bất chấp những yêu sách quá đà, các hành động ép buộc của Trung Quốc. Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp của mình.
“Quái vật biển” xuất hiện chắc chắn là “phạm luật” của Trung Quốc. Hãy chờ xem Bắc Kinh phản ứng ra sao. Nhất là vào lúc này, Bắc Kinh đang tìm cách xuống thang với Mỹ, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp. Bắc Kinh không muốn những phần tử cơ hội trong Đảng lợi dụng chuyện này để tấn công, chia rẽ, bè phái.
Bắc Kinh sẽ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” theo cách của Chủ tịch Tập Cận Bình. Rằng, quan hệ Mỹ- Trung vẫn ổn định và mối quan hệ nước lớn “kiểu mới” giữa hai nước đang thu được những kết quả ban đầu. Rằng, Trung-Mỹ cần xử lý các tranh chấp theo cách mà sẽ không làm tổn hại đến quan hệ song phương.
Chỉ cần thế, Washington đã không đánh mà thắng.