Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTriển vọng quan hệ Nhật – Đài dưới thời Thủ tướng Fumio...

Triển vọng quan hệ Nhật – Đài dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida

Vào đầu tháng 10, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, sau khi được đảng Dân chủ Tự do (LDP) bầu làm lãnh đạo đảng, đã chính thức nhậm chức thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga – người đã thông báo từ chức vào đầu tháng 9 sau gần một năm cầm quyền.

So với người tiền nhiệm, Kishida có kinh nghiệm ngoại giao phong phú khi từng giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản trong giai đoạn 2012-2017 và từng kinh qua vị trí Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP. Kinh nghiệm dày dạn có khả năng giúp Kishida triển khai chính sách đối ngoại linh hoạt. Theo giáo sư Andrew Oros, Kishida cơ bản sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại Nhật Bản của các chính quyền tiền nhiệm như thắt chặt quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) thông qua tăng cường quan hệ với các quốc gia trong “Bộ tứ” (Quad) cũng như các quốc gia cùng chí hướng (like-minded countries) khác.

Với xu hướng trên, chính sách Đài Loan của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Kishida nhiều khả năng mang tính kế thừa hơn là nhanh chóng tạo những chuyển biến sâu sắc.

Quan hệ Nhật – Đài đã có những bước tiến đáng kể trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của Thủ tướng Suga khi Nhật Bản chuyển từ lập trường trung lập sang công khai bày tỏ quan ngại về tình hình eo biển Đài Loan. Hòa bình và ổn định tại eo biển được đề cập với tần suất khá nhiều, như trong tuyên bố chung giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden vào tháng 4/2021, Đối thoại 2+2 Nhật – Mỹ vào tháng 3/2021 và Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021. Vào tháng 8/2021, đảng cầm quyền LDP (của Nhật Bản) và đảng Dân tiến (DPP) (của Đài Loan) lần đầu tiên đối thoại an ninh. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia viện trợ vaccine COVID-19 nhiều nhất cho Đài Loan trong bối cảnh Đài Bắc thiếu hụt nguồn cung vaccine (cho đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Đài Loan tổng cộng 3,9 triệu liều).

Những di sản trên là động lực cho chính quyền Kishida phát triển quan hệ với Đài Loan. Có thể hình dung những đường hướng sắp tới của quan hệ Nhật – Đài như sau:

Thứ nhất, Nhật Bản và Đài Loan chia sẻ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự, đe dọa đến hòa bình và ổn định tại khu vực. Yếu tố này đã thúc đẩy hai nền dân chủ tiên tiến tại châu Á xích lại gần nhau. So với lập trường bảo thủ đối với Trung Quốc của các chính quyền tiền nhiệm, Kishida có phần ôn hòa hơn. Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào tuần thứ hai của tháng 10, Kishida “kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm, đồng thời tiếp tục đối thoại với Trung Quốc và hợp tác trong các vấn đề lợi ích chung”. Tuy nhiên, tân thủ tướng Nhật Bản có thể tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc mà hai chính quyền trước đó đã theo đuổi, đồng thời nhấn mạnh vai trò chiến lược của Đài Loan. Trong thời gian tranh cử cho vị trí lãnh đạo LDP, ông Kishida đã bày tỏ “sự cảnh giác sâu sắc” (deep alarm) về việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực và cảnh báo eo biển Đài Loan sẽ là “một vấn đề ngoại giao lớn kế tiếp”. Kishida cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, Hong Kong và việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn tại biển Hoa Đông.

Thứ hai, chính quyền Kishida vẫn coi liên minh Nhật – Mỹ là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Sau khi nhậm chức, Kishida nhấn mạnh “sẽ lãnh đạo và đưa liên minh Nhật – Mỹ lên một tầm cao hơn”. Tuyên bố này cho thấy Nhật Bản vẫn xem Mỹ là một đồng minh truyền thống, tin cậy và cả hai đang ngày càng hội tụ về tầm nhìn và cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình và ổn định. Do đó, việc Mỹ tăng cường ủng hộ Đài Loan sẽ góp phần củng cố mối quan tâm của chính quyền Kishida đối với an ninh Đài Loan. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi khẳng định Nhật Bản sẽ theo dõi sát sao tình hình Đài Loan cũng như chuẩn bị cho các kịch bản và kế hoạch để đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp có thể xảy ra tại eo biển.

Chính quyền Kishida cũng cam kết phối hợp với Mỹ và các cường quốc trong “Bộ tứ” (Quad) để thúc đẩy ổn định và hòa bình tại khu vực, gửi gắm tín hiệu tích cực cho quan hệ Nhật – Đài trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường “cưỡng ép” Đài Loan. Vào tháng 8, các quan chức cấp cao trong “Bộ tứ” đã tiến hành thảo luận về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển. Nhật Bản có thể tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các các thành viên “Bộ tứ” để góp phần duy trì nguyên trạng (status quo) tại eo biển Đài Loan.

Thứ ba, Kishida có thể tiếp tục ủng hộ Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản hiện giữ vai trò Chủ tịch. So với các thành viên còn lại trong Hiệp định, Nhật Bản dành nhiều sự ủng hộ đối với việc Đài Loan tham gia CPTPP, phần nào thể hiện sự gắn kết trong quan hệ song phương khi cả hai bên đều chia sẻ các giá trị dân chủ, pháp quyền và nền kinh tế thị trường tự do. Thậm chí, Ngoại trưởng Motegi đã gọi Đài Loan là một “đối tác cực kỳ quan trọng” đối với Nhật Bản. Trái lại, Tokyo bày tỏ sự nghi ngờ về tính minh bạch cũng như khả năng Bắc Kinh đáp ứng các tiêu chí của CPTPP. Thủ tướng Kishida nhận định việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước và vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ sẽ là các rào cản lớn đối với quốc gia này khi gia nhập CPTPP.

Tuy vậy, lực cản có thể làm chậm quá trình Đài Loan gia nhập CPTPP là lệnh cấm nhập khẩu của Đài Bắc đối với một số thực phẩm Nhật Bản có xuất xứ từ các khu vực bị ảnh hưởng trong thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn đã nhiều lần xem xét xóa bỏ lệnh cấm, như tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2018, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa tiến triển do vấp phải sự phản đối từ Quốc dân Đảng (KMT) đối lập và người dân Đài Loan. Dù vậy, khi lòng tin và lợi ích chiến lược giữa hai bên đang ngày càng hội tụ thì chính phủ Nhật Bản và Đài Loan sẽ hợp tác nhiều hơn để đối thoại và giải quyết những khác biệt. Đặc biệt khi Tokyo đã gửi tín hiệu rõ với Đài Loan rằng không có vấn đề kỹ thuật nào đối với việc Đài Loan gia nhập CPTPP. Bên cạnh đó, việc Mỹ thông báo dỡ lệnh cấm đối với thực phẩm của Nhật Bản vào tháng 9 có thể tác động đến quyết định của Đài Loan. Trưởng đoàn đàm phán Đài Loan John Deng cho rằng Đài Bắc có thể tham khảo quyết định của Washington về vấn đề trên.

Cuối cùng, về góc độ cá nhân, Kishida có nhiều thiện cảm với Đài Loan. Vào tháng 9/1994, khi còn là nghị sĩ, ông đã có chuyến thăm Đài Loan và gặp Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy. Vào năm 2016, trong vai trò Ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng Abe, Kishida đã gửi lời chúc mừng tới chiến thắng của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan và gọi “Đài Loan là một đối tác quan trọng và người bạn quý giá của Nhật Bản”. Lời chúc mừng được xem là một động thái chưa có tiền lệ trong bối cảnh Tokyo và Đài Bắc không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Việc Kishida giữ lại hai người đứng đầu cơ quan quốc phòng và ngoại giao Nhật Bản dưới thời Suga phần nào gợi ý rằng ông sẽ kế thừa chính sách Đài Loan từ người tiền nhiệm. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi được cho là có quan điểm ủng hộ Đài Loan (pro-Taiwan). Ông Kishi và các quan chức trong Bộ Quốc phòng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan đối với an ninh Nhật Bản và sự ổn định của khu vực. Trong thời gian qua, Nhật Bản đã cùng với Mỹ tăng cường trao đổi thông tin về kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu, thông qua “ngoại giao vaccine”, đã tích cực làm sâu sắc quan hệ với Đài Bắc và tuyên bố quyết định viện trợ vaccine “dựa trên quan hệ đối tác và tình hữu nghị quan trọng của [Nhật Bản] với Đài Loan”. Đáp lại, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) nhấn mạnh “những người bạn chân chính luôn giúp đỡ vào lúc cần nhau nhất”.

Những chỉ dấu nêu trên gợi ý khả năng Kishida tiếp tục hợp tác với Đài Loan là khá cao. Đặc biệt, sự đồng thuận ngày gia tăng tại Nhật Bản rằng Đài Loan có liên hệ trực tiếp tới an ninh của Tokyo sẽ thúc đẩy chính quyền Kishida ủng hộ Đài Loan cũng như hợp tác với “Bộ tứ” để góp phần giữ gìn ổn định tại eo biển. Quan hệ Nhật – Đài những năm qua đã phát triển khá tích cực và giờ đây xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục.

RELATED ARTICLES

Tin mới