Chủ trương của Trung Quốc là thống nhất Đài Loan bằng các giải pháp hòa bình, có nghĩa là kiên quyết không dùng đến các giải pháp về quân sự. Thế nhưng, thời gian qua, quân đội Trung Quốc đã tăng cường các hành động leo thang quân sự, đến mức có thể hình dung một cuộc chiến tranh sắp nổ ra.
Sự kiện đang xảy ra trong nửa đầu tháng 10, Trung Quốc tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp căn cứ dọc bờ biển gần Đài Loan. Qua các hình ảnh vệ tinh cho thấy, quân đội Trung Quốc đang nâng cấp và củng cố các căn cứ không quân ở vị trí rất gần Đài Loan. Các căn cứ này nằm dọc theo bờ biển phía đông nam Đại lục.
Hồi đầu tháng 10, trong bốn ngày liên tiếp, không quân Trung Quốc đã huy động tới 149 lần chiếc máy bay di chuyển vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Bắc, cùng các cuộc tập trận của hải, lục quân dọc theo hai bờ eo biển Đài Loan.
Về cơ sở hạ tầng quân sự, quân đội đã cho mở rộng các sân bay quân sự Phúc Kiến, xây dựng thêm nhà chứa máy bay, kho chứa bom. Căn cứ không quân Longtian cũng đang được mở rộng và nâng cấp các vị trí phòng không, đường băng, sân đỗ và boongke. Tại một căn cứ gần đó là Huian (cách căn cứ không quân dưới lòng đất của Đài Loan khoảng 300k) cũng được thiết kế của các nhà chứa và hầm trú bom cho máy bay. Các hầm trú ẩn chống bom, nhà chứa máy bay và các công trình gia cố khác có thể nhằm đề phòng sự tấn công từ quân đội Đài Loan.
Dự án nâng cấp và cải tạo các căn cứ ở Phúc Kiến chỉ là một phần trong chương trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh có thể chối bay khi các nhà nghiên cứu quân sự cho rằng, đây là dấu hiệu Trung Quốc chuẩn bị thôn tính Đài Loan bằng chiến tranh.
Antony Wong Tong, một chuyên gia quân sự ở Macau, cho rằng: “Longtian trông có vẻ sẽ được sử dụng làm căn cứ thay thế sau khi được cải tạo quy mô lớn, trong khi 4 hầm trú ẩn máy bay mới và 24 hầm chứa hiện tại ở căn cứ Huian cho thấy nơi đó có thể hỗ trợ một lữ đoàn không quân”.
Xưa nay, không ai còn lạ gì phép tàng hình của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Họ luôn luôn nói rằng, cố gắng giữ ổn định tình hình, không leo thang chiến tranh; các hoạt động quân sự chỉ nhằm để tự vệ. Nhưng sự thật thì luôn làm ngược lại.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc cho rằng, Mỹ mới là kẻ gây bão ở Biển Đông; kẻ tiếp tay cho âm mưu nổi loạn của Đài Loan. Ông Ngô “chuyển lửa” về phía Mỹ, rằng, cần phải cảnh giác trước những hành động biến ổn định thành bất ổn của Mỹ ở Biển Đông.
Theo “nhà lí luận” này, tình hình Biển Đông hiện nay tổng thể ổn định và tốt đẹp, tuy nhiên, Mỹ lại tăng cường can dự vào khu vực, nhất là kích động Đài Loan li khai, khiến tình hình khu vực ngày càng căng thẳng.
Ngô Sĩ Tồn lớn tiếng: “Mỹ đang thúc đẩy những mục tiêu chiến lược ngạo mạn và đi theo đường lối của những ‘kẻ cướp nước’, theo đuổi sự ‘độc tôn’ và ‘chính trị cường quyền’. Mỹ không ngần ngại sử dụng các phương tiện chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự và các phương tiện khác để kéo bè kết phái, khuấy động tình hình Biển Đông, âm mưu tạo ra lực lượng mới và các nhóm đối đầu trên Biển Đông”.
Theo lô gic đó, Ngô Sĩ Tồn kêu gọi các nước Đông Nam Á “đồng tâm hiệp lực” cùng Trung Quốc không mắc mưu Washington, phải tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Nếu Mỹ cố tình phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông sẽ phải trả giá đắt.
Những lập luận này không phải của riêng Ngô Sĩ Tồn hay Hồ Tích Tiến (Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu) và một số tướng lĩnh, nhà khoa học được coi là diều hâu nhất của bộ máy truyền thông Trung Quốc. Đó là chủ trương nhất quán của giới lãnh đạo Bắc Kinh: mưa dầm thấm lâu, biến không thành có, biến có thành không. “Mạch tuyên truyền” chủ đạo là hạ bệ Mỹ và lôi kéo các nước trong khu vực.
Những hành động vi phạm pháp luật trên Biển Đông trong thời gian qua, nhất là hàng loạt động thái đe dọa đối với Đài Loan trong những ngày qua càng chứng tỏ sự dối trá của Trung Quốc. Phía sau những tuyên bố hùng hồn về sự tôn trọng luật pháp quốc tế, chung tay giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực là những việc làm trắng trợn, nhằm hăm dọa, uy hiếp, các nước yếu thế.
Đài Loan, Philippines, Malaysia, hay Việt Nam, Campuchia… được xem là những con bài trong tay Mỹ và Trung Quốc. Còn nhớ hồi tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Hariss trong chuyến thăm Việt Nam và Singgapore đã nói thẳng ra rằng: “Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, gia tăng sức ép … đối với Bắc Kinh để buộc họ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc”.
Rốt cục thì sao, các nước mà bà Hariss viếng thăm đã lựa chọn cách “khôn” nhất, ít nhất là vào thời điểm này: đi giữa hai hàng quân. Và cứ cho rằng hai “con hổ” Mỹ-Trung khi đã nắm trong tay những con bài tốt chưa hẳn đã thắng, mà còn phải biết khôn khéo, biết lừa, biết tiến, thoái. Giờ là lúc Washington và Bắc Kinh cùng ra sức tranh thủ các nước đồng minh, láng giềng và chọn thời cơ hạ gục đối phương.