Hôm 6/10, NATO thông báo sẽ trục xuất 8 nhân viên phái đoàn quan sát viên Nga tại tổ chức này vì hoạt động gián điệp; ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga đã tuyên bố các biện pháp trả đũa một cách mạnh mẽ.
Tình hình ở Ukraine là tiêu điểm khiến quan hệ NATO và Nga ngày càng xấu đi
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm thứ Hai (18/10) tuyên bố, Nga sẽ tạm đình chỉ phái bộ của mình tại NATO, Điện Kremlin cũng sẽ đóng cửa phái bộ liên lạc của NATO tại Moscow từ ngày 1/11. Để liên lạc với Moscow, NATO hiện cần liên hệ với đại sứ Nga tại Bỉ.
Động thái này đã khiến cuộc đối đầu giữa Moscow và Liên minh xuyên Đại Tây Dương leo thang.
Hành động trả đũa ngoại giao
Ngoại trưởng Lavrov cho biết động thái này nhằm đáp trả việc NATO trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga vào ngày 6/10. NATO khi đó đã tuyên bố rằng những người bị trục xuất thực sự là “nhân viên tình báo Nga nhưng không được khai báo”. Việc trục xuất đồng nghĩa với việc một nửa số nhân viên của Moscow bị cấm làm việc tại trụ sở của NATO ở Brussels.
Ông Lavrov nói: “Để đáp trả hành động của NATO, chúng tôi tạm dừng hoạt động của phái bộ Nga tại NATO, bao gồm cả công việc của trưởng đại diện quân sự, có thể bắt đầu từ ngày 1/11 hoặc có thể kéo dài thêm vài ngày nữa”.
Ông chỉ ra rằng NATO đã biết được phản ứng của Moscow đối với việc họ trục xuất 8 đại diện thường trực của Nga tại NATO.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga tuyên bố cũng sẽ chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thông tin NATO ở Moscow đặt tại Đại sứ quán Bỉ.
Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: “Nếu các nước thành viên NATO có bất kỳ vấn đề khẩn cấp nào, họ có thể liên hệ với đại sứ của chúng tôi tại Bỉ. Ông ấy phụ trách đảm bảo mối quan hệ song phương giữa Nga và Vương quốc Bỉ”.
Ngoại trưởng Lavrov nói thêm: “Thứ nữa, chúng tôi sẽ đình chỉ các hoạt động của Văn phòng Liên lạc quân sự NATO ở Moscow, và tư cách ngoại giao của các nhân viên cơ quan này sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/11”.
Ông nhấn mạnh rằng NATO đến nay vẫn chưa chính thức giải thích với Nga lý do của việc họ tước tư cách 8 thành viên của phái đoàn Nga tại NATO.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Nga và NATO hiện không có bất kỳ liên hệ nào ở cấp độ quân sự.
Lý do NATO đưa ra về việc trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga là vì họ thực sự đã bí mật tham gia hoạt động gián điệp. Các quan chức NATO cho biết họ cũng sẽ giảm số lượng thành viên phái bộ Nga làm việc tại trụ sở NATO xuống còn 10 người, nhưng không giải thích lý do tại sao lại đưa ra quyết định này.
Ông Lavrov cho biết: “Do NATO tùy tiện hành động, chúng tôi thực sự không có điều kiện để thực hiện các công việc ngoại giao cơ bản. Trước hành động của NATO, chúng tôi đã quyết định đình chỉ công việc của phái đoàn thường trực tại NATO, bao gồm cả công việc của đặc phái viên quân sự”.
Ông Lavrov phàn nàn: “NATO không quan tâm đến đối thoại và hợp tác bình đẳng”. Ông cho biết, các nhân viên của phái bộ quân sự NATO tại Moscow cũng sẽ bị đình chỉ từ ngày 1/11.
Người phát ngôn của NATO đã lên tiếng phản hồi: “Chúng tôi đã ghi nhận những bình luận của Bộ trưởng Lavrov trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về các vấn đề mà ông ấy nêu ra”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với Deutsche Welle rằng việc Nga quyết định đóng cửa phái bộ của NATO đã khiến quan hệ giữa NATO với Moscow trở nên tồi tệ hơn. Ông Maas nói: “Chúng ta buộc phải thừa nhận thêm rằng Nga dường như không còn sẵn sàng hợp tác”, và ông gọi quyết định này của Nga là “không chỉ đáng tiếc … nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ (NATO và Nga)”.
Căng thẳng trong quan hệ song phương
Động thái của NATO diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa NATO và Moscow liên tục gia tăng căng thẳng. Đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở khu vực miền Đông Ukraine, quan hệ NATO – Nga trở nên xấu đi và hợp tác song phương thực tế đã chấm dứt. Tuy nhiên, cả hai vẫn cố duy trì các kênh liên lạc mở để thúc đẩy sự phối hợp giữa chỉ huy cấp cao quân đội hai bên.
Các quan chức NATO từng tuyên bố rằng NATO đã tăng cường “khả năng răn đe và phòng thủ” để đối phó với “hành động xâm lược của Nga”, nhưng vẫn “sẵn sàng đối thoại có ý nghĩa với Moscow”.
Tuy nhiên, cái gọi là Hội đồng Nga – NATO rất hiếm khi họp vì quan hệ của Nga với phương Tây đã xấu đi sau các hành động được NATO cho là khiêu khích của Nga, bao gồm các hoạt động của Nga ở Ukraine, triển khai tên lửa hạt nhân, thường xuyên cho máy bay vi phạm không phận của NATO và quấy rối các tàu NATO trên biển.
Jamie Shea, quan chức cao cấp NATO từng là Phó trợ lý Tổng thư ký về Các thách thức an ninh mới nổi tại NATO cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2018. Ông nói: “Chúng tôi thấy rằng đây là hậu quả của việc hai bên chưa thực sự trao đổi với nhau – ít nhất là không có ở cấp độ công việc. Tất nhiên, do gần đây Nga cho thấy họ không có dấu hiệu rút khỏi Crimea – điều kiện để cho NATO nối lại quan hệ bình thường. Tình trạng thiếu liên lạc có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian dài tới đây”.
Khi đánh giá về tình hình hiện nay, Jamie Shea nói với Deutsche Welle: “Tất nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu có thể nói chuyện với người của họ (Nga) tại Brussels. Nhưng với tình trạng tồi tệ của mối quan hệ giữa hai bên hiện nay, điều này đã không tạo ra một sự khác biệt lớn”.
Trong vài tháng qua, nhiều quốc gia thành viên NATO hoặc các quốc gia thân cận với NATO, đặc biệt là các nước Đông Âu, đã liên tiếp yêu cầu các nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước họ với lý do nghi ngờ hoạt động gián điệp. Chính quyền Matxcơva thường phản ứng theo cách tương tự, tức yêu cầu các nhà ngoại giao của các nước liên quan rời khỏi Nga.
Trước đó, NATO thông báo sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của 8 nhân viên Văn phòng đại diện Nga tại NATO và giảm số lượng thành viên của cơ quan này xuống còn 10 người. Tổng thư ký NATO John Stoltenberg cho rằng NATO vẫn mở rộng cửa đối thoại với Nga và sẽ tiếp tục thúc giục tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Nga – NATO.