Đây là đề nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng khi Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội
Khâu quyết định sự thành công
Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 – Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 18/10, các đại biểu đều đánh giá, Chính phủ ban hành Nghị định 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong Nghị quyết đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương cũng căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.
Trong trường hợp tổ chức triển khai thực hiện hoặc trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn các biện pháp quy định trong Nghị quyết 128; hoặc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các hướng dẫn của các bộ, ngành các địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện thì đề nghị các địa phương có đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể. Đồng thời gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, để báo cáo với Ban Chỉ đạo, với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, khi có Nghị quyết rồi, từ đánh giá giai đoạn đầu và đưa ra những giải pháp, khâu tổ chức vẫn là khâu quyết định sự thành công khi triển khai Nghị quyết.
“Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng 1 chiếc xe trên đường 5 phút có thể kéo dài đến 1 tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí”, ông Thọ dẫn ví dụ và cho biết, tại các chốt kiểm dịch, phải phân luồng các đối tượng, ví dụ xe container một vị trí, xe khách một vị trí… không để dừng đỗ trên đường gây ách tắc nhưng vẫn kiểm soát dịch tốt.
“Chúng ta phải thống nhất, ứng dụng công nghệ phải qua mã QR để khai báo y tế, chứ có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn. Ngành y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24-48 giờ. Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có những bức xúc”, ông nói.
TS Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện cũng nhận xét, Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo, khi Nghị quyết 128 ra đời xã hội đón nó như luồng gió mới. Nhưng hiểu được Nghị quyết 128 để thực hiện cho đúng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề.
Ông Nhưỡng chỉ ra 6 vấn đề cần khắc phục:
“Chúng ta rất buồn với các chốt liên tỉnh. Tôi đã trực tiếp đi đến các chốt liên tỉnh và có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, thống nhất quan điểm không có giá trị gì, xét về mặt dịch tễ không có giá trị, xét về mặt giao thông vận tải thì càng tệ, dẫn đến câu chuyện mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đề cập là không được cát cứ. Đây là câu chuyện thứ nhất chúng ta phải khắc phục.
Thứ hai là cách ly tập trung, rất rủi ro. Tôi đã nghiên cứu các bệnh viện ở Bình Dương là 12.000 bệnh nhân với 12.000 giường bệnh tập trung vào đấy. Một con số khủng khiếp.
Thứ ba là chuyện người dân về quê, chuyện không được đi lại, trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở 1 hồi lâu, khi có Nghị quyết 128 thì được hít 1 hơi dài.
Thứ tư là tình hình y tế, bây giờ chúng ta phải củng cố lại. Câu chuyện này như là đi vào trận, vừa tiến công, phải vừa bắn vừa chạy. Chúng ta không thể cầm súng ngồi để mà chờ bắn được.
Câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. Trên mạng xã hội người ta nói rất nhiều là trên bảo dưới không nghe, đặc biệt là người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương, đây là câu chuyện rất khó hiểu.
Thứ sáu là đã có chuyện tham nhũng trục lợi, đục nước béo cò, lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm ăn, để vơ vét. Thủ tướng đã phải chỉ đạo rồi, cương quyết nếu có dấu hiệu thì chúng ta phải lập tức điều tra xem xét xử lý”.
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, khi trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải giải quyết những vấn đề đó với các mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh; phát triển, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng an ninh; các hoạt động bình thường và tiếp tục các hoạt động đối ngoại quốc tế.
Không thể để xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”
Ông Nhưỡng cho hay, chuyển trạng thái thứ nhất cần đảm bảo tính thống nhất, thứ hai đảm bảo tính tuân thủ cao, thứ ba đảm bảo thông tin phản ánh kịp thời. Nghị quyết chúng ta có rồi, trong trường hợp có gì phản hồi lại thì có sự điều chỉnh. Thứ tư, ông lưu ý là đang có chuyện hiểu lầm.
“Khi chúng ta tạm dừng Chỉ thị 15, 16, 19 và Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86 thì các địa phương hình dung là không biết có dừng an sinh xã hội không, có dừng các gói hỗ trợ không. Tôi nói là không thể dừng được, đặc biệt thi đua là không thể dừng được. Chỉ thị 19 là về thi đua, giờ mà dừng thi đua thì không được”, ông Nhưỡng nêu rõ và cho rằng có 3 điều chống khủng hoảng.
Thứ nhất là chống khủng hoảng y tế, cương quyết không được khủng hoảng y tế nữa, từ câu chuyện vaccine đến thuốc chữa COVID… Chúng ta cũng phải vận dụng đông tây y, cả nam dược, đông được, đặc biệt củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Thứ hai là không được để khủng hoảng an sinh cho người dân trực tiếp và những người về quê.
Không được để khủng hoảng sản xuất kinh doanh. Giao thông vận tải không thông suốt là ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Từ Nghị quyết đến hành động chúng ta có 3 vấn đề lớn, một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương.
Ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình. Trên cơ sở đánh giá tình hình thì chúng ta mới có thể vận dụng đúng được.
Các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng có sự linh hoạt. Chúng ta đang ngồi ở đây là chúng ta đang ngồi ở địa điểm rất xanh, tất cả chúng ta đều tiêm hết, đều xét nghiệm hết, nhưng không được chủ quan. Đề nghị tiếp tục có sự tuyên truyền một cách đúng đắn, phổ biến sâu rộng cho người dân và đặc biệt hỗ trợ để người dân hiểu và thực hiện. Từ đó chúng ta mới đưa Nghị quyết vào thực hiện có hiệu quả thời gian tới.
Nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện cho biết, chúng ta đã có kinh nghiệm, cơ sở từ việc áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và thêm Nghị quyết 128, Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng “nhịp đập” của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được.
“Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền, từ Nghị quyết 128 này cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm, trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm. Vào trận mà không chỉ huy được thì tôi đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát”, TS Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề.