Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Nga: Đằng sau khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc

Chuyên gia Nga: Đằng sau khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc

Xin giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết về cuộc khủng hoảng năng lượng và một số vấn đề mà Bắc Kinh đang phải đối mặt.

Bài viết nhìn từ một góc nhìn rất khác so với những cách hiểu phổ biến lâu nay (về Trung Quốc) của chuyên gia Nga Andrey Voskresensky để cùng tham khảo. Bài và ảnh đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 15/10/2021.

Những tin tức mới nhất từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã cập nhật những chi tiết gây thất vọng, khác hẳn với những quan điểm quen thuộc phổ biến trong xã hội Nga lâu nay về quốc gia láng giềng phía đông này của mình.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tạo dựng được cho mình hình ảnh một quốc gia trụ vững được trước bất kỳ khó khăn nào về chính trị và thậm chí cả kinh tế:

Bắc Kinh đã vững vàng vượt qua các giai đoạn khủng hoảng tài chính và duy trì tốc độ phát triển của mình ngay cả trong thời kỳ đại dịch coronavirus,- một thành công thực sự vượt quá sức tưởng tượng của rất nhiều người.

Tuy nhiên, giờ thì hình ảnh đẹp đẽ của một đất nước là đầu tàu của nền kinh tế thế giới đang bị lung lay và có vẻ như đó là một điềm báo trước cho những thay đổi tiêu cực hơn có thể làm nên những thay đổi lớn.

Tạm thời thì những gì đang xảy ra tại Trung Quốc gần như không ảnh hưởng đến nước Nga và trên không gian thông tin của Nga. Nhưng trên thực tế, đó thực sự là một cuộc khủng hoảng mới đang làm rung chuyển Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã buộc phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: các đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng liền do tình hình dịch bệnh phức tạp, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm vi điện tử (tình trạng này tác động tiêu cực đến việc sản xuất thiết bị điện tử trên toàn thế giới – từ công ty Sony của Nhật Bản đến công ty Audi của Đức (công ty Audi Đức mới đây đã phải cho dừng dây chuyền lắp ráp do thiếu chip), tình trạng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản…

Và giờ đây, CHND Trung Hoa đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng cực kỳ nghiêm trọng.

Tại phần lớn các tỉnh thành, mức tiêu thụ điện năng đều bị hạn chế. Chính vì lý do này, nhiều xí nghiệp trong ngành công nghiệp Trung Quốc buộc phải tạm ngừng hoạt động và dừng thực hiện các đơn đặt hàng đã ký – một số xí nghiệp chuẩn bị phá sản và phải bán tháo trang thiết bị.

Tại một loạt các thành phố lớn ở CHND Trung Hoa, các cơ quan dịch vụ dân sinh cắt điện và nước, hoạt động của các mạng viễn thông liên tục bị gián đoạn.

Để tránh bị cho là đưa ra những nhận định vô căn cứ, chúng tôi (tác giả) xin dẫn ra đây một số ví dụ cụ thể liên quan đến các biện pháp hạn chế sử dụng điện và cúp điện của Trung Quốc.

Cụ thể, tính đến đến ngày 19/9 năm nay, trên địa bàn tỉnh Giang Tô đã có tới 1.096 nhà máy chỉ được cấp điện theo sơ đồ “hai sau hai” (2 ngày có điện, sau đó là 2 ngày không có điện), 143 cơ sở sản xuất bị cắt điện hoàn toàn.

Tại tỉnh Quảng Đông, các nhà máy được cấp điện theo sơ đồ “hai sau năm” (có nghĩa là 2 ngày có điện và sau đó là 5 ngày không có điện), cấm bật điều hòa nhiệt độ nếu nhiệt độ dưới 26 độ C, hạn chế việc sử dụng thang máy (thang máy không được lên cao quá tầng ba).

Tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, các nhà chức trách đã quyết định giảm 35% phụ tải điện, còn lãnh đạo tỉnh Vân Nam đã áp đặt các hạn chế đối với những nhà máy xí nghiệp thuộc các ngành công nghiệp thép, xi măng, nhôm và nhiệt điện từ ngày 11/ 9.

Về phần mình, chính quyền khu tự trị Hồi Ninh Hạ đã quyết định dừng hoạt động của các xí nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng điện cao trong vòng một tháng.

Còn tại tỉnh Thiểm Tây, mức sử dụng điện tối đa được quy định chỉ ở ngưỡng 40% của các tháng trước đó và các biện pháp này sẽ được áp dụng cho đến tận tháng 12 năm nay.

Ở tỉnh Thanh Hải và châu tự trị Hồi Xương Cát, ngay từ cuối tháng 8, hoạt động của các nhà máy xí nghiệp sản xuất nhôm đã bị hạn chế (tổng cộng có hơn 10 nhà máy sản xuất nhôm ở hai địa bàn này), và những nhà máy này được lệnh không được sản xuất vượt mức quy định là 238 nghìn tấn nhôm mỗi tháng.

Nếu nói bằng một thứ ngôn ngữ thẳng thắn và dễ hiểu, thì Chính quyền Quốc đơn giản là đã cúp điện ở các thành phố và các nhà máy.

“Công cuộc cắt điện” này, dù hơi khó hiểu, nhưng đã bắt đầu không phải là một tháng trước đây như nhiều người nghĩ– CHND Trung Hoa đã gặp những vấn đề rất nghiêm trọng về điện năng ngay từ mùa xuân năm nay.

Điểm khởi đầu có thể chắc chắn xác định là từ tháng 5 năm 2021- khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã trừng trị thẳng tay những cơ sở “đào” tiền điện tử Bitcoin- một công việc cần một mức tiêu thụ điện rất lớn.

Sự kiện này khi đó không được mấy ai để ý, nhưng trong bối cảnh những gì đang xảy ra hiện nay, nó đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Không khó để luận ra rằng, những động thái trên của chính quyền rõ ràng nhấn mạnh thực tế rằng Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ngay trong công tác điều hành- quản lý.

Vào thời điểm hiện tại, rất khó để xác định những nguyên nhân nào đã gây ra cuộc khủng hoảng (năng lượng điện) này. Cụ thể, một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng là hậu quả của “chương trình nghị sự xanh” của Trung Quốc.

Đương nhiên, đây thậm chí không thể được coi dù chỉ là một kiểu giải thích có tính khả tín cho thảm họa hiện nay tại Trung Quốc – rất khó để tin được rằng Bắc Kinh đã quyết định tự tay đánh sụp nền kinh tế của mình chỉ vì “công cuộc đấu tranh” chung chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Xét tổng thể, tình hình hiện tại ở Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về quản lý và logistics mà Liên Xô đã phải trải qua trong mùa đông khắc nghiệt năm 1984-1985.

Nguyên Bí thư (thứ hai) BCH TW ĐCS Liên Xô E.K. Ligachev đã nhớ lại trong cuốn hồi ký của mình về tình hình Liên Xô lúc đó như sau:

“Sẽ là không quá lời nếu nói rằng nền kinh tế quốc dân (Liên Xô) khi đó đã đứng trên bờ vực bị tê liệt. Tôi còn nhớ rất rõ tình cảnh của những tháng đó:

54 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hỗn hợp và là thành tố cấu thành tiềm lực năng lượng chủ yếu của chúng ta có thể phải tắt các lò hơi vào bất cứ ngày giờ nào, tại một số nhà máy nhiệt điện, than được chuyển trực tiếp vào lò từ xe tải theo đúng nghĩa đen.

Trên các tuyến đường sắt có hàng trăm chuyến tàu bị kẹt lại. Hai mươi hai nghìn toa tàu bị chết cứng trên các đường nhánh- không thể bốc dỡ chúng do hàng hóa đã bị đóng băng.

Chính phủ đã phải chuẩn bị một phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai: khi đó phải cho ngừng hoạt động hàng trăm xí nghiệp lớn nhất tiêu thụ nhiều khí đốt và dầu mazut để đảm bảo cung cấp nhiệt sưởi ấm và ánh sáng cho các khu dân cư, đồng thời để tránh xảy ra tình trạng các căn hộ bị đóng băng. Có vẻ như là đây khoảng thời gian khủng khiếp nhất kể từ sau chiến tranh”.

Và hiện tại, có thể khẳng định một cách hết sức chắc chắn rằng nguyên nhân thực sự của những gì đang xảy ra tại Trung Quốc nằm ngay trong chính cuộc chiến quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington. Mặc dù có một nền kinh tế mạnh một cách giả tạo (như nhiều người vẫn cảm thấy), nhưng Trung Quốc đã phải chịu những thất bại chiến lược nghiêm trọng trên toàn thế giới trong những năm gần đây.

Người Mỹ đã không chút do dự khi huy động tất cả mọi phương tiện và khả năng- những phương tiện và khả năng mà Mỹ đã từng sử dụng trong trường hợp chống lại Liên Xô trước đây để chống CHND Trung Hoa.

Từ hơn mười năm nay, Hải quân Hoa Kỳ đã hiện thực hóa một chiến lược cổ điển có tên gọi là “kiềm chế trên bờ vực chiến tranh”, – về bản chất, chiến lược này có nghĩa tạo ra sự leo thang căng thẳng tình huống chiến dịch liên tục ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.

Các khoản đầu tư nhiều tỷ đô la của Bắc Kinh vào Châu Phi và Trung Đông đang hứng chịu các đòn tấn công liên tục hoặc thậm chí có nguy cơ bị mất trắng do hàng loạt cuộc cách mạng và xung đột quân sự bùng nổ ở các khu vực nói trên của Trái Đất (một trong những tổn thất gần đây nhất là tại Guinea và Sudan). Và, điều quan trọng nhất, Trung Quốc đã bị mất nhà cung cấp nguồn nhiên liệu chính cho các nhà máy điện của mình– đó là Australia.

Phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của CHND Trung Hoa gắn liền với nguồn than đá trước đây được mua từ Canberra.

Một năm trước, quan hệ giữa hai nước đã bị cắt đứt và Bắc Kinh bị ngừng cung cấp nguyên liệu thô. Ngoài ra, Úc cũng còn là nhà cung cấp chủ yếu quặng sắt chất lượng cao, một mặt hàng có tầm quan trọng sống còn đối với ngành công nghiệp gang thép của Trung Quốc.

Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác để thay thế.

Thứ nhất, nguồn nguyên liệu thô của Australia luôn có giá tương đối thấp do điều kiện khai thác đơn giản và tương đối dễ dàng, cả đối với các mỏ than và mỏ quặng.

Và thứ hai, nguồn nguyên liệu từ Ausralia có chất lượng cực kỳ cao. Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc không thể tìm đâu ra nguồn cung để bù đắp cho những thiếu hụt như vậy, và điều này gây ra những tổn thất khổng lồ cho nền kinh tế nước này.

Tình cảnh ngành công nghiệp vi điện tử Trung Quốc cũng không kém phần thú vị- và cũng rất đáng bàn tới.

Như đã đề cập tới ở trên, ngành công nghệ này của Trung Quốc đang ở trong tình trạng khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng – và đây hoàn toàn không phải là một tai nạn ngẫu nhiên.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã “quyết liệt” gây sức ép tới hầu hết các đối thủ của mình chính bằng việc sản xuất chip – như theo lời của chính các quan chức Trung Quốc hay nói thì nếu không có các con chíp (Trung Quốc), thị trường điện tử thế giới sẽ đối mặt với một sự sụp đổ toàn diện.

Rất nhiều thông tin giả được tung ra và các cuộc tấn công thông tin được thực hiện với mục đích duy nhất là phát tán thông tin sai lệch cho rằng các sản phẩm vi điện tử Trung Quốc chiếm một phần lớn thị trường thế giới và thế giới này sẽ không sống nổi nếu thiếu các sản phẩm này của Trung Hoa.

Tất nhiên, không có một chút sự thật nào trong khẳng định này – cụ thể, trong năm 2019, số lượng chip Trung Quốc chỉ chiếm 30% tổng số chip được sản xuất trên thế giới,  phần còn lại thuộc về Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiện tại, thị phần của họ đang giảm dần do thiếu nhu cầu – đơn giản là vì Trung Quốc không thể đủ sức sản xuất lượng sản phẩm vi điện tử cần thiết cho nhu cầu của thị trường thế giới.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nên được thảo luận trong một bài riêng, và chắc chắn sẽ được thực hiện trong bài báo tiếp theo dành riêng cho chủ đề chiến lược nhằm đánh sập Trung Quốc của Mỹ.

Tuy nhiên, sự thật nằm ở chỗ xuất khẩu sản phẩm vi điện tử đã và đang là một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc.

Cụ thể, trong năm 2014, nó đã chiếm một phần ba tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc và đóng góp tới 660 tỷ đô la cho ngân sách của Bắc Kinh.

Sang năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 350 tỷ USD và sẽ tiếp tục giảm – các công ty Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt mà Mỹ, Châu Âu và Australia áp đặt đối với họ.

Trung Quốc là đã không còn các trang thiết bị hiện đại cho ngành in, bảo dưỡng kỹ thuật những phương tiện đã có, mất khả năng tiếp cận với công nghệ vi điện tử tiên tiến của Phương Tây, mất cơ hội đào tạo sinh viên của mình tại các trường đại học kỹ thuật tốt nhất ở Hoa Kỳ, và điều quan trọng nhất, Bắc Kinh bị cô lập với hầu hết các thị trường tiêu thụ hàng hóa quen thuộc của mình.

Nhân tiện, điều này cũng giải thích cho việc tại sao chính quyền Trung Quốc lại ráo riết trấn áp các nhà lãnh đạo của những công ty công nghệ cao Trung Quốc (lấy ví dụ, sẽ rất thích hợp nếu nhắc lại vụ việc gây ầm ỹ với người sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma) – rõ ràng là những nhà lãnh đạo những tập đoàn này, không giống như các quan chức, đã sớm nhận thức được điều gì đang xảy ra và cố gắng gây tác động lên chính phủ nhưng đã bất lực.

Quả thực là trong một thời gian dài, CHND Trung Hoa đã tìm mọi cách làm mờ những dấu hiệu suy thoái trong nền kinh tế, trong ngành công nghiệp và trong hệ thống quản trị của mình.

Nhờ có một biên độ an toàn nhất định và tình trạng đóng cửa chung của đất nước, Bắc Kinh đã che được cuộc khủng hoảng trước con mắt thế giới bên ngoài, và giấu mình sau những luận điệu ngoại giao dưới dạng wolf-warrior diplomacy (nguyên văn tiếng Anh của tác giả- tức “ngoại giao chiến lang”-ND) và những nỗ lực bành trướng kinh tế (ví dụ, như những gì chúng ta đã thấy trong 2020 trong quan hệ đối với Australia).

Nhưng không thể kéo dài như vậy mãi – và ngay từ bây giờ Trung Quốc đang nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn do chính những chính sách quá tham vọng của chính họ.

Tất nhiên, bài báo này- chỉ mới là khúc dạo đầu cho một chủ đề cực kỳ rộng và cực kỳ không đơn giản về sự lao đao của Bắc Kinh. Phía trước chúng ta vẫn còn một câu chuyện dài với những nội dung có liên quan chặt chẽ với cả chiến lược, khoa học phân tích và kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới