Sunday, December 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao đường sắt muốn nhập 37 toa tàu cũ của Nhật...

Vì sao đường sắt muốn nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản giá 0 đồng?

37 toa tàu cũ của Nhật Bản được nhập khẩu là loại toa tàu tự vận hành, có động cơ, cabin tự thực hiện việc chạy tàu mà không cần đến đầu máy.

Hình ảnh toa tàu cũ của Nhật Bản vận hành trên đường ray.

Số toa tàu cũ phải thanh lý còn rất nhiều

Theo tài liệu của PV Dân Việt có được, hiện nay, ngành đường sắt có khoảng 1.100 toa tàu khách, trong đó, khoảng 560 toa tàu có số năm vận hành dưới 20 năm chiếm 51%; 250 toa tàu có số năm vận hành 20 – 30 chiếm 23%; 120 toa tàu số năm vận hành từ 30 – 40 năm chiếm 11%, còn lại là các toa tàu vận hành trên 40 năm chiếm 15%.

Như vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có số lượng các toa tàu phải thanh lý theo Luật đường sắt còn khá nhiều.

Bên cạnh việc các toa tàu sắp phải thanh lý, những năm qua, việc kinh doanh của ngành đường sắt liên tiếp ghi nhận lỗ, đặc biệt, hệ thống hạ tầng, toa tàu, đầu máy lạc hậu khiến cho ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, ngành đường sắt đang khai thác các toa tàu trên hệ thống đường sắt Bắc – Nam theo kiểu đầu máy kéo, đẩy. Khi lập tàu phải thực hiện quá trình dồn dịch gây mất thời gian, tốn kém chi phí trong vận hành.

Những toa tàu mà ngành đường sắt đang khai thác lạc hậu hơn so với 37 toa tàu cũ của Nhật Bản muốn chuyển giao cho ngành đường sắt với giá 0 đồng.

Cụ thể, 37 toa tàu cũ của Nhật Bản được nhập khẩu là loại toa tàu tự vận hành, có động cơ, cabin tự thực hiện việc chạy tàu mà không cần đến đầu máy.

Khi sử dụng 37 toa tàu cũ này ngành đường sắt sẽ giảm được nhân công, thời gian lập tàu, giảm chi phí chạy tàu. Đặc biệt, toa tàu tự vận hành tạo ra khả năng hãm đoàn tàu trong quãng thời gian ngắn, điều này làm giảm thiểu được tỷ lệ gây tai nạn trên đường sắt so với đoàn tàu đang được khai thác.

Trao đổi với PV Dân Việt về tính hiệu quả kinh tế khi mua 37 toa tàu cũ Nhật Bản giá 0 đồng, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết: “Giá thành để đưa 1 toa tàu cũ của Nhật Bản vào sử dụng thấp chỉ khoảng 3,8 tỷ đồng/toa, số lượng ghế ngồi lớn khoảng 68 – 82 chỗ ngồi.

“Toa tàu này sử dụng công nghệ mới trên đường sắt, toa tàu có thể chạy độc lập không cần nối đoàn, tạo ra sự cơ động khi chạy tàu. Đặc biệt, chi phí chạy tàu thấp do có thể tự vận hành, không phụ thuộc vào đầu máy hay xe phát điện”, ông Minh phân tích.

So sánh với những toa tàu đóng mới trong nước, ông Minh cho biết, hiện nay, giá thành đóng những toa tàu mới trong nước có giá rất cao khoảng 10,5 tỷ đồng/toa; giá thành toa xe tự hành mới nhập khẩu có giá khoảng 30 tỷ đồng/toa.

Cũng theo ông Minh, toa tàu thông thường của Việt Nam đang khai thác, không thể tự chạy và phải nối với đầu máy nên tạo ra chi phí chạy tàu lớn. Chi phí chạy tàu lớn, chạy theo đoàn vì vậy sẽ có nhiều chi phí phát sinh, phí đầu máy, phí xe phát điện.

Nhập 37 toa tàu cũ là cơ hội tái đầu tư

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, một chuyên gia trong ngành đường sắt cho hay: “Trong điều kiện kinh tế hiện nay đang suy giảm thì việc đầu tư đóng mới toa tàu là vấn đề rất khó khăn của ngành đường sắt do vốn đầu tư quá lớn. Vì vậy, biện pháp nhập khẩu toa tàu cũ của Nhật Bản mà hiện đại hơn mà chi phí hoạt động lại thấp hơn thì nên ưu tiên đầu tư những toa tàu cũ này”.

Cũng theo vị này, ngành đường sắt của chúng ta quá lạc hậu, vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra được những toa tàu có tính động cơ hơn, dễ sử dụng, hiện đại hơn sẽ góp phần tạo ra giá vé tàu giảm, tạo ra cạnh tranh với các lĩnh vực giao thông khách.

Ngành đường sắt cũng đã đến lúc cần phải thay đổi để đáp ứng như cầu của hành khách, những toa tàu cũ Nhật Bản nếu được đưa vào vận hành thành công sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Đồng thời, thu hút được khách về với đường sắt, góp phần giảm tải và đảm bảo hiệu quả về mặt xã hội. Ngành đường sắt hãy coi việc nhập 37 tao tàu cũ này là cơ hội tái đầu tư vào các dự án khác, dần thay thế các toa tàu cũ lạc hậu. Cùng với đó, sẽ nâng cao chất lượng, tiện nghi, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp của ngành đường sắt tiếp cận những công nghệ mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới