Friday, November 15, 2024

AUKUS và TQ

Hơn một tháng trôi qua kể từ khi AUKUS tuyên bố thành lập, dư luận tỏ ra sâu sắc hơn trong đánh giá về sự kiện này. Thay vì tập trung xoáy vào việc Pháp cay cú bị gạt ra rìa một liên minh mới và mất hợp đồng chế tạo tàu ngầm 40 tỷ đô, dư luận chú ý tới tác động của AUKUS đối với Trung Quốc.  

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận gần đây

Sự ra đời của AUKUS, gọi đầy đủ là Quan hệ đối tác an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm ba thành viên Mỹ, Anh, Australia như là sự kiện bất ngờ của năm 2021. Bất ngờ vì nó giữ được bí mật tới gần như vào giờ chót; ngay đến các chuyên gia theo sát diễn biến và các hãng truyền thông nổi tiếng về tài moi tin cũng gần như không có bất cứ bình luận hay tin tức gì trước đó.  Bất ngờ vì trong thành phần, một đồng minh lớn tại Tây Âu, là Pháp không có tên; điều đó khiến Paris giận dỗi, cảm thấy như người thừa. Và bất ngờ hơn, gắn với AUKUS, là việc Australia đơn phương hủy  thỏa thuận chế tạo tàu ngầm với Pháp để ký thỏa thuận mới với Mỹ và Anh, phát triển ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới.

Trị giá thỏa thuận Pháp từng đạt được với Australia về chế tạo tàu ngầm chạy diesel-điện tới 40 tỷ đô-la, khiến Pháp như cuồng lên vì thua thiệt. Truyền thông quốc tế vớ được vụ này, thì làm hoắng lên như sự kiện nóng. Hầu hết các hãng thông tin lớn  đều bị cuốn vào. Rồi tiếp theo, là vô số bài viết, bình luận đủ mọi chiều kích được tung ra. Nội dung các bài viết đều khoét sâu vào sự  cay cú của Paris khi bị chính hai đồng minh quan trọng của mình “nẫng” số tiền lớn. Báo chí, ngoài việc mô tả cơn giận giữ của Pháp, còn có ý khích bác  Paris bị ánh kim tiền làm lóa mắt, tới mức không thèm quan tâm tới lý do chính đáng của Australia: tàu ngầm hạt nhân có thể di chuyển xa hơn, nhanh hơn nhiều so với tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện; với một quốc gia muốn tăng cường vai trò tại các vùng biển tranh chấp, trong bối cảnh hiện nay, điều đó không chỉ quan trọng mà còn quá cần thiết…

Tới nay, những hục hặc của Pháp với ba người đồng minh rồi cũng nguội dần. Nhưng thế không có nghĩa là câu chuyện chấm dứt. Dư luận, tới thời điểm này lại đề cập sâu vào quan hệ  AUKUS  với một cường quốc châu Á, là Trung Quốc. Cụ thể: AUKUS sẽ tác động tới Trung Quốc như thế nào? Bắc Kinh nhìn nhận sự kiện này ra sao?

Xét về hình thức, Bắc Kinh không có lý do để làm mình làm mẩy. Tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ khẳng định quan hệ đối tác AUKUS “dẫn dắt bởi những ý tưởng bền vững, cam kết chung với trật tự quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp”, chẳng hề bóng gió gì tới Trung Quốc. Nhưng đánh giá của giới chuyên gia thì khác, nói thẳng rằng: AUKUS đích thị là một cấu trúc mới, thiên về an ninh tay ba tại không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên.

Như kẻ “có tật giật mình”, Bắc Kinh nghĩ ngay đến việc mình mới chính là lý do của sự cấu kết tay ba Mỹ, Anh, Úc; cái gọi là “mục tiêu bảo vệ và giữ vững lợi ích chia sẻ của các bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của AUKUS chỉ là một cách chung chung. Mục đích sâu sa nhưng không được nói ra, là ngăn chặn Trung Quốc hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn”  trên Biển Đông – vùng biển nóng nhất hiện nay, xét trên phạm vi toàn cầu…

Và Trung Quốc không thể không cáu giận, cho rằng: Mỹ chứ ai, là kẻ cầm đầu “vụ” này. Washington thật quá đáng và ngang ngược, vẫn cho là chưa đủ khi đã có một “bộ tứ”  Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia với liên tiếp những động thái hằm hè với Trung Quốc trong thời gian vừa qua, chưa kể nhưng cuộc cặp kè tập trận tay đôi với cá đồng minh trong hoặc ngoài khu vực…

 Chính thế, Bắc Kinh, ngay sau sự kiện ra mắt của AUKUS, đã bắn tiếng cảnh báo tới các bên liên quan, cho đây là nguyên nhân “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực, lôi kéo chạy đua vũ trang”. Họ cũng đồng thời cảnh báo Australia đừng có hớn hở vội với hợp đồng sắm tàu ngầm hạt nhân; quy kết Canberra đang có sự “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.

Không chỉ cảnh báo miệng, các động thái quân sự tăng cường mới đây của Trung Quốc cho thấy, họ sẽ không để cho bất cứ ai xem thường. Chỉ trong một tuần, từ 20-26.9, Trung Quốc tiến hành 4 cuộc tập trận ở Biển Đông. Ngày 19/10, kênh truyền hình CGTN của Trung Quốc còn công bố video các tiêm kích bom JH-7 của đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông…

Những động thái quân sự dồn dập đó có ý nghĩa gì, nếu không phải là Trung Quốc ngang ngược muốn chứng tỏ: “bộ tứ” hay “bộ tam” cũng mặc kệ. Chẳng ai có thể cản được việc hiện thực hóa “đường 9 đoạn” bao gồm gần 90%  Biển Đông của họ.  

RELATED ARTICLES

Tin mới