Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrừng phạt sự ngông cuồng!

Trừng phạt sự ngông cuồng!

Mặc dù gần đây Trung Quốc tỏ ra “xuống thang” với Mỹ trong tất cả các hoạt động ngoại giao, kinh tế, truyền thông, nhưng đáp lại Washington vẫn tiếp tục có những hành động cứng rắn. Mới đây nhất, Quốc hội Mỹ chuẩn bị thông qua một Dự luật nhằm vào Trung Quốc.

Hôm 19/10, Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và đối tượng Trung Quốc tham gia vào các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông.

Dự luật lưỡng Đảng do Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, đại diện tiểu bang Florida và Thượng Nghị sĩ Dân Chủ Ben Cardin của tiểu bang Maryland bảo trợ, có tên “Dự luật Trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Sau này khi trở thành bộ luật chính thức sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và đối tượng Trung Quốc.

Theo các nhà bình luật quốc tế, có thể đây là cách Washington phản đòn hai bộ luật của Bắc Kinh: Luật hải cảnh và Luật an toàn giao thông hàng hải (sửa đổi) vừa được ban hành từ đầu năm 2021 đến nay.

Còn nếu nhìn xuyên suốt từ năm 1992 đến năm 2020, Trung Quốc đã cho ra đời nhiều văn kiện luật liên quan đến biển, đảo, đó là: Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp; Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Tuyên bố về Đường cơ sở; Luật Môi trường biển; Luật Bảo vệ, khai thác và sử dụng nước biển của Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.

Trận “mưa luật” làm dấy lên lo ngại, Trung Quốc quyết tâm biến Biển Đông thành ao nhà của mình. Và rồi, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác tại các vùng biển tranh chấp sẽ ngày càng gia tăng.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuyên bố, thời gian qua Bắc Kinh đã chủ xướng nhiều hoạt động phi pháp, yêu sách chủ quyền về hàng hải và lãnh thổ đối với Biển Đông và Hoa Đông.

Thượng Nghị sĩ Rubio trong một thông cáo báo chí nói: “Không có mối đe dọa nào lớn hơn đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc và lực lượng vũ trang của họ là Quân đội Giải phóng Nhân dân”. Rubio kêu gọi toàn thể đồng nghiệp trong Thượng viện thông qua Dự luật này.

Mặc dù không phải là một bên có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực Biển Đông nhưng Mỹ luôn khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này. Lầu Năm Góc lên án Trung Quốc đã bắt nạt các nước láng giềng có đòi hỏi chủ quyền ở đây, quân sự hoá khu vực Biển Đông.

Một dẫn chứng gần đây nhất, hôm 7/10, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut đã phải quay về đảo Guam sau sự cố va chạm với vật thể không xác định khi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông cách đó vài ngày.

Tuy không có thương vong, vụ việc vẫn làm xấu đi mối quan hệ giữa các nước, nhất là sau quyết định gần đây của Mỹ về chuyển giao tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia theo thỏa thuận AUKUS.

Về sự việc này, Bắc Kinh chỉ trích “cách tiếp cận vô trách nhiệm và bí mật” của Washington; yêu cầu Mỹ giải thích chi tiết vụ va chạm xảy ra ở đâu và như thế nào. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc việc tàu chiến Mỹ liên tục qua lại Biển Đông làm phức tạp tình hình trong khu vực, phá hoại chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Nói là Mỹ và đồng minh gây phức tạp trên Biển Đông, Bắc Kinh không biết ngượng mồm khi đã hơn 5 năm trôi qua, họ vẫn  ném phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc vào sọt rác. Theo Phán quyết của Tòa, Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền hoặc các quyền khác trong phạm vi “Đường 9 đoạn” vốn vượt khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Trung Quốc được UNCLOS cho phép.

Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở Biển Đông. Nước này tiếp tục phản đối tất các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong đường 9 đoạn, bất kể chúng nằm cách các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền bao xa; tiếp tục để ngư dân của mình đánh cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonesia…

Đến hiện tại, với “Giấc mơ Trung Hoa” làm chúa tể thiên hạ, Trung Quốc vẫn là một trong số rất ít quốc gia còn nuôi tham vọng lãnh thổ. Đó là hành động bành trướng ở Biển Đông, xung đột ở biên giới với Ấn Độ, đe dọa sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực…

Sự ngang ngược ấy cần phải có phép trị kiên quyết, kiên trì và khả thi. Và việc Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thông qua Luật Trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là bộ luật mạnh mẽ nhất để khống chế cái vòi bạch tuộc, để trừng phạt sự ngông cuồng của Trung Quốc ở khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới