Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXuất bột cá sang TQ rồi lại nhập về: Có nghịch lý?

Xuất bột cá sang TQ rồi lại nhập về: Có nghịch lý?

Theo TS Đoàn Xuân Trúc, việc phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã gây ra hệ quả lớn khi giá thức ăn tăng cao chót vót.

Việt Nam xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập về để phục vụ chăn nuôi.

Tại hội nghị trực tuyến Triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm 25/10, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y đã chỉ ra rằng, trong cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay, chi phí về thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất, tới hơn 60%.

Trong khi đó, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay của Việt Nam phải nhập khẩu đến trên 90%.

Vị đại diện doanh nghiệp này cũng chỉ ra một thực tế, Việt Nam có hàng ngàn km bờ biển nhưng bột cá làm thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu, trong khi chất lượng bột cá trong nước vẫn gặp nhiều vấn đề.

Vấn đề vị đại diện doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú ý đưa ra tại hội nghị đã diễn ra từ lâu. Là nước nông nghiệp song mỗi năm Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Điều này càng trở nên áp lực hơn khi giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng cao chưa từng có.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nếu năm 2015 tổng lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 15,4 triệu tấn (tương đương 5,3 tỷ USD) thì đến năm 2020 con số này tăng lên 20,2 triệu tấn (tương đương 6 tỷ USD). Tốc độ tăng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 6,2%/năm.

Các nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn là nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc thực vật. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu: ngô hạt 9,9 triệu tấn (tương đương 1,9 tỷ USD), khô dầu các loại 4,7 triệu tấn (tương đương 1,6 tỷ USD), dinh dưỡng gia súc 1,1 triệu tấn (tương đương 256 triệu USD), bột thịt xương và các phụ phẩm từ động vật 1,2 triệu tấn (tương đương 560 triệu USD), thức ăn bổ sung 661 nghìn tấn (tương đương 876 triệu USD).

Trao đổi với Đất Việt, TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, việc nhập khẩu nói trên không có gì là nghịch lý bởi trong cơ chế thị trường, sản phẩm ở đâu có chất lượng tốt, giá cả phải chăng thì khách hàng sử dụng.

Xét về mặt chủ quan, dù là nước nông nghiệp nhưng riêng mặt hàng ngô Việt Nam phải nhập nhiều, vì trước nay đất đai chủ yếu để trồng lúa. Việt Nam có dành ra một chút đất để trồng ngô nhưng rồi người dân cũng bỏ vì không hiệu quả, năng suất thấp, giống, đất đai, tưới tiêu… không phù hợp.

Việt Nam cũng chưa cho phép sử dụng giống ngô biến đổi gene. Trong khi đó, ngô của nước ngoài được trồng chuyên canh trên cánh đồng lớn, đất đai phì nhiêu, thậm chí nhiều nước sử dụng giống ngô biến đổi gene có năng suất cao gấp 2-3 lần ngô thường, giá thành rẻ.

“Dẫu tình hình thực tế như vậy nhưng theo tôi, Việt Nam vẫn phải tổ chức trồng, đưa giống mới vào, cải tạo đất… cho phù hợp thì năng suất vẫn cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cân nhắc cho phép nhập khẩu ngô biến đổi gene vì xét cho cùng đó là tiến bộ kỹ thuật, các nước trên thế giới vẫn sử dụng bình thường, năng suất cao, giá thành rẻ… Ai dám chắc trong số ngô chúng ta nhập về từ trước tới nay không có ngô biến đổi gene?”, TS Đoàn Xuân Trúc nói.

Đối với bột cá, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, Việt Nam nhiều cá nhưng sản lượng và chất lượng còn thấp, công nghệ chế biến kém, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Kết quả là Việt Nam xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc (hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp bột cá lớn thứ hai cho Trung Quốc – PV) rồi lại nhập khẩu bột cá về để chế biến thức ăn chăn nuôi.

“Đây là bài toán kinh tế, cái gì lợi hơn thì doanh nghiệp làm. Cũng giống như chuyện Việt Nam xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vậy. Trung Quốc sản xuất quy mô lớn, cơ sở vật chất tốt, giá thành rẻ, Việt Nam không cạnh tranh được.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu còn tùy thuộc vào người sản xuất. Việt Nam xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập bột cá ở Peru về. Bột cá Peru nhạt, độ đạm cao, không có tạp chất, rất phù hợp với gia súc, gia cầm non, như lợn, gà, sử dụng an toàn”, ông Trúc cho biết.

Dù vậy, là người gắn bó với ngành chăn nuôi mấy chục năm, ông Trúc đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta chỉ xuất rẻ đi rồi nhập hàng đắt về dùng mà không nghiên cứu, tổ chức sản xuất, tận dụng những nguyên liệu, nông phẩm sẵn có trong nước?

Cám gạo Việt Nam cũng nhiều. Sắn, các loại bột khác có thể chế biến thành thức ăn chăn nuôi chúng ta có thể làm được. Nhưng người dân mấy năm nay làm lãi cao, giá đầu vào cao, giá bán ra cũng cao. Nhưng ngày càng lộ ra nhiều bất hợp lý.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đây là cả một quá trình nhưng tới nay chúng ta đã thấy được hệ quả của việc phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu từ bên ngoài cũng như những bất hợp lý trong ngành thức ăn chăn nuôi ngày càng lộ rõ.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá thức ăn chăn nuôi quý II/2021 tăng 3,1% so với quý trước và tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá thức ăn chăn nuôi 6 tháng tăng 15,26% so với cùng kỳ năm trước, riêng giá sản phẩm chăn nuôi lợn tăng 9,56%.

Cũng theo ông Trúc, những nghi ngại về việc các “ông lớn” sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn bắt tay nhau đẩy giá lên không phải không có cơ sở. Thậm chí, dẫu các cơ sở này không bắt tay nhau thì cũng nhìn nhau để cạnh tranh, từ đó việc đẩy giá thành lên là khó tránh khỏi. Vấn đề là quản lý nhà nước lỏng lẻo để xảy ra tình trạng trên.

Dù vậy, ông vẫn cho rằng đây không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

“Chúng ta đã có Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó xác định thay thế dần nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bằng nguồn nguyên liệu và phụ phẩm nông nghiệp có sẵn trong nước để giảm chi phí đầu vào và tăng chủ động trong sản xuất.

Để thực hiện được những mục tiêu này cần có thời gian, cần sự đồng lòng và chính sách về vốn, đất đai, cơ sở vật chất, con người… Chẳng hạn, muốn chế biến thức ăn thì phải có nhà máy, mà như vậy phải có chính sách đầu tư, còn công nghệ không khó. Nếu cứ để phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như hiện nay thì giá thành sản phẩm chăn nuôi quá cao, không cạnh tranh nổi”, TS Đoàn Xuân Trúc nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới