Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiÔ tô, xe máy cũ nát phải thu hồi tái chế

Ô tô, xe máy cũ nát phải thu hồi tái chế

Các doanh nghiệp kêu khó với quy định tỷ lệ cứng phải tái chế xe thải bỏ là không khả thi, nhưng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng; đó là trách nhiệm của nhà sản xuất.    

Ảnh minh họa

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô xe máy cho rằng, một số quy định dự thảo là chưa phù hợp và khó khả thi. Nhất là quy định về tỉ lệ tái chế 2% số lượng xe bán ra.

Ông Lê Văn Vệ, Trưởng khoa đối ngoại Honda Việt Nam, đại diện cho hai hiệp hội ô tô và xe máy cho rằng, quy định trên đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi đối với ngành ô tô, xe máy, đặc thù của sản phẩm là tài sản có giá trị cao, thời gian sử dụng lâu dài, được chứng nhận thông qua hệ thống đăng ký, nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc căn cứ trên tổng    khối lượng đưa ra thị trường là bất khả thi. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị xem xét bỏ yêu cầu trên. Nếu không điều chỉnh doanh nghiệp sẽ phải thực hiện việc thu gom phương tiện thải bỏ- điều gần như không thể thực hiện được vì chưa có cơ sở pháp lý, thực tiễn. Trên thế giới cũng chưa từng có tiền lệ như vậy.

Trước thắc mắc của doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: đó là quy định bắt buộc.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, ngay sau khi cuộc họp diễn ra, Vụ đã họp với đại diện của hai hiệp hội ô tô và xe máy (VAMA và MAMM). Tại cuộc họp, những ý kiến đóng góp của hai bên đã được tiếp thu.

Để thu hồi sản phẩm thải bỏ bởi ô tô, xe máy có đặc thù riêng là thời gian sử dụng rất lâu nên tỷ lệ tái chế đã được giảm xuống thấp nhất so với những ngành hàng còn lại. Tỷ lệ tái chế đó, theo dự thảo Nghị định, là so sánh với số lượng xe bán ra thị trường. Hiện, tỷ lệ đã được điều chỉnh xuống mức thấp nhất là 1% đối với mặt hàng ô tô, xe máy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đã có từ lâu, bao gồm cả sản phẩm ô tô, xe máy. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay vẫn chưa làm được.

Các hiệp hội doanh nghiệp cho biết hiện không có cơ chế nào để thu gom. Nhưng việc thu gom ô tô, xe máy là giao dịch dân sự và kinh tế của người sử dụng với bên tái chế hoặc tái sử dụng theo giá thị trường. EPR quy định, ngoài cơ chế buộc người sử dụng thải bỏ sản phẩm đưa đi tái chế theo cơ chế giá quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc tái chế sản phẩm do mình sản xuất ra, khi sản xuất ra các loại linh kiện doanh nghiệp phải tính toán đến khả năng tái sử dụng, tái chế dễ dàng.

Luật Bảo vệ Môi trường chỉ quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất phải có trách nhiệm tái chế, không có yêu cầu việc thu gom. Khái niệm thu gom chỉ áp dụng với các mặt hàng không thể tái chế được.

Các doanh nghiệp ô tô, xe máy không thể tự thu gom vì ô tô, xe máy có đặc thù, quyền tài sản tổ chức cá nhân được quy định ở bộ Luật Dân sự.

Vì quy định đặc thù nên quy định tỷ lệ tái chế được quy định rất thấp. Ở một số nước có thể lên đến 5%, còn ở Việt Nam dự thảo ban đầu là 2%, nay giảm xuống chỉ 1%.

Trong khi các sản phẩm như chai nước là 20%. Để có thời gian tổ chức thực hiện, quy định này cũng đã cho giãn tới năm 2027.

Các chuyên gia cho rằng, trên thế giới hiện nay, việc thu gom, tái chế phương tiện giao thông đã được thực hiện từ lâu nhưng không gắn trách nhiệm của nhà sản xuất. Tại châu Âu, cũng yêu cầu trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhưng không quy định bắt buộc về tỷ lệ thu gom mà dùng cơ chế khuyến khích. Khi thải bỏ xe đúng nơi sẽ được mua với giá ưu đãi, bằng tiền hỗ trợ từ nhà sản xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới