Quan chức ngoại giao Mỹ đã có chuyến thăm Campuchia ngay sau khi Washington áp lệnh cấm vận vũ khí với quốc gia Đông Nam Á.
Theo SCMP, phái đoàn của Bộ Ngoại giao Mỹ do Cố vấn Derek Chollet dẫn đầu đã tới Campuchia hôm 10/12. Ông Chollet nói với các phóng viên rằng, ông đã có các cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn về các vấn đề liên quan đến Myanmar và Trung Quốc.
Chuyến thăm của quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington thông báo áp lệnh trừng phạt đối với chính phủ Campuchia, cấm xuất khẩu các vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ cho Campuchia vì những lo ngại về vấn đề tham nhũng và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này.
Ông Chollet cho biết các cuộc trao đổi của ông với ngoại trưởng và các quan chức khác của Campuchia diễn ra dựa trên tinh thần cởi mở và mang tính xây dựng.
Ông Chollet cũng nhắc lại những lo ngại của Mỹ về mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc dẫn đến việc Washington áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với quốc gia Đông Nam Á.
“Thật đáng tiếc, chúng tôi chưa nhìn thấy có sự tiến triển như chúng tôi kỳ vọng kể từ khi chúng tôi nêu các quan ngại này, và thực tế là chúng tôi đã nêu những quan ngại này từ vài năm trước”, ông Chollet nói.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả mối liên hệ của Campuchia với Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ và khu vực, mà còn đối với Campuchia.
Ông Chollet cho biết ông cũng đã thảo luận về việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự mới tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, một vấn đề Mỹ đặc biệt quan ngại.
“Chúng tôi lo ngại về khả năng có một cơ sở quân sự của Trung Quốc”, ông Chollet nói.
Campuchia đã nhiều lần phủ nhận việc nước này sẽ xây dựng một căn cứ hải quân dành riêng cho Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là phải hoàn toàn minh bạch về mục đích và bản chất của mối quan hệ đó, cũng như phạm vi của mối quan hệ và những gì đang diễn ra”, ông Chollet nói thêm.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 10/12 đã lệnh cho tất cả đơn vị quân đội ngay lập tức rà soát các loại vũ khí và quân trang mà Campuchia hiện có. Ông Hun Sen yêu cầu tất cả vũ khí và quân trang của Mỹ nếu có phải được thu hồi, cất vào kho hoặc tiêu hủy.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ đồng loạt ra thông báo về việc trừng phạt 2 quan chức Campuchia bị cáo buộc trục lợi từ việc xây dựng tại căn cứ hải quân Ream do Mỹ tài trợ. Mỹ cáo buộc Campuchia thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ này.
Năm ngoái, Campuchia thông báo đã san phẳng một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream nhằm phục vụ công tác mở rộng cơ sở. Trước đó, Campuchia đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc tu sửa căn cứ này.
Mỹ nghi ngờ Trung Quốc và Campuchia đã ký một “thỏa thuận bí mật” cho phép Bắc Kinh đóng quân, cất giữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ hải quân Ream. Giới chức Mỹ từng tiếp cận bản thảo sơ bộ của thỏa thuận trên cho biết, thỏa thuận cho phép binh lính, vũ khí và tàu Trung Quốc sử dụng căn cứ tại Campuchia trong 30 năm và tự động gia hạn 10 năm một lần.
Campuchia đã bác bỏ những đồn đoán trên và nói rằng việc phá dỡ tòa nhà bên trong căn cứ Ream nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng căn cứ. Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết việc Trung Quốc xây dựng ở căn cứ Ream là một phần trong các hoạt động hỗ trợ phát triển.