Wednesday, December 25, 2024

Năm 2022 và COC

Biển Đông càng diễn biến phức tạp, mong muốn về Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) càng trở nên tha thiết hơn bao giờ hết với ASEAN, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia.

“Đường lưỡi bò” cản trở đàm phán COC

Không chỉ các quốc gia được coi là “một bên” trong câu chuyện Biển Đông, với ‘bên kia” là Trung Quốc, tỏ ra sốt ruột. Chính Trung Quốc cũng tỏ ra sốt ruột không kém với những lời tuyên bố “đầy trách nhiệm và thiện chí” (?). Chẳng hạn, tại cuộc họp trực tuyến với các đồng nghiệp ASEAN ngày 3/8/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định ASEAN chiếm vị trí quan trọng trong toàn cục ngoại giao của Trung Quốc, hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng; Bắc Kinh ủng hộ lập trường của ASEAN duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Cũng Vương ngoại trưởng còn vỗ về các nước ASEAN rằng, Trung Quốc “Nhất trí đẩy nhanh tham vấn COC”, và cho biết, đã …. “thống nhất được lời nói đầu”!

Hàng chục năm đàm phán. Vô số cuộc họp. Những lời hứa hẹn, những động thái thể hiện và khẳng định quyết tâm, vậy mà sau chục năm, kết quả là như thế.

Thế nên, sự hoan hỷ của ông Vương Nghị, không thể khác, là nỗi thất vọng vô hạn của các nước ASEAN, nhất là các nước liên quan trực tiếp vấn đề chủ quyền Biển Đông nêu trên.

Không khó để cắt nghĩa, tại sao, trong khi các nước ASEAN thất vọng, mà Trung Quốc vẫn hể hả? Vì rằng: đành là trách nhiệm hai bên, nhưng nguyên nhân cơ bản việc đàm phán COC ì ạch, chậm chạp như rùa bò, không thể khác, là Trung Quốc. Nói cách cuộc đàm phán này sở dĩ thành trường kỳ, vì bị ngáng trở bởi những vấn đề liên quan lợi ích Trung Quốc, trong đó, quan trọng nhất là yêu sách “đường 9 đoạn” mà dư luận vẫn mỉa mai là “đường lưỡi bò”.

Đạt được nguyên tắc thì dễ. Các nước ASEAN thì đã hẳn. Cả Trung Quốc cũng đâu có từ chối COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà họ là một thành viên tham gia. “Điểm chết” trong câu chuyện này chính là cái “đường lưỡi bò” chiếm tới 90% Biển Đông. Vụ kiện đình đám của Philippines với Trung Quốc, suy cho cùng, cũng vì nó. Những vụ xô xát, cãi cọ giữa Việt Nam, Malaysia, Indonesia với Trung Quốc, suy cho cùng, cũng vì nó. Cả đến Mỹ và các cường quốc phương Tây khó chịu và đấu khẩu với Trung Quốc, cũng nhiều phần vì nó…

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, Trung Quốc đã gặt phắt, trong khi miệng oang oang tôn trọng luật pháp quốc tế…Gạt phắt, vì Phán quyết xử phần thắng cho Philippines, theo đó, bác bỏ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố, áp đặt.

Sự phũ phàng và ương bướng của Trung Quốc thể hiện rằng: “Trong phạm vi “đường 9 đoạn” – đó là “của tao” và tao có quyền”. Thế cũng có nghĩa là: COC, nếu như có đạt được, phải bẻ theo Trung Quốc: chỉ có thể áp dụng cho phạm vi ngoài “đường 9 đoạn”.

“Ngoài đường 9 đoạn”, COC còn đâu ý nghĩa với ASEAN?

Vậy nên, ASEAN thiết tha thế, chứ thiết tha nhiều hơn nữa, trong năm 2022 đầy kỳ vọng, đàm phán COC cũng khó vượt qua kết quả “thống nhất được lời nói đầu” – như lời của ông Vương Nghị.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới