Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKiều hối chuyển về Việt Nam năm 2021 cao kỷ lục 18,1...

Kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2021 cao kỷ lục 18,1 tỉ USD

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đang tăng trong tháng 10 và 11 vừa qua, dự kiến lượng kiều hối sẽ còn tăng cao trong 2 tháng cuối năm.

Nhiều nước châu Á cũng đang cần nhập khẩu lao động, trong đó có lao động của Việt Nam, nên kiều hối khu vực này sẽ tiếp tục phát triển.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỉ USD, Theo đó, cao hơn mức 17,2 tỉ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối. Riêng TP.HCM, kiều hối năm nay ước đạt khoảng 6,5 – 6,6 tỉ USD.

Chỉ trong tháng 10 và tháng 11, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng khoảng 1 tỉ USD. Theo một số chuyên gia, lượng kiều hối gửi về trong tháng 12 và tháng 1 thường tăng cao so với cùng kỳ những tháng trước, nhiều nhất vào giai đoạn cao điểm hai tuần cận Tết Nguyên đán.

Theo các công ty kiều hối, lượng kiều hối chủ yếu vẫn đến từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Úc. Tuy vậy, tỉ trọng kiều hối từ châu Á cũng tăng lên khi lực lượng xuất khẩu lao động ngày càng nhiều.

Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống Mỹ, Úc, Canada…, số lượng người chuyển tiền về đã bắt đầu giảm dần qua các năm do mối quan hệ giữa các thế hệ mới lớn lên tại VN và các nước này ngày càng xa. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, việc gửi tiền trợ cấp cũng không còn mang nhiều ý nghĩa.

Nhiều nước châu Á cũng đang cần nhập khẩu lao động, trong đó có lao động của Việt Nam, nên kiều hối khu vực này sẽ tiếp tục phát triển và là thị trường đóng góp quan trọng của các nguồn kiều hối về Việt Nam.

Trong những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo đó, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỉ USD. Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.

Ngoài mục đích hỗ trợ người thân, chủ yếu từ người Việt tại các thị trường ngoại hối truyền thống như Mỹ, Úc và Canada… cùng với kiều hối chuyển về để phát triển kinh tế gia đình từ lực lượng lao động xuất khẩu, một lượng lớn kiều hối được chuyển về nhằm đầu tư của những người có nhu cầu về Việt Nam sinh sống khi về già cũng ngày càng phát triển.

Đặc biệt, theo các ngân hàng và công ty kiều hối, tỉ trọng chi kiều hối tại nhà tiếp tục giảm dần so với kiều hối chuyển khoản, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng. Tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân mà người nhận sẽ chọn lựa chọn nhận VND hay ngoại tệ.

Tuy nhiên, trong thời gian dịch COVID bùng phát, khách hàng chuộng nhận bằng hình thức chuyển vào tài khoản bằng VND để tiện cho việc thanh toán các chi phí sinh hoạt cần thiết hằng ngày. Tại thời điểm giãn cách xã hội, doanh số chi trả bằng VND của một đơn vị chiếm hơn 85% trên tổng doanh số chi trả chuyển về.

Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của WB về An sinh xã hội và Việc làm, cho biết dòng kiều hối từ người di cư đã cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt của chính phủ giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối được trở về để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế. Các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỉ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới