Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐài Loan tăng đòn tấn công 'tử huyệt' của Bắc Kinh

Đài Loan tăng đòn tấn công ‘tử huyệt’ của Bắc Kinh

Đài Loan sắp tiến thêm một bước để thắt chặt việc Bắc Kinh có thể tự chủ lĩnh vực chip bán dẫn – vốn đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc đại lục.

Tờ Nikkei Asia khuya 15.12 dẫn một số nguồn tin cho hay chính quyền Đài Loan sắp có thêm quy định để chặn các công ty công nghệ của nền kinh tế này bán bớt các công ty con hoặc tài sản khác ở Trung Quốc đại lục.
Thêm nhiều biện pháp thắt chặt

Theo đó, Cơ quan phụ trách Kinh tế Đài Loan cho biết đang sửa đổi các quy định hiện hành để yêu cầu các công ty Đài Loan phải xin phép chính quyền đảo này khi có kế hoạch bán hoặc thanh lý bất kỳ tài sản, nhà máy hoặc công ty con nào ở Trung Quốc đại lục cho các đối tác hay bất cứ bên nào ở đại lục. Lý do cần có sự chấp thuận từ chính quyền Đài Loan vì Đài Bắc lo ngại các thỏa thuận có thể bao gồm việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm cho đại lục.

Lâu nay, việc các khoản đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan vào Trung Quốc đại lục, bao gồm cả việc thành lập các công ty con, phải được Ủy ban Đầu tư của Đài Loan chấp thuận. Tuy nhiên, theo quy định, việc thay đổi quyền sở hữu sau khoản đầu tư ban đầu đều không cần xin phép. Chính vì thế, quy định mới được cho là động thái mới nhất của Đài Bắc nhằm ngăn chặn việc rò rỉ các công nghệ nhạy cảm, bao gồm cả công nghệ bán dẫn, vào đại lục. Bởi thực tế, vài năm qua, một số công ty Đài Loan đã bán các đơn vị kinh doanh tại Trung Quốc đại lục cho đối tác địa phương sở tại.

Không những vậy, theo tờ Nikkei Asia, các cơ quan khác của Đài Loan gồm cơ quan phụ trách tư pháp và hội đồng phụ trách các vấn đề về đại lục đang soạn thảo những quy định mới để ngăn các chuyên gia tiết lộ bí mật thương mại và công nghệ quan trọng cho phía bên ngoài như Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau, trong một nỗ lực nâng cao nhằm ngăn cản mọi người làm việc cho các công ty bên kia eo biển. Theo dự thảo của quy định, bất kỳ chuyên gia nào có dự án từng được chính quyền Đài Loan tài trợ đều phải xin phép nếu muốn đến Trung Quốc.
Khó càng thêm khó

Nhiều năm qua, Trung Quốc đại lục phải phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ chip từ bên ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn như TSMC (Đài Loan), Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc)…

Thế nhưng, trong bối cảnh xung đột thương mại dâng cao giữa Washington với Bắc Kinh, từ năm 2019, Mỹ bắt đầu siết chặt nhiều quy định để ngăn cản doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ, sản phẩm thuộc lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt là chip bán dẫn. Trong khi đó, chip bán dẫn có vai trò sống còn đối với nhiều lĩnh vực từ thiết bị điện tử đến xe hơi, cùng nhiều ngành hàng khác. Theo Bloomberg, tính riêng năm 2020, Trung Quốc đã chi 350 tỉ USD để mua chip phục vụ cho những ngành công nghiệp sản xuất khác.

Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: “Việc ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ nói chung, ngành bán dẫn nói riêng, nhằm đảm bảo Washington tiếp tục nắm lợi thế về công nghệ di động 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều công nghệ khác. Nhờ đó, Washington và các đồng minh có thể ngăn Bắc Kinh thống trị trong cuộc cách mạng tiếp theo trong lĩnh vực kinh tế”.

Trong bối cảnh bị Washington siết chặt, Bắc Kinh đã tìm cách tự chủ, hỗ trợ các doanh nghiệp đại lục phát triển công nghệ chip bán dẫn. Thế nhưng, nỗ lực được cho là chưa gặt hái được kết quả. Theo tờ South China Morning Post đưa tin ngày 15.12, trong năm 2020, 56 công ty sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 17% thị phần doanh số tại thị trường này. Vì thế, với các biện pháp mới mà Đài Loan sắp áp dụng, Bắc Kinh sẽ mất đi nguồn nhân lực lẫn công nghệ quan trọng để tự chủ lĩnh vực chip bán dẫn. Tờ South China Morning Post dẫn lời Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp thiết bị sản xuất điện tử Trung Quốc (CEPEA) thừa nhận một thách thức lớn đối với Trung Quốc trong lĩnh vực chip bán dẫn là thiết bị sản xuất ở đại lục về công nghệ kém xa so với thiết bị nhập khẩu.
Giữa muôn trùng vây

Trong khi đó, với sự tham gia mạnh mẽ của Đài Loan, Washington cùng đồng minh đang phối hợp tấn công tử huyệt trên của Bắc Kinh, chuyển dần việc gia công sản xuất chip ra khỏi Trung Quốc đại lục.

Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 24.9, “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ đưa ra thông cáo chung, trong đó có thỏa thuận hướng tới việc tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn cho chất bán dẫn. Đến nay, Mỹ đã hợp tác cùng Úc để phát triển nguồn cung ứng đất hiếm – nguyên liệu cốt lõi của ngành bán dẫn. Vào tháng 10, Tokyo vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ hàng tỉ USD cho TSMC (Đài Loan), vốn là nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Nhật. Rồi TSMC lại hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn trị giá 12 tỉ USD tại Mỹ, và một nhà máy khác tại Đức cũng trị giá nhiều tỉ USD.

Chưa dừng lại ở đó, truyền thông quốc tế vừa đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét để đưa ra lệnh trừng phạt mới nhằm vào Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc. SMIC là tập đoàn hàng đầu đại lục về sản xuất chip bán dẫn. Chính vì thế, Bắc Kinh đang bị tấn công liên tục vào “tử huyệt” chip bán dẫn.

Phái đoàn ngoại giao Lithuania rời Trung Quốc

Reuters dẫn lời các nguồn tin ngoại giao cho biết 19 người, gồm nhân viên sứ quán Lithuania (Litva) và người phụ thuộc, đã rời Bắc Kinh ngày 15.12. Việc rời đi được chuẩn bị vội vàng và diễn ra nhanh chóng. Một nguồn tin nói họ rời đi để phản ứng với “sự đe dọa”. Lithuania cho biết nước này triệu tập đại diện ngoại giao từ Trung Quốc trở về để tham vấn. Trong lúc đó, Đại sứ quán Lithuania tại Bắc Kinh sẽ hoạt động từ xa.

Quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Lithuania đã xấu đi sau khi Lithuania để Đài Loan lập văn phòng đại diện tại Vilnius với tên Đài Loan thay vì Đài Bắc. Vào tháng 11, Bắc Kinh đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania xuống cấp “đại biện”.

RELATED ARTICLES

Tin mới